Số áo ở MU có quan trọng không?

Không CLB nào trên thế giới khai thác việc bán áo đấu với số áo trên lưng tốt bằng MU. Có nhiều ngôi sao từng cố gắng có được số áo mà mình yêu thích. Nhưng không phải cầu thủ nào cũng coi trọng số áo…

Số áo ở MU có quan trọng không?

Cunha, Rashford & áo số 10

Số áo ở Man United có thực sự quan trọng không? Có lẽ hãy hỏi Matheus Cunha hoặc Marcus Rashford. Thứ Ba tuần trước, mẫu áo sân nhà mới của Man United chính thức được mở bán, với việc Cunha đã tiếp quản chiếc áo số 10 từ Rashford. Bạn có thể sở hữu một chiếc nếu sẵn sàng chi ra 85 bảng, cộng thêm 20 bảng nữa nếu muốn in tên Cunha, số áo và logo Premier League lên áo.

Man United từ trước đó đã chuẩn bị tâm lý dư luận cho việc Rashford mất áo số 10, nhằm tránh các bài báo giật gân kiểu “fan tức giận” vì từng bỏ ra số tiền lớn để mua áo “Rashford 10”, rồi phát hiện anh không còn mang số ấy nữa.

Ngoại trừ Cristiano Ronaldo, Rashford là cầu thủ bán áo chạy nhất của MU trong thập kỷ qua, vượt qua ranh giới thế hệ trong lòng người hâm mộ, cho đến khi phong độ của anh sa sút.

Các CĐV trẻ thường bị thu hút bởi những cầu thủ tấn công trẻ tuổi (như Alejandro Garnacho hay Amad ở mùa trước), trong khi người hâm mộ lớn tuổi hơn có xu hướng chọn những cái tên như Bruno Fernandes. Nhưng Rashford, một người con Manchester đích thực, fan trung thành của MU từ bé, từng được yêu mến trên diện rộng. Việc anh bị mất số 10 vào tay Cunha là dấu hiệu rõ ràng cho thấy anh không còn nằm trong kế hoạch của HLV Ruben Amorim.

Số áo in trên lưng áo CĐV là một hiện tượng khá mới, nhưng cực kỳ sinh lời, và không CLB nào khai thác hiệu quả khía cạnh đó hơn Man United. Dù đội bóng sa sút thành tích những năm gần đây, mảng bán hàng lưu niệm vẫn phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, không chiếc áo nào bán chạy như áo “Ronaldo 7”. Thậm chí, khi CR7 trở lại MU vào tháng 8/2021, lượng áo bán ra còn nhanh hơn cả thời kỳ đầu anh khoác áo Quỷ đỏ giai đoạn 2003–2009. Bốn năm trước, người ta chứng kiến cảnh dòng người xếp hàng dài từ Megastore của Old Trafford kéo dài đến gần Hotel Football chỉ để mua chiếc áo của Ronaldo. Hàng áo mới được mang lên kệ liên tục thay cho những mẫu treo cố định, điều chưa từng xảy ra kể từ khi cửa hàng mở cách đây 30 năm.

Ban lãnh đạo Man United hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc “đập sắt khi còn nóng”, đặc biệt là Ed Woodward, CEO thời điểm đó, người đã thuyết phục nhà Glazer rằng các con số lợi nhuận hoàn toàn hợp lý nếu tái ký hợp đồng với Ronaldo.

Áo số 7 huyền thoại

Số áo ở MU có quan trọng không?

Khái niệm về một chiếc áo “có thương hiệu cầu thủ”, hay còn gọi là “áo người hùng” (hero shirt) trong ngành bán lẻ, có mặt trên toàn cầu phần lớn cũng nhờ MU đã thực hiện thành công ý tưởng này từ những năm 1990.

Chiếc áo số 7 đã trở thành số áo nổi tiếng nhất lịch sử MU (và từ năm 2017, cụm “No 7 at Old Trafford” đã được CLB đăng ký bản quyền). Danh tiếng ấy được xây dựng từ những tên tuổi lẫy lừng như George Best, Bryan Robson, Eric Cantona và David Beckham, trước khi Ronaldo kế thừa. 

Số 7 được xem là áo dành cho những cầu thủ đá cánh hoặc tấn công, dù thực tế George Best mặc áo số 11 nhiều hơn, còn Robson là tiền vệ trung tâm (và chưa từng mặc áo số 7 tại Premier League, bởi ông bị chuyển sang số 12 từ mùa 1992).

Nói chung, các tiền đạo luôn là nhóm cầu thủ bán áo chạy nhất, dù vẫn có một vài ngoại lệ nổi bật. David Beckham là ví dụ tiêu biểu, nhưng cũng không thể không nhắc đến Juan Sebastian Veron. Khi Veron và Ruud van Nistelrooy cùng đến MU năm 2001, áo có tên Veron được bán ra gấp bốn lần áo của Van Nistelrooy.

Khi Juan Sebastian Veron gia nhập Man United, thương vụ này được ca ngợi là lần đầu tiên CLB ký hợp đồng với một ngôi sao đẳng cấp thế giới đúng vào giai đoạn đỉnh cao phong độ. Sự phấn khích ấy lập tức phản ánh qua doanh số bán áo, dù sau này Veron không đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Không có gì ngạc nhiên khi doanh số áo đấu thường tỷ lệ thuận với phong độ cầu thủ.

Số áo là thứ để… ao ước

Số áo ở MU có quan trọng không?

Việc in tên và số áo lên áo đấu CĐV chỉ bắt đầu từ mùa 1993/94, một năm sau khi Premier League ra đời. Trước đó, cầu thủ có thể mang nhiều số áo khác nhau trong mùa, nhất là nếu họ là những người đa năng. Thậm chí từng có thời, việc “đã chơi với mọi số áo” là một niềm tự hào. Việc gán số áo cố định cho từng cầu thủ cũng là lúc Man United bắt đầu cung cấp dịch vụ in tên và số sau lưng áo.

Và từ đây, số áo trở thành thứ để… ao ước. Chỉ cần được trao một số áo trong đội hình chính đã là bước đệm quan trọng với một cầu thủ trẻ. Càng thăng tiến, số áo ấy càng “giảm”, tức tiến dần về nhóm những con số danh giá (1 đến 11).

Tất nhiên, cái tôi của cầu thủ cũng không thể thiếu trong câu chuyện số áo. Khi Zlatan Ibrahimovic trở lại sau chấn thương và lấy số 10 từ tay Romelu Lukaku (người đã xin phép để mặc áo số 9), anh tuyên bố rằng mình “đã nâng cấp số áo”, ý nói số 10 cao quý hơn. 

Cũng khó phản bác khi nhìn vào danh sách những huyền thoại từng mặc số 10: Ferenc Puskas, Pele, Diego Maradona, Michel Platini, Roberto Baggio, Dennis Bergkamp, Zinedine Zidane, Ronaldinho và Lionel Messi. Chính Ibrahimovic khi mới đến MU năm 2016 đã mang áo số 9, khiến Anthony Martial phải chuyển sang số 11. Sau khi Ibrahimovic và Lukaku rời đi, Martial quay lại với áo số 9.

Dù áo vẫn bán chạy, nhưng trong những năm gần đây, Man United thiếu đi hình mẫu “người hùng” rõ ràng. Bruno Fernandes hiện là người bán áo nhiều nhất. Lisandro Martinez từng tạo nên làn sóng nhỏ khi mang hình tượng “gã thép” vào năm 2022. Kobbie Mainoo, niềm hy vọng mới, cũng tạo hiệu ứng rõ rệt về mặt áo đấu mùa trước, trước khi dính chấn thương.

Sự đặc biệt của Carrick và Valencia

Số áo ở MU có quan trọng không?

Không thể phủ nhận rằng với fan hâm mộ, một số áo thường gắn với một cầu thủ cụ thể. Paul Scholes, Ashley Young, Bruno Fernandes và Casemiro đều từng mặc số 18. Roy Keane nổi tiếng với số 16, sau khi từ chối số 7 huyền thoại. Michael Carrick cũng mặc số 16.

Sir Alex Ferguson từng kể: “Tôi nói với Carrick, ‘Tôi sẽ trao cho cậu áo số 16’, và cậu ấy rất vui. Điều đó cho thấy sự can đảm, vì đôi khi cầu thủ khá mê tín với những chuyện này. Nhưng Carrick hào hứng nhận nó”.

Tuy nhiên, ký ức của Carrick lại… khác hẳn: “Tôi ngồi trong văn phòng HLV, chắc là hôm đầu tiên ở CLB. Ông ấy hỏi: ‘Cậu muốn số áo nào?’. Tôi trả lời: ‘Thật ra tôi không quan trọng lắm’. Ông ấy nói: ‘Vậy số 16 nhé?’. Tôi đáp: ‘Dạ, được thôi’. Và đó là toàn bộ cuộc hội thoại. Tôi hoàn toàn chẳng để tâm”.

Nhưng không phải ai cũng “không để tâm”. Antonio Valencia từng không chịu nổi áp lực từ chiếc áo số 7, số áo được coi là di sản ở Old Trafford. Và sau một mùa giải thi đấu thiếu thuyết phục, anh xin quay lại mặc áo số 25.

Số áo ở MU có quan trọng không?

Cũng có những tình huống kỳ quặc khác. Trong vài năm sau khi Premier League ra đời, Man United không mặc số áo cố định ở đấu trường châu Âu. Trận cuối cùng mà đội hình MU ra sân với các số từ 1 đến 11 là trận thua Juventus mùa 1996/97. 

Và ngay cả khi đã có số cố định, hệ thống đánh số ở châu Âu vẫn khác Premier League: Phil Neville mặc số 12 ở giải quốc nội nhưng số 28 ở cúp châu Âu; Paul Scholes thì ngược lại, số 18 ở Premier League nhưng mang áo số 12 khi ra trời Âu.

Nghe có vẻ vô lý? Vậy số áo có thực sự quan trọng không? Câu trả lời là: còn tùy... bạn hỏi ai.

    Bình Luận