Nếu có người hỏi, và nếu Harry Kane nói thật lòng, thì khả năng cao là anh đang cay cú nhất với… Man City. Đấy cũng có thể là với riêng HLV Pep Guardiola – nhân vật chính đã đẩy Kane vào sự bẽ bàng, tủi nhục trong suốt mùa hè vừa qua. Man City hoặc Pep Guardiola là “cá”. Và rất có thể khung thành Chelsea sẽ phải làm “thớt”, trong kịch bản giận cá chém thớt ở Premier League vòng này. Đấy dĩ nhiên chỉ là kết cục (giả định) tốt đẹp nhất cho Kane. Kết cục ngược lại – Kane sẽ tiếp tục chìm trong thất vọng – vẫn là xác suất cao hơn.
Thông thường, nói đến Tottenham là phải nói đến ngôi sao số 1 Harry Kane. Mà cũng chẳng riêng gì Tottenham. Ở cả làng bóng đá Anh nói chung, cũng là như vậy. Tại Premier League mùa trước, Kane vừa là vua phá lưới, vừa là vua kiến tạo. Vậy đâu cần giới thiệu gì nữa. Bản thân Kane đâu còn gì để chứng tỏ nữa! Điều mà Kane cần chứng tỏ ngay lúc này, không phải là bản thân anh xuất sắc ra sao. Anh chỉ khao khát một sự bùng nổ… cho sáng mắt Man City hoặc Guardiola nói riêng mà thôi. Phải cho họ biết, họ đã “mất” một chân sút lớn như thế nào!
Ở vòng vừa qua, Tottenham là đội duy nhất vào cuộc với tư thế đang toàn thắng, cũng là đội duy nhất chưa hề thủng lưới ở Premier League. Đấy là hoàn cảnh quá thuận lợi để Kane “mở tài khoản”? Hoàn toàn ngược lại. Đấy là lần đầu tiên ở Premier League, Kane chẳng những không sút được quả nào suốt 90 phút, mà thậm chí không có nổi một lần chạm bóng trong khu cấm địa đối phương. Tottenham thua tan tác 0-3 trước một Crystal Palace luôn tầm thường.
Càng muốn chứng tỏ, thì càng thảm hại – chẳng lẽ Kane kém đến mức không biết được, rằng cuộc sống vẫn thường như vậy? Xin lỗi, nhưng Kane – ngược với tài nghệ chơi bóng – quả cũng kém thật, về vốn sống. Không ai thông minh mà lại không thấy ra rằng mình chỉ nắm đằng chuôi, cứ nằng nặc đòi ra đi, như Kane trong vụ chuyển nhượng bất thành vừa qua.
Xúc tiến chuyển nhượng ngay trước một giải đấu lớn, đã là thiếu khôn ngoan rồi. Đừng hỏi vì sao Kane chơi rất xoàng tại VCK EUR 2020. Trận chung kết EURO cũng chính là lần đầu tiên trong sự nghiệp khoác áo ĐTQG, Kane không sút được quả nào – suốt 120 phút chứ chẳng phải 90 phút. Đấy là chưa bàn về vấn đề tư cách. Đồng đội nghĩ sao khi Kane lại quá quan tâm chuyện chuyển nhượng (vấn đề cá nhân), trong khi lẽ ra phải tập trung vào cơ hội lịch sử của ĐT Anh? Và Kane ký hợp đồng 6 năm (lương tăng bộn) làm gì, khi anh nghĩ cứ muốn đi là sẽ được đi? Ngay trước trận chung kết EURO 2020, Kane đã vỡ lẽ: hóa ra, Man City chưa bao giờ chịu trả gần mức giá chuyển nhượng mà Tottenham yêu cầu (và anh thi đấu như kẻ mất hồn trong trận đấu quan trọng nhất sự nghiệp).
Sau EURO, đến tận trước giờ đóng cửa thị trường chuyển nhượng, luôn là như vậy. Man City chưa và không bao giờ tiến đến mức độ mà giới quan sát có thể kết luận là họ cũng muốn mua Kane. So sánh thì quá đau đớn, nhưng thực tế bẽ bàng có lẽ là như thế này: thời trai trẻ, chắc ai cũng có lần “thử” hỏi giá một cô bán hoa. Hỏi cho biết thôi, rồi bỏ đi, không ngã giá, hoặc ra đại một cái giá thật bèo! “Có dịp, phải dạy cho lũ mất dạy một bài học” – đấy là suy nghĩ của cô bán hoa tội nghiệp trong câu chuyện tưởng tượng này.
Và Kane sẽ phải làm cho Man City (vẫn coi như chưa có trung phong, dù khâu ghi bàn của họ vẫn ổn) thấy rõ, họ đã bỏ qua cơ hội rước một trung phong thượng thặng ra sao. Ghi được bàn thắng vào lưới Chelsea là rất khó khăn, dĩ nhiên cũng rất oanh liệt. Nhưng, nhớ nhé Kane: thoải mái lên nào, đừng căng thẳng như vòng vừa qua!
Bình Luận