HLV Maurizio Sarri rất yêu London. 30 năm trước, ông đã đến và ở đấy để học tập, với suy nghĩ rằng sự nghiệp sau này của mình sẽ thuộc về lĩnh vực ngân hàng chứ không phải bóng đá.

Sarri cho biết: hồi ấy, ông đã thường xuyên xem bóng đá Anh - một thứ bóng đá đặc trưng, “rất Anh”, chứ không phải là đã Âu hóa như bây giờ. Sarri kể: “Chelsea, Arsenal, Tottenham, Queen’s Park Rangers, đội nào tôi cũng xem cả”.
Nhưng bây giờ, khi trở lại với thành phố mà ông từng yêu thời trẻ, Sarri lại rất ít khi “xuống phố”. Ông là người của công việc, làm việc hăng say đến mức độ gần như nghiện, và ông không có thời gian để đi thăm thú các nơi.

Khỏi phải nói Sarri đã thành công như thế nào trong lần trở lại London này. Không chỉ dẫn dắt Chelsea thành công ngay từ bước đầu, Sarri còn để lại dấu ấn sâu đậm qua cách chơi của đội, vốn khác hẳn so với những gì người ta từng biết về Chelsea suốt bao năm qua. Đấy là một Chelsea giữ bóng nhiều, chuyền bóng đến một mức độ làm nên kỷ lục mới, tấn công đẹp mắt... Đại khái như thế. Đáng chú ý ở chỗ: chính Sarri cũng tỏ ra bất ngờ khi nhìn lại sản phẩm mà ông đang nhào nặn.
Sarri: “Vâng, chính tôi ngạc nhiên. Thật may mắn khi tôi có những cầu thủ chất lượng như vậy. Toàn những cầu thủ thích hợp với triết lý của tôi”. Sarri bảo Chelsea may mắn có bước khởi đầu ấn tượng. Nhưng có lẽ phải cho rằng đấy là kết quả đến từ sân tập.
Jorginho chính là nhân vật trung tâm trong cách chơi mà Sarri xây dựng, nhưng Eden Hazard mới là cầu thủ xuất sắc nhất Chelsea hiện nay. Làm sao để “thu phục” Hazard? Sarri cho rằng chẳng có bí quyết đặc biệt nào. Cứ để Hazard tự do chơi bóng theo niềm vui, và thách thức anh bằng các chỉ tiêu về bàn thắng. Sarri khẳng định, Hazard sẽ còn tiến bộ hơn nữa.
Cân bằng như Chelsea Chelsea là một trong hai đội có các hướng tấn công cân bằng nhất hiện nay ở Premier League (tỷ lệ tấn công ở cánh trái và cánh phải đều là 36%). Đội còn lại là Tottenham (cũng với tỷ lệ như thế). Arsenal, Liverpool, Man United, Man City đều tấn công bên trái nhiều hơn. |
Bình Luận