Từ trước tới nay, Man United chưa bao giờ có một giám đốc bóng đá bởi họ luôn hướng đến một mô hình quản lý dài hạn mà ở đó HLV có quyền quyết định tất cả. Thế nhưng, mọi thứ cần phải thay đổi để bắt kịp với thời cuộc.
Sự thất bại trên thị trường chuyển nhượng Hè 2018 mới đây chính là bức tranh chân thực nhất phản ánh sự đối lập trong chiến lược tuyển mộ cầu thủ tại M.U kể từ khi David Moyes bị sa thải năm 2014. Nếu như HLV đương nhiệm Jose Mourinho yêu thích cách tiếp cận ngắn hạn, thì phó chủ tịch Ed Woodward lại hướng tới một tương lai dài hạn.
Đỉnh điểm cho sự mâu thuẫn giữa 2 con người quan trọng bậc nhất Old Trafford này là việc Woodward từ chối chi 50 triệu bảng cho hậu vệ năm nay đã bước sang tuổi 29 Toby Alderweireld của Tottenham, dù anh là người Mourinho mong muốn chiêu mộ để nhanh chóng gia cố sức mạnh cho hàng thủ vốn mong manh của M.U.
Quyết định trên của Woodward cho thấy một điều ông đang đi theo bước đường mà người tiền nhiệm David Gill để lại. Gill từng có 10 năm cống hiến cho Quỷ đỏ trên cương vị giám đốc điều hành và ông thường không ném quá nhiều tiền vào thị trường chuyển nhượng hay đem về những tân binh trên 27 tuổi. Ngoại trừ việc đưa về Alexis Sanchez, cầu trúc quản lý của M.U vẫn không thay đổi nhiều so với chế độ độc tài dưới thời Sir Alex Ferguson.
Tuy nhiên, giờ triết lý ấy đã trở nên lỗi thời và không thể mang đến thành công cho M.U, nhất là khi họ đã 3 lần thay HLV chỉ trong vòng 6 năm. Theo tính toán, M.U đã chi hơn 650 triệu bảng kể từ khi Moyes phải khăn gói ra đi. Sự đối lập giữa phong cách cầu thủ được mua dưới thời Louis van Gaal và Mourinho đã đẩy M.U vào tình cảnh lần lượt chia tay những bản hợp đồng mà chiến lược gia người Hà Lan mang về sau hơn 2 năm kể từ khi ông mất việc.
Thật khó để tìm ra một mẫu số chung trong vấn đề tuyển mộ cầu thủ kể từ khi Sir Alex giải nghệ vào năm 2013. Để có thể gặt hái những thành công như Man City, hay ở cấp độ thấp hơn là Liverpool, M.U cần bổ nhiệm một giám đốc thể thao để tìm được sự nhất quán trong chiến lược chuyển nhượng. Giờ có lẽ đã đến lúc thay đổi mô hình của Ferguson với một cấu trúc bao gồm vai trò của giám đốc thể thao - một điều đang diễn ra ở Arsenal khi Pháo thủ tiếp tục loại bỏ chế độ "một HLV kiêm mọi công việc" dưới thời Arsene Wenger.
Mới đây, nhà báo Graham Hunter đã phân tích tại sao bóng đá hiện đại cần một giám đốc thể thao. "Giám đốc thể thao là người cung cấp một tầm nhìn toàn diện: Nhu cầu của chủ tịch, nhu cầu của HLV, luật cân bằng tài chính và nhu cầu của tương lai, dù đó có là 6 tuần hay 6 năm. Hơn nữa, nếu mọi chuyện diễn ra hợp lý, Giám đốc thể thao còn là người đảm bảo chiến lược đúng đắn cho CLB để có thể cạnh tranh với những đối thủ xếp trên hay dưới họ trên bảng xếp hạng", Hunter phân tích.
Đó chính là mấu chốt để M.U giải quyết những vấn đề khúc mắc hiện tại. Woodward đang phải vật lộn với những lý tưởng của Van Gaal và Mourinho và mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu M.U có một người dẫn dắt. Tuy nhiên, một rắc rối khác chính là liệu Mourinho có thực sự muốn một giám đốc thể thao hiện diện ở Old Trafford hay không. Lý do là bởi trong quá khứ, "Người đặc biệt" thường có ký ức chẳng lấy gì làm đẹp đẽ với những con người giữ chức vụ này.
Thời Mourinho còn tại vị tại Real Madrid, giám đốc thể thao Jorge Valdano đã bị hất cẳng khỏi Bernabeu. Trở về Chelsea, Mourinho cũng không thể trụ vững quá lâu và giám đốc kỹ thuật lúc đó, Michael Emenalo, đã nói rằng "quyết định sa thải Mourinho được thực hiện để bảo vệ lợi ích của CLB".
Mourinho dường như không thích hợp với những mô hình kiểu như vậy. Ông không bao giờ kéo dài nhiệm kỳ hơn 3 năm tại một CLB và không thể hợp tác với một giám đốc thể thao.
Tuy nhiên, nếu vị trí này được bổ nhiệm, M.U sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà Woodward không thể làm được trong những năm gần đây. Không ít lần trong quá khứ, Sergio Ramos và Cristiano Ronaldo đã lợi dụng M.U như một công cụ thương lượng để kiếm một hợp đồng mới tại Real Madrid.
Nếu có giám đốc thể thao đứng ra xử lý, câu chuyện trên có thể không xảy ra. Bên cạnh đó, Woodward cũng giảm được phần nào công việc khi có thể giao vấn đề chuyển nhượng lại cho người khác, còn bản thân ông lo khía cạnh thương mại.
Nhìn qua Liverpool, hệ thống của The Kop có Michael Edwards giám sát hoạt động chuyển nhượng. Trong khi đó, giám đốc điều hành Peter Moore phụ trách mảng kinh doanh của CLB. Juergen Klopp đặc biệt quan tâm tới việc bố trí nhân sự và ông từng bắt tay thành công với Michael Zorc tại Dortmund. Sang tới Liverpool, Klopp có mối quan hệ tốt với Edwards, người đã tuyển mộ 2 cầu thủ chất lượng là Virgil Van Dijk và Naby Keita.
Rõ ràng, khi các đội bóng khác đều đã và đang thành công với mô hình có giám đốc thể thao, M.U chẳng lý gì để không thay đổi.
Bình Luận