Pep Guardiola nói có lý: “Cho dù chúng tôi thắng trận này, cuộc đua giành chức vô địch vẫn chưa kết thúc”. Dĩ nhiên rồi. Vấn đề ở đây là khi Man City chấm dứt mạch thắng, cũng chưa thể nói rằng ngôi đầu bảng của họ đã lung lay.
Giới “mọt sách” có ngay cơ hội rà soát số liệu, và họ phải lần ngược thời gian đến tận thế kỷ 19 – chính xác là đúng 130 năm trước – để tìm ra một đội thắng 12 trận liên tiếp mà cuối cùng vẫn không thể lên ngôi vô địch bóng đá Anh (Preston North End, trong mùa bóng 1891/92)!
Vẫn như mọi khi, hễ một “ông lớn” sẩy chân, giới quan sát lập tức chỉ vào trận đấu như một phát hiện lớn lao và bảo đấy là bài học cho các đội còn lại ở Premier League nghiên cứu cách chống đỡ Man City. Cứ chống mắt xem các đối thủ tiếp theo, Brentford hoặc Norwich, “học” Southampton như thế nào!
Nói rằng đấy là “cơ hội nghiên cứu” cho các đối thủ lớn, ở Champions League, may ra còn được. Đại khái là khi Southampton phòng thủ thành công và có dịp phất bóng dài lên trên, thì hàng thủ Man City có vẻ khó khăn trong việc chống đỡ các trung phong đầy cơ bắp.
Hoặc khi Southampton nhập cuộc trong vai “chiếu dưới” nhưng lại mạnh dạn tấn công, chơi bằng tư thế ngang hàng, thì đấy lại là chi tiết gây bất ngờ cho Man City. Nhưng tóm lại, tất cả cũng chẳng nói lên nhiều điều. Mỗi trận mỗi khác – bằng không thì môn bóng đá hấp dẫn thế nào được!
Khách quan mà nói, cú sút của Kyle Walker-Peters là quá tuyệt vời. Ai đá được như thế thì đều có thể chọc thủng lưới Ederson bất cứ lúc nào. Bản thân Walker-Peters có lại xuất thần như thế trong các trận tiếp theo hay không, thì chẳng dễ nói.
Cũng vậy: Southampton, tuy rằng cũng đã thủ hòa Man City ở trận lượt đi, không phải khi nào cũng hay như vậy. Pha phối hợp dẫn đến bàn mở tỷ số ngay phút thứ 7 chẳng bao giờ là một pha bóng tiêu biểu của đội này!
Nhìn từ phía Man City, điều rõ ràng nhất có lẽ là bước khởi đầu chậm chạp trong trận đấu này (hoặc Southampton quá hay trong hiệp 1, khiến ngay cả Man City cũng bối rối). Hơi “lạ tai”, khi HLV Pep Guardiola nói rằng việc bị loại khỏi League Cup là một nguyên nhân.
Thông thường, hễ Man City có dịp “làm nóng” trong trận đấu giữa tuần ở Cúp Liên đoàn, thì họ sẽ chơi rất trơn tru ngay từ hiệp đầu khi trở lại Premier League vào cuối tuần. Nghe vậy, biết vậy! Dù sao đi nữa, Man City quả là “nóng máy chậm” trên sân St Mary. Các đối thủ tiếp theo có thể lưu ý tình trạng này để chuẩn bị đối sách!
Ngược lại, thầy trò Guardiola vẫn có những chỗ đáng khen trong một trận đấu mà họ bất ngờ mất điểm. Cũng đừng quên rằng Man City có đến 3 lần dứt điểm trúng khuôn gỗ và đối phương ghi bàn từ một cú sút tuyệt luân, như đã nêu. Vẫn biết mọi kết quả trong trận đấu này đều chưa thật sự đe dọa ngôi đầu bảng, nhưng Man City phản ứng rất tích cực sau khi bị dẫn điểm.
Họ nỗ lực tấn công cứ như đấy là một trận chung kết. Họ sút cầu môn 15 lần trong hiệp 2. Không ít người xem có cảm giác rằng bàn gỡ 1-1 của Man City chỉ là điều tất yếu phải đến. Ứng với những Jack Grealish, Raheem Sterling (gây thất vọng), vẫn có những Kevin de Bruyne, Cancelo, Aymeric Laporte nhìn chung là đáng khen trong trận này.
Pep… vẫn là Pep
Hoặc là ông quá giỏi – đến mức người ta không thể đoán ra những điều ông sẽ làm, theo những lý thuyết thông thường. Hoặc là ông vẫn “nghĩ quá nhiều”, đến mức những gì ông làm trở nên bất bình thường. Sau hiệp 1, số đông cho rằng Jack Grealish là mắt xích kém nhất trong đội hình Man City và sẽ phải rời sân. Hóa ra Pep Guardiola lại thay… người chơi cạnh Grealish nơi hàng công của Man City (Raheem Sterling nhường chỗ cho Gabriel Jesus)!
Bình Luận