Vì sao MU liên tục thủng lưới phút cuối?

MU mùa này rất hay thủng lưới cuối trận. Khả năng tập trung kém, thể lực suy giảm và đặc biệt là hệ thống phòng ngự lỏng lẻo là nguyên nhân chính dẫn đến điều này.

MU từng là ví dụ điển hình cho một đội bóng thích ghi bàn phút cuối. Họ nổi tiếng đến mức còn có thuật ngữ "Fergie Time" để nói về điều này. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn thoái trào, thứ từng là thế mạnh đang trở thành điểm yếu lớn nhất của Quỷ đỏ.

Bàn gỡ hòa của Mohamed Salah ở phút 84 hôm Chủ nhật tuần trước - chỉ 3 ngày sau khi đội bóng của Erik ten Hag sụp đổ ở phút bù giờ trên sân Stamford Bridge - đã là bàn thua muộn thứ 12 mà Man United phải nhận trong mùa giải này. Tổng số 8 bàn thua trong thời gian bù giờ của hiệp hai mà MU phải nhận mùa này cũng đã gấp đôi thành tích tệ nhất trước đó của họ ở Premier League.

Để cho các đối thủ có quá nhiều cơ hội là một vấn đề lớn đối với Quỷ đỏ trong thời gian gần đây. Ngoài ra, việc thiếu tập trung vào cuối trận cũng khiến họ mất đi sự tự tin và nhiều điểm số.

MU đã ngày càng sa sút kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu vào năm 2013. Dưới thời Ten Hag, mọi thứ vẫn không được cải thiện nhiều. Chiến lược gia người Hà Lan luôn yêu cầu các cầu thủ pressing cho đến khi tiếng còi mãn cuộc vang lên. Nhưng việc để thủng lưới muộn trong những trận gần đây cho thấy các cầu thủ đang bị quá tải. 

Dẫn trước Chelsea 3-2 tới tận phút 99 và 17 giây, nhưng MU vẫn để cho đối thủ thắng lại 4-3. Quỷ đỏ đã tạo nên kỷ lục không mong muốn khi trở thành CLB có thời gian dẫn trước lâu nhất và bị thua ngược. 

Đây cũng là lần thứ ba đội chủ sân Old Trafford bị ngược dòng ở mùa giải này. Trước đó, họ từng chịu tình cảnh tương tự trong các trận đấu với Man City và Arsenal. Trong cả hai trận đấu đó, Marcus Rashford đều mở tỷ số nhưng cuối cùng Quỷ đỏ vẫn chịu thất bại 1-3.

Bàn thua đầu tiên có thể được giải thích hợp lý là do Diogo Dalot thất bại trong một pha tranh chấp tay đôi, và sau đó là cú vấp chân của anh va vào Madueke. Chelsea được hưởng phạt đền và Cole Palmer ghi bàn gỡ hòa 3-3 từ chấm phạt đền. 

Tuy nhiên, bàn thua thứ hai không chỉ là kết quả từ sự nỗ lực của cầu thủ Chelsea, mà cả sự sa sút về thể lực của các cầu thủ Man United. Theo đó, 6 cầu thủ MU đã lao tới gần khu cấm địa của Chelsea, bao gồm cả người mất bóng là Dalot.

Sau một pha chọc khe, Kobbie Mainoo bị Enzo Fernandez vượt qua, trước khi Willy Kambwala cố gắng bám theo Raheem Sterling nhưng đã quá muộn để giành được bóng.

Chỉ trong vòng 12 giây kể từ khi bắt đầu tình huống, Man United lại bị lộ ra khoảng trống và phải đối mặt với một pha phản công nguy hiểm. Khi đó, Harry Maguire tạm thời phải đối mặt với tình huống một chọi ba.

Mặc dù Chelsea không ghi bàn từ cơ hội này, khi cú dứt điểm của Carney Chukwuemeka đưa bóng đi chệch cột dọc, nhưng họ đã ấn định chiến thắng kịch tính từ quả phạt góc sau đó, sau khi không cầu thủ nào của MU theo kèm Palmer ngoài vòng cấm.

3 cầu thủ Man United đã chỉ tay về phía Palmer nhưng không ai lao lên ngăn chặn. Trong khi đó đó, Aaron Wan-Bissaka còn đang chống tay lên đầu gối và thở hổn hển sau khi chạy hết tốc lực lùi về phòng ngự trong tình huống trước đó.

Việc MU dâng cao tấn công ở những phút cuối không chỉ dẫn đến quả phạt góc của Chelsea, mà gần như chắc chắn đã hạn chế khả năng phòng ngự của họ.

HLV Ten Hag nói sau trận đấu: “Chúng tôi đã mắc những lỗi cá nhân và phải trả giá. Các cầu thủ biết công việc của mình nhưng họ đã không đưa ra những quyết định đúng đắn”.

Các trận đấu ở Premier League đang dài hơn bao giờ hết khi thời gian bù giờ mỗi trận đã tăng hơn 38% so với mùa giải trước, lên khoảng 11 phút 40 giây. Điều này khiến sự tập trung bị giảm sút và đôi chân của các cầu thủ mỏi mệt, đặc biệt là về cuối trận.

Man United muốn ghi những bàn thắng muộn như dưới thời Ferguson. Nhưng họ đang chưa làm được điều đó và phải trả giá bằng việc để thủng lưới ở những phút cuối.

Ngoài việc đưa ra quyết định kém cỏi, khả năng tổ chức phản công kém cỏi của Ten Hag rõ ràng đang khiến MU có nguy cơ bị thủng lưới nhiều hơn. 

Điều quan trọng hơn là Quỷ đỏ đang thường xuyên để thủng lưới vào thời gian bù giờ. Ten Hag muốn các cầu thủ tiến về phía trước nhiều hơn và điều này khiến khu trung tuyến thường xuyên bị hở.

Ví dụ như ở trận gặp Brighton, khi MU tìm cách dâng cao và gây áp lực lên bóng, khoảng cách giữa hàng tiền vệ và hàng phòng ngự của họ là rất lớn. Billy Gilmour thoát khỏi sự kèm cặp của Christian Eriksen trước khi chuyền bóng để Ansu Fati dứt điểm nhưng không thành công.

Casemiro là một cầu thủ khác thường xuyên bị khai thác, đặc biệt là bị Nicolas Jackson bỏ lại trong trận thua Chelsea. Những cầu thủ có chỉ số thể chất suy yếu sẽ rơi vào những tình huống một chọi một khó khăn, và cả đội không thể kiểm soát những trận đấu này trong bối cảnh hỗn loạn.

Trong trận gặp Fulham, Adama Traore đã vượt qua cả Eriksen và Maguire bên cánh phải, trong khi các tiền vệ lùi về không kịp…

… trong khi thất bại muộn trước Nottingham Forest cũng cho thấy khoảng trống mênh mang mà Man United lộ ra trong quá trình chuyển đổi trạng thái ở thời điểm cuối trận.

MU thường được nhắc tới với việc ghi những bàn thắng phút cuối để giành điểm số. Nhưng hiện tại, họ lại đang là đội bị thủng lưới nhiều nhất ở giai đoạn cuối. Một nghịch lý đau lòng với các CĐV của đội bóng này.

    Bình Luận