Tottenham đứng nhì trong suốt hơn chục vòng đấu cuối cùng ở Premier League. Chelsea, Man City, M.U khi ấy đều đã đồng loạt tan nát, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thời ấy, Liverpool vẫn chưa bao giờ đăng quang trong kỷ nguyên Premier League. Họ sẽ kết thúc mùa bóng dưới cả các đội như Southampton hoặc West Ham. Arsenal thì phải nói thẳng là không thể vô địch Premier League được nữa.
Vậy, còn ai có thể cản bước Tottenham? Phía trên họ chỉ là một Leicester “vô danh tiểu tốt”. Bằng một cách nào đó, rút cuộc thì Tottenham chẳng những không hất được Leicester ra khỏi ngôi đầu mà còn rớt xuống vị trí số 3 vào đúng thời điểm kết thúc giải, để một lần nữa đứng dưới đối thủ “truyền kiếp“ Arsenal.
Hơn nửa thế kỷ qua, đấy là cơ hội tốt nhất để Tottenham có thể tranh ngôi VĐQG. Nhưng họ đã không tận dụng được dịp may trong mùa bóng 2015/16 ấy. Leicester vô địch, với tỷ lệ cược ở xuất phát điểm là 1 ăn 5.000.
Tottenham luôn là như vậy. Đấy là đội bóng tầm thường nhất trong số các đội được tâng bốc là mạnh mẽ, nổi tiếng. Hoặc là đội bóng nổi tiếng nhất trong số những đội tầm thường, chẳng bao giờ làm nên chuyện. Vì sao một đội bóng tầm thường như Tottenham lại có thể nổi đình nổi đám, thì đấy không hẳn là do báo chí Anh “bốc phét”.
Văn hóa bóng đá trên đảo quốc sương mù là như vậy. Ở Anh, cứ một cầu thủ liên quan đến Premier League, dù quanh năm ngồi dự bị, thì cũng được gọi là “ngôi sao” rồi, nếu có scandal để báo The Sun đăng lên trang bìa. Vui nhộn là chính.
Bóng đá Anh nói chung luôn là như vậy, chẳng riêng gì Tottenham. Vậy mới có người xem Harry Kane là siêu sao. Lố bịch! Siêu sao gì mà không biết cách xoay nổi một cú sút, dù chơi ở vị trí trung phong và được cả đội hậu thuẫn, trong trận đấu quan trọng gần đây nhất (chung kết EURO 2020, Anh thua Italia).
Kane kém cỏi đến nỗi nếu anh mà là một tiền đạo “bình thường”, ghi được bàn thắng trong những cơ hội rõ rệt, thì Anh đã phải lọt vào chung kết World Cup 2018, thay vì phải nhường chỗ cho một Croatia có mỗi Luka Modric đáng kể.
Nếu không phải là nền bóng đá Anh luôn vui nhộn, Kane đã bị “ném đá” vì chơi quá kém ở hai giải đấu duy nhất đáng kể: EURO 2020 và World Cup 2018. Người ta chỉ biết Kane là vua phá lưới World Cup 2018, chứ đâu ai nhớ 5/6 bàn được ghi vào lưới Panama và Tunisia ở vòng bảng, bàn còn lại là một quả phạt đền! EURO vừa qua cũng vậy. Kane chỉ ghi bàn không quan trọng, hoặc ghi bàn nhờ may mắn.
Man City muốn mua Kane thì đấy là việc của họ. Pep Guardiola có thể mua cả thế giới ấy chứ, và HLV này chưa bao giờ nhìn ra được cầu thủ giỏi để mua (vâng, Pep rất giỏi, ở những việc khác). Vấn đề là khi Man City và Pep đã muốn, thì Tottenham dại gì không đẩy giá chuyển nhượng lên thật cao. Và thế là vụ Harry Kane trở nên ầm ĩ ở nền bóng đá vui nhộn này. Thực chất thì Tottenham hay Kane đều rỗng tuếch, chẳng có giá trị gì đáng kể.
Bình Luận