Solskjaer hiểu rõ MU cũng chẳng có ích gì

Solskjaer đã bị Man United sa thải khỏi vị trí HLV trưởng. CLB này đã đưa Solskjaer lên chiếc ghế này vì cho rằng việc Solskjaer hiểu rõ đội bóng cũ sẽ có ích. Nhưng trước Solskjaer là vụ Lampard bị Chelsea sa thải.
Solskjaer đã bị Man United sa thải khỏi vị trí HLV trưởng. CLB này đã đưa Solskjaer lên chiếc ghế này vì cho rằng việc Solskjaer hiểu rõ đội bóng cũ sẽ có ích. Nhưng trước Solskjaer là vụ Lampard bị Chelsea sa thải.

Có chút khác biệt: Lampard là một HLV thực thụ, đã thể hiện tay nghề ở giải hạng Nhất Anh (Championship) trước khi được mời về Chelsea để dẫn dắt CLB cũ. Và thật ra, Lampard cũng đã bước đầu huấn luyện thành công Chelsea, bất chấp hoàn cảnh không thuận lợi (giữa lúc Chelsea bị cấm chuyển nhượng).

Mối quan hệ giữa Lampard và Chelsea thì đâu cần giới thiệu nữa. Thậm chí Lampard còn có quan hệ cá nhân cực kỳ tốt đẹp với ông chủ Roman Abramovich. Nhưng tóm lại, Chelsea đã sa thải Lampard. Nhờ hành động quyết đoán và kịp thời ấy mà Chelsea vô địch Champions League, cũng như đang có vị thế dẫn đầu Premier League trong mùa bóng này.

Cái mác “siêu dự bị” của Solskjaer chỉ là một cách nói, và trong cách nói ấy thì điều trước tiên phải hiểu là Solskjaer chỉ đủ đẳng cấp ngồi ghế dự bị ở một CLB lớn, trong những giải đấu lớn.

May mắn để đời, giúp Solskjaer ghi bàn trong trận chung kết Champions League 1999 không đủ để anh vươn lên đẳng cấp ngôi sao, không đủ tư cách so sánh với Lampard trong những năm tháng đỉnh cao ở Chelsea. Càng không thể so sánh cầu thủ Solskjaer của M.U với cầu thủ Gennaro Gattuso trong những năm tháng đỉnh cao ở AC Milan.

Tóm lại, cho dù Solskjaer “hiểu M.U”, thì cũng chẳng hơn “Lampard hiểu Chelsea”; “Gattuso hiểu Milan”; hoặc đỉnh điểm của mọi ví dụ, là “Diego Maradona hiểu đội Argentina”. Đoạn kết của Lampard ở Chelsea, Gattuso ở Milan, Maradona ở đội tuyển Argentina (và nhiều trường hợp tương tự nữa), không phải nhắc lại.

Người ta huấn luyện bằng trình độ chuyên môn, tư duy chiến thuật, sự am tường các nguyên lý của trò chơi bóng đá, bằng cả cơ man những kiến thức bổ trợ quan trọng nữa, như khả năng nhìn người, tính logic khi phân tích vấn đề, bằng trí thông minh trong cuộc sống thường nhật nữa. Bất cứ điều gì trong hàng chục cái gạch đầu dòng như thế, xem ra cũng đều quan trọng hơn cái gọi là “hiểu đội bóng cũ”.

Solskjaer “hiểu M.U”? Mà thật ra, giới cầm quân nên hiểu M.U… là đội như thế nào? Người ta phải hiểu Ajax hoặc Barcelona, nếu muốn huấn luyện các đội bóng ấy. Người ta có thể không cần hiểu Chelsea, nhưng nếu hiểu ông chủ Abramovich của Chelsea thì tốt hơn.

Sự thật là Antonio Conte và Thomas Tuchel đều không cần hiểu Chelsea để dẫn dắt dội này đến thành công. Chelsea… không có điều gì đáng hoặc cần hiểu. Với PSG thì không hiểu… lại càng tốt. Hiểu rõ bản chất “ai cũng là cây đa, cây đề” ở đội bóng này, HLV giỏi và có tự trọng nhiều khả năng sẽ lịch sự từ chối lời mời của họ!

Hiểu ra những chỗ không cần hiểu, hoặc người khác không hiểu, lại càng hay. Đội bóng nổi tiếng nhất thế giới, Brazil, thì còn ai không hiểu? Nhưng HLV Carlos Alberto Parreira… hiểu cách khác.

Ông làm tất cả những gì ngược lại với suy nghĩ chung của giới chuyên môn, quan chức liên đoàn và người hâm mộ trong làng cầu Brazil. Ông bị chỉ trích là “người Brazil duy nhất không hiểu bóng đá Brazil”. Thế là ông đưa Brazil trở lại ngôi vô địch World Cup sau 24 năm dài cổ chờ đợi!

    Bình Luận