Premier League thống trị từ thương trường tới sân cỏ

Kịch bản 2 trận chung kết châu Âu toàn Anh đã không xảy ra nhưng việc sở hữu 3 trên 4 đội bóng cuối cùng cũng đủ chứng minh Premier League đang thống trị lục địa già.

Man City bóp nghẹt á quân châu Âu mùa trước PSG trong trận đấu không cần đến tiền đạo. Chelsea nhắc cho đội từng 3 lần liên tiếp vô địch Champions League là Real Madrid rằng vinh quang của họ nằm hết ở quá khứ. Man United đánh bại Roma với tổng tỷ số 8-5 ở bán kết Europa League. Chỉ riêng Arsenal gây thất vọng và không thể giúp tái hiện 2 trận chung kết toàn Anh như ở mùa 2018/19. 

Nhưng sự vượt trội về chuyên môn trên sân cỏ của Premier League so với phần còn lại của châu lục đã được khẳng định. Trong một mùa giải nhiều biến động, sức mạnh của các đội bóng Anh vẫn rất ổn định. 

Theo đà này, người dân xứ sương mù có thể nghĩ tới việc tái lập giai đoạn hoàng kim 2005-2010, khi mà Chelsea, Liverpool, MU và Arsenal đều vào tới chung kết Champions League. Nhưng câu hỏi là vì sao Premier League có được sức mạnh này?

Sức mạnh trên sân cỏ xuất phát từ sức mạnh tài chính. Nói đơn giản, sau tất cả những vất vả, bạn vẫn còn lại tiền thì vẫn còn hi vọng. Đơn cử như MU, với 8 năm không vô địch giải quốc nội, những đội bóng khác đã bật bãi khỏi đài danh vọng từ lâu nhưng Quỷ đỏ thì khác, họ có bệ đỡ tài chính để níu giữ lại vị trí trong nhóm tinh hoa.

Các đội bóng Anh ngày một vượt trội

Theo hãng kiểm toán Deloitte thì trong năm 2021, Premier League có tới 5 đội bóng nằm trong Top 10 CLB giàu nhất thế giới (và có 7 trong Top 20). Mọi thứ được cụ thể hóa bằng những mức đãi ngộ đủ làm siêu lòng mọi ngôi sao trên thế giới.

Không chỉ cầu thủ, những HLV hàng đầu cũng đã, đang và sẽ đến Premier League vì sự náo nhiệt của nơi đây. Chẳng thế mà chỉ có Man City mới dám cất trên băng ghế dự bị những ngôi sao trị giá nửa tỷ bảng ở một trận đấu tại Premier League. Hay khi đối đầu với Real, Chelsea cũng có dàn dự phòng giá trị hơn 220 triệu bảng.

Một minh chứng khác sẽ cho thấy tầm ảnh hưởng của bóng đá Anh. Sau khi cùng Inter vô địch Serie A và chấm dứt sự thống trị suốt 9 năm của Juventus, Romelu Lukaku đã đăng tải tấm ảnh anh chụp cùng những đồng đội từng khoác áo MU.

Trong đội hình vô địch của Inter, có tới 4 cựu Quỷ đỏ là Lukaku, Ashley Young, Alexis Sanchez và Matteo Darmian. Đến HLV của Inter là Antonio Conte cũng là người từng tu nghiệp ở xứ sương mù. Quãng thời gian làm việc ở Premier League có lẽ đã giúp ông nhận ra chỉ có phát triển đội bóng theo hướng thể chất hóa như nước Anh mới giúp lật đổ sự đàn áp của Juventus.

Inter là phiên bản Premier League thu nhỏ

Ngoài ra, cũng cần lưu ý mối quan hệ cộng sinh giữa Premier League và Bundesliga. Vào lúc này, có rất nhiều cầu thủ trẻ với kỹ thuật thiên bẩm và khả năng đi bóng lắt léo được trao đổi giữa 2 giải đấu. Trong khi các HLV có kinh nghiệm (đặc biệt là đào tạo trẻ) tại nước Đức đều được săn đón ở Anh.

Premier League bây giờ là thiên đường trong mơ của những người làm bóng đá, nơi thức thời nhất, hội tụ mọi điều kiện tốt nhất và cũng cho ra hiệu quả cao nhất. Chính vì thế, khá lạ khi Big 6 của nước Anh đồng ý thành lập nên Super League và tự san sẻ sự độc tôn của mình với các đội bóng khác.

Nhưng với bối cảnh Super League khó lòng ra mắt, trong khi Champions League chuẩn bị lột xác theo phiên bản "cậy sức" hơn, có thể tin là sự thống trị của bóng đá Anh sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm.

Đương nhiên, các siêu cường như Bayern và PSG sẽ trở lại mạnh mẽ trong mùa tới. Juventus, Real Madrid và Barca cũng không từ bỏ chạy đua vũ trang vào mùa hè. Nhưng nếu cảnh một đội bóng xếp thứ 12 tại Premier League mùa trước như Everton vẫn kiếm nhiều hơn 30 triệu euro so với đội vào tới bán kết Champions League mùa trước như Lyon, thì câu chuyện vẫn sẽ đi vào vòng tuần hoàn của nó. 

Nói không quá, đâu cần Super League khi tự thân Premier League đang là Super League của châu Âu, tất nhiên với thể thức và tính pháp lý hợp lòng dân.

    Bình Luận