Cuối mùa trước, nhà báo và cũng là một fan cứng của MU, Andy Mitten hài hước khi được hỏi về mục tiêu chuyển nhượng trong mùa giải 2023/24 của Quỷ đỏ: "Có lẽ chúng ta phải xem giải Hà Lan nhiều hơn thì mới biết được".
MU có hơn 140 tuyển trạch viên chính thức trên toàn thế giới để lùng sục những tài năng. Nhưng kể từ khi Ten Hag nhậm chức, những người ở Hà Lan là bận rộn nhất. Trong số 13 tân binh mà Ten Hag mang về theo cả dạng mua đứt và mượn, có tới 8 người liên quan tới quê hương của ông.
Antony, Lisandro Martinez và Tyrell Malacia là những người trực tiếp tới từ các CLB Hà Lan. Andre Onana cũng thành danh ở Ajax và mới chuyển từ Ajax sang Inter năm 2022. Christian Eriksen cũng giống như Onana, có tới 5 năm ở Ajax nhưng có nhiều kinh nghiệm Premier League hơn.
Mason Mount là ngôi sao của Chelsea nhưng bước ngoặt trong sự nghiệp của anh là mùa giải chói sáng cùng Vitesse. Wout Weghorst là một tiền đạo Hà Lan và mới chuyển ra nước ngoài thi đấu từ 2018. Cuối cùng là Sofyan Amrabat, người từng làm việc với chính Ten Hag ở Utrecht, sau đó chuyển sang Feyenoord.
Không phủ nhận việc Hà Lan là một quốc gia giàu tài năng với giải đấu hấp dẫn. Mối liên kết giữa Hà Lan và MU cũng rất đặc biệt. Kể từ thương vụ đầu tiên là Arnold Muhren ở thập niên 80 của thế kỷ trước, đến những danh thủ của CLB như Ruud van Nistelrooy, Jaap Stam và Robin van Persie.
Ten Hag đã tiếp nối con đường mà Louis van Gaal đã xây khi mang về Old Trafford rất nhiều tân binh trong tầm hiểu biết của mình. Tuy nhiên, độ hiệu quả chỉ đến trong mùa ra mắt, và mọi thứ bắt đầu đi lệch đường trong mùa thứ 2.
Trong số những cầu thủ tới từ Hà Lan, chỉ duy nhất Lisandro Martinez đáp ứng được trọn vẹn kỳ vọng. Đáng tiếc, cầu thủ hay nhất lại cũng đen đủi nhất. Trung vệ người Argentina dính khá nhiều chấn thương trong mùa này và buộc phải nghỉ thi đấu đến tận năm 2024. Ở chiều ngược lại, Antony là thương vụ khiến uy tín của Ten Hag giảm sút nghiêm trọng nhất. Bản hợp đồng trị giá 85 triệu bảng của MU chỉ thi đấu ấn tượng trong giai đoạn đầu, rồi dần chìm nghỉm với hàng loạt bê bối cả trong và ngoài sân cỏ.
Trong số những người tới từ Hà Lan, tính ra Onana là cái tên thi đấu nhiều nhất trong mùa này. Thế nhưng trọng trách thay thế cái bóng khổng lồ của De Gea đôi lúc vẫn khiến thủ thành người Cameroon lúng túng và mắc sai lầm. Năng lực chuyền bóng mà Ten Hag đòi hỏi và đề cao ở Onana chưa được phát huy rõ ràng.
Để có thể chinh chiến ở những đấu trường đỉnh cao, chỉ tập trung bổ sung nguồn lực từ giải Hà Lan là không đủ. Mới nhất, sau khi sa thải Richard Arnold, MU cũng đã tiến hành thuê một công ty thứ 3 có trụ sở ở Mỹ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc săn tài năng. Đây được xem là những thay đổi chiến lược mà Ratcliffe áp dụng lên dự án đã đầu tư hơn 1 tỷ bảng của mình.
Tập trung mua cầu thủ Hà Lan còn là một động thái nhạy cảm trong phòng thay đồ vốn đã có rất nhiều vấn đề của MU. Khi các cầu thủ cảm thấy họ không được đối xử công bằng như nhau, chắc chắn mâu thuẫn sẽ xuất hiện. Để làm yên lòng quân, đồng thời khai sáng những nguồn lực khác, Ten Hag phải thôi hướng về đất mẹ Hà Lan mà nhìn rộng ra.
Bình Luận