Những nghệ sĩ kiến tạo bằng bóng sống
Trent Alexander-Arnold sẽ rời Liverpool để gia nhập Real Madrid, còn Kevin De Bruyne – người đã gắn bó gần một thập kỷ với Man City – có khả năng cũng sẽ ra nước ngoài thi đấu. Khi không còn hai ngôi sao này, bóng đá Anh thiếu đi những cầu thủ có khả năng chuyền bóng vào vòng cấm đạt đến tầm cỡ của họ.
Xét về thống kê, kỹ năng này có thể được đo bằng số pha kiến tạo. Trong 10 năm qua, De Bruyne là cầu thủ có nhiều pha kiến tạo nhất tại Premier League, còn Alexander-Arnold đứng thứ tư – điều đặc biệt ấn tượng vì anh là một hậu vệ cánh và chỉ trở thành trụ cột từ mùa 2018/19.
22h00 ngày 25/5: Liverpool vs Crystal Palace
Mohamed Salah và Son Heung-min là hai cái tên còn lại trong tốp đầu. Nhưng họ được biết đến chủ yếu nhờ khả năng ghi bàn, còn các pha kiến tạo của họ thường đơn giản hơn rất nhiều so với những đường chuyền thiên tài mà De Bruyne và Alexander-Arnold tạo ra.
Salah là cầu thủ sáng tạo giỏi, nhưng vẫn không thể sánh với hai người này về khả năng tạo ra giá trị từ các đường chuyền – nghĩa là biến những tình huống tưởng chừng vô hại thành cơ hội ghi bàn nguy hiểm chỉ trong chớp mắt. Không ai ở Premier League làm điều đó tốt hơn De Bruyne và Alexander-Arnold.
Khác biệt với Beckham
Một phần nhờ vào kỹ thuật thượng thừa, nhưng điều đó không phải là tất cả. Ví dụ, James Ward-Prowse là chuyên gia đá phạt có khả năng tạo độ xoáy và lực bóng ấn tượng, nhưng anh không phải mẫu cầu thủ sáng tạo trong thế trận mở.
Trái lại, De Bruyne và Alexander-Arnold không chỉ tạt bóng chính xác mà còn có nhãn quan để tung ra nhiều loại đường chuyền đặc biệt: đảo cánh, chọc khe bằng má ngoài, hay trả ngược từ sát đường biên ngang. Đáng chú ý, dù sở hữu chân phải được xem là xuất sắc nhất Premier League, cả hai đều sử dụng chân trái rất tốt.
So sánh với David Beckham – người vẫn thường được coi là chân tạt hay nhất mà Premier League từng có – cũng cho thấy điểm khác biệt. Beckham không phải mẫu cầu thủ sáng tạo trung tâm.
Anh chơi tốt nhất khi bám biên và tung ra những đường bóng đơn giản nhưng chính xác. Nếu đặt Beckham vào hệ thống hiện đại, anh có thể không đủ tốc độ để đá cánh, vậy liệu anh có phù hợp với vai trò như De Bruyne hay Alexander-Arnold?
De Bruyne – người sáng tạo vai trò “số 8 tự do”
De Bruyne từng tỏa sáng trong vai trò số 10 tại Wolfsburg, và khi đến Man City dưới thời Manuel Pellegrini, anh được sử dụng như một hộ công hoặc chạy cánh. Nhưng khi Pep Guardiola kéo anh vào đá tiền vệ trung tâm lệch phải, bên cạnh David Silva ở cánh đối diện, đó là một bước đi táo bạo. Chính De Bruyne là người đầu tiên gọi vị trí của mình là “số 8 tự do” (“free eight”).
22h00 ngày 25/5: Fulham vs Man City
Trong hệ thống của Guardiola, với 5 cầu thủ chia đều 5 hướng tấn công, De Bruyne chơi ở giữa các tuyến ngang và dọc của đối thủ – nghĩa là ở khoảng trống luôn khó kiểm soát nhất. Guardiola thường bố trí một cầu thủ chạy cánh thuận chân trái (như Riyad Mahrez hay Bernardo Silva) bám biên, tạo không gian để De Bruyne chạy chéo vào khoảng trống và nhận đường chọc khe.
Đây là một phần then chốt trong chiến thắng quan trọng trước Tottenham mùa trước, với Erling Haaland là người ghi bàn. Không ai khác ở Premier League làm chủ không gian đó tốt như De Bruyne.
Alexander-Arnold – hậu vệ chơi như nhạc trưởng
Alexander-Arnold vốn là tiền vệ trung tâm được chuyển sang đá hậu vệ phải, và từ lâu đã nổ ra tranh cãi về việc anh có nên chơi ở giữa sân. Gareth Southgate từng thử, Klopp từng bác bỏ ý tưởng đó, nhưng sau này chính ông đã học theo Guardiola khi đẩy hậu vệ biên người Anh vào trung lộ.
Tuy nhiên, trong khi Guardiola làm vậy để phòng ngự phản công, thì Alexander-Arnold vào giữa nhằm mở rộng tầm chuyền bóng. Không còn bám biên đơn thuần, anh trở thành người điều phối bóng, tung ra các đường chuyền dài như nhạc trưởng.
Nhiều người nghi ngờ liệu anh có thực sự cách mạng hóa vai trò hậu vệ phải – nhưng đã có hậu vệ nào khác từng là nguồn sáng tạo chính của đội? Là người chuyền bóng hay nhất đội? Là hậu vệ mà lại thường xuyên chuyền như thể anh là Andrea Pirlo, chứ không phải Cafu?
Giống như De Bruyne, Alexander-Arnold sở hữu bộ kỹ năng đặc biệt, buộc các HLV phải tạo ra vị trí riêng biệt cho anh. Thống kê các vị trí kiến tạo từ mùa 2018/19 đến nay cho thấy, cả hai đều tạo đột biến chủ yếu từ hành lang phải lệch trong – khoảng không gian chiến thuật lý tưởng cho những nghệ sĩ kiến tạo.
Tái định nghĩa giá trị của những quả tạt
Tạt bóng từ lâu đã là một phần cốt lõi của bóng đá, nhưng từng có thời điểm – khoảng 10 năm trước – người ta coi đó là lối chơi lỗi thời. Sự lên ngôi của tiki-taka khiến các đội bóng ưa chuyền trung lộ, còn các cầu thủ chạy cánh thì thường bó vào trong. Tạt bóng bị xem là đơn giản, là "ném bóng vào nồi lẩu và cầu may".
Mùa trước khi De Bruyne đến Man City (2014/15), cầu thủ có nhiều pha kiến tạo từ tạt bóng nhất là Chris Brunt – người chơi cho một West Brom của Tony Pulis, HLV theo trường phái cổ điển. Khi đó, tạt bóng bị coi là lỗi mốt.
Chính Alexander-Arnold và De Bruyne đã giúp đưa những quả tạt trở lại thời hoàng kim ở Premier League – kể cả khi đội của họ không có trung phong cổ điển. Thay vì đánh đầu thuần túy, họ tìm các pha di chuyển thông minh, và chuyền chính xác với độ xoáy, độ cong đúng thời điểm. Họ có thể tạt mạnh mẽ như Beckham, nhưng cũng chọc khe tinh tế như Xavi.
Nói ra có vẻ trái ngược với cấu tạo giải phẫu, nhưng hoàn toàn hợp lý trong bóng đá: cả hai đều sở hữu cái chân phải mang phẩm chất mà người ta thường gán cho cái chân trái – và đó là lời khen cao nhất có thể dành cho họ.
Bình Luận