Sir Alex có đúng là 'bậc thầy tâm lý chiến'?

Chẳng qua, nhờ quá thành công mà Sir Alex Ferguson luôn được nhớ đến bởi những màn “tâm lý chiến xuất sắc”. Đâu ai cần nhớ hoặc tranh luận về những cú “tâm lý chiến” phản tác dụng, khi bậc thầy Ferguson phải thua đau.
Sir Alex có đúng là 'bậc thầy tâm lý chiến'?

Chỉ có một điều chắc chắn: Alex Ferguson không bao giờ thuộc mẫu HLV điềm tĩnh. Ông nói văng mạng, không hề kiêng nể nhân vật quan trọng nào. Ông mắng xối xả cầu thủ của mình. Ông nói “toạc móng heo” những điều mà người khác thường không dám nói. Về mặt này, Ferguson nổi tiếng đến nỗi người ta đã dùng hình ảnh ông đang “giáo huấn” trước các ngôi sao ngồi im, cúi gằm, trong một clip quảng cáo khá ấn tượng. Giới bình luận cũng đã cho rằng một trong những chỗ đáng tiếc nhất mà Premier League bây giờ đã mất đi, là những cuộc họp báo sau trận đầy chi tiết vui nhộn, khi có Alex Ferguson.

Vấn đề đặt ra: chẳng qua, tính “Ngài Alex” là như vậy, hay Alex Ferguson làm như vậy là vì mục đích “tâm lý chiến”, luôn làm cho M.U hưởng lợi?

Hồi M.U hết sức chật vật để thắng Leeds United, trong giai đoạn quyết định của mùa bóng 1995/96, Ferguson tự nhận mình dở, rằng “không hiểu các cầu thủ Leeds”. Rồi Ferguson “khen đểu” cái hay của đối thủ: “Họ mà luôn chơi như vậy, họ đã phải đứng gần ngồi đầu bảng”. Trên thực tế, Leeds là đội yếu, đứng gần nhóm cuối bảng. Ferguson khích lệ tinh thần các cầu thủ Leeds chẳng qua vì sau đó, Leeds sẽ gặp Newcastle, vốn là đối thủ chính của M.U trong cuộc đua giành ngôi vô địch mùa ấy.

Chỉ với bấy nhiêu, coi như Ferguson đã làm cú “tâm lý chiến xuất sắc”! Người ta ca ngợi “tuyệt chiêu” này của Ferguson. Còn khi trở lại thực tế, rằng Leeds thua chứ đâu có thắng Newcastle, thì đấy lại là chuyện đâu có gì đáng bàn!

Alex Ferguson không bao giờ thuộc mẫu HLV điềm tĩnh

Những câu chuyện điên đảo như vậy cứ nối tiếp nhau, để rồi chẳng biết từ lúc nào, Sir Alex nghiễm nhiên trở thành một bậc thầy tâm lý chiến. Người ta xem những câu nói trong phòng thay đồ của Ferguson, ở thời gian nghỉ giữa hai hiệp, là nguyên nhân khiến M.U thắng Newcastle trong trận đấu có ý nghĩa quyết định cuộc đua giành ngôi vô địch mùa bóng 1995/96. Kỳ thực, Ferguson bao giờ cũng quát mắng như vậy trong phòng thay đồ, nếu M.U chưa có kết quả thuận lợi khi hiệp 1 khép lại. Chẳng thấy có thống kê nào khả dĩ nói lên hiệu quả của những màn khích tướng ấy.

Một cầu thủ M.U từng tiết lộ: riết rồi, nhiều người trong số họ chẳng còn quan tâm xem Ferguson sẽ nói gì nữa. Chắc chắn phải có màn quát tháo rồi, nếu như M.U rời sân sau hiệp 1 với kết quả bất lợi. Mặc kệ ông ta sẽ mắng mỏ những gì. Trong một trường hợp như thế, ngẫu nhiên có một cái bình đầy nước bằng kim loại, rất to, đặt sẵn trên bàn. Trong cơn giận dữ, “Ngài Alex” vung tay đấm mạnh vào cái bình ấy. Vì đang đầy nước, cái bình không hề nhúc nhích. Và đây chính là tiết lộ thú vị của câu chuyện về thói quen mắng nhiếc học trò của Ferguson: mọi người khi ấy phải cố nghiến răng để không bật ra tiếng cười. “Sếp” chắc phải đau tay lắm, sau cú đấm ấy.

Nhà tâm lý học Stephen Smith, nổi tiếng ở lĩnh vực phân tích những cá tính trong thể thao, từng cho rằng chiến thuật (tâm lý chiến) của Ferguson có thể làm hại chính ông. Tuy rằng Smith nói vậy trong mùa bóng 1995/96, mà rút cuộc M.U vô địch, nhưng đấy là kết quả thể thao thuần túy, chứ không ai nghi ngờ Smith “dốt” về tâm lý, trong cái nghề của ông. Vả lại, Ferguson quả đã thất bại bởi trò chơi tâm lý ở mùa bóng trước đó, khi bỏ lỡ cơ hội đoạt chức vô địch từ tay Blackburn, ngay trong vòng đấu cuối cùng.

Người ta nhớ về Ferguson khi ông bảo Arsene Wenger (vào năm 1997) “đến từ Nhật, không biết gì về bóng đá Anh, nên im mồm”. Ít ai liên kết “chiêu” này với kết quả Arsenal vô địch Premier League 1998 và nổi tiếng suốt một giai đoạn dài dưới sự dẫn dắt của Wenger. Đấy là tác dụng ngược của đòn tâm lý? Thôi thì, cứ để huyền thoại Ferguson... y nguyên như vậy. Cũng chẳng có gì quan trọng hay không quan trọng trong câu chuyện này. Chỉ có điều: “tâm lý chiến”, bất kể ở trình độ nào, không bao giờ là yếu tố quyết định tính hấp dẫn của trò chơi bóng đá.

Phải lập tức chia tay

Jaap Stam, David Beckham (ảnh trái), Roy Keane, Ruud van Nistelrooy và Gabriel Heinze là các ngôi sao nổi tiếng từng “đụng độ” với HLV Alex Ferguson trong thời gian họ khoác áo M.U. Tất cả đều lập tức chuyển sang đội khác, như một hệ quả tất yếu. Trong nhiều trường hợp, Ferguson khẳng định với giới lãnh đạo M.U: “Họ phải đi ngay”. Sự trùng hợp đáng kể: cả Beckham, Van Nistelrooy và Heinze đều sang Real Madrid. Ferguson sau này nói ông hối hận về việc bán Stam sang Lazio.

Này thì “tâm lý chiến”
Gần cuối mùa bóng 1994/95, Ferguson chơi “đòn tâm lý”, khi nói rằng chức vô địch Premier League coi như đã thuộc về Blackburn. Đội M.U của ông chỉ có cơ hội nếu Blackburn “làm một cú Devon Loch” (đấy là con ngựa đua nổi tiếng, từng bất ngờ ngã ngay trước vạch đích). Blackburn thua Liverpool ở vòng cuối cùng, nhưng M.U chỉ hòa với đối thủ yếu West Ham, chung cuộc thua đúng 1 điểm. Câu nói của Ferguson làm chính M.U thấy mình tuyệt vọng? Kết quả: Blackburn thắng M.U (Ferguson đá phản lưới nhà).

48. Alex Ferguson là HLV đoạt nhiều danh hiệu nhất trong lịch sử bóng đá. Ông có tổng cộng 48 danh hiệu vô địch với Aberdeen và M.U. 

XEM THÊM

Vài giải pháp giúp các cậu nhóc mê bóng 'giải khuây' trong dịch Covid-19

GĐKT Ajax mai mỉa UEFA giống Tổng thống Mỹ, Donald Trump

10 điều NHM muốn thấy nhất sau khi bóng đá thoát khỏi nỗi ám ảnh Covid-19

    Bình Luận