Chẳng mấy khi mà Graeme Souness và Liam Gallagher lại đồng tình với nhau. Nhưng khi chứng kiến đám đông CĐV Man United tràn vào Old Trafford trước trận đấu với Liverpool, huyền thoại của Liverpool và giọng ca chính của ban nhạc Oasis đều đưa ra một quan điểm: tức nước vỡ bờ.
Sẽ chẳng thành vấn đề nếu United vẫn thi đấu thành công và giành các danh hiệu. Vấn đề là điều đó không xảy ra. “Nguyên nhân của việc này là bởi Man United không còn là đội bóng hàng đầu nữa”, BLV Souness nhận xét.
Tuy nhiên, Dave Scott, một CĐV Man United có thâm niên 30 năm, người từng tham dự một cuộc biểu tình còn lớn hơn chống lại nhà Glazer, không đồng tình: “Không phải bởi Man United thiếu thành tích, mà vấn đề ở chỗ mối quan hệ giữa CLB và CĐV đã trở nên quá tệ hại. Đây vốn chẳng phải vấn đề mới, nhưng việc nhà Glazer mưu toan đưa đội bóng gia nhập Super League đã khiến giọt nước tràn ly”.
Đúng vậy, không phải CĐV Man United nào cũng muốn phá hoại đội bóng mà mình cổ vũ. Thậm chí nếu không có đại dịch, rất có thể nhiều người trong số những người vừa tham gia biểu tình hôm Chủ nhật sẵn sàng bắt máy bay đi Rome cổ vũ cho đội đá Europa League.
“Chúng tôi không ném món đồ chơi đi vì nó hư hỏng. Chúng tôi làm thế là bởi sự phớt lờ của nhà Glazer đối với CĐV kể từ khi họ tiếp quản CLB. Vụ Super League chính là dẫn chứng điển hình cho việc nhà Glazer coi thường CĐV. Họ nghĩ họ có thể thích làm gì thì làm. Có lẽ đã đến lúc chúng tôi phải ra tay", Peter Boyle, một CĐV cũng có mặt tại cuộc biểu tình cùng cậu con trai George 11 tuổi cho hay.
Trở lại năm 2005, khi nhà Glazer mới tiếp quản Man United, các cuộc biểu tình đã diễn ra rầm rộ và rộng khắp. Thừa thắng sau vụ ngăn Sky TV mua lại CLB 6 năm trước đó, CĐV đã xuống đường phản đối sự có mặt của người Mỹ. NHM cho rằng khoản nợ 540 triệu bảng mà những ông chủ người Mỹ buộc vào cổ Man United - trước đó vốn hoàn toàn không vướng bận nợ nần - là không thể chấp nhận.
Dù vậy, nếu như đề nghị của Sky bị chính phủ Anh từ chối vì quá thiếu hợp lý, thì ngược lại nhà Glazer không vi phạm một quy tắc nào. Thất vọng vì thất bại trong nỗ lực ngăn chặn một "lũ người Mỹ ký sinh", một nhóm CĐV đã tạo ra CLB của riêng họ, FC United of Manchester, để biểu thị sự phản kháng.
Tuy nhiê, nhà Glazer chỉ cười ruồi. Năm 2010, khoản nợ của Man United đã tăng lên 716,5 triệu bảng, lợi nhuận được hưởng hoàn toàn là nhờ thương vụ bán Cristiano Ronaldo cho Real Madrid với giá 80 triệu bảng. Nhưng nhà Glazer vẫn bỏ túi đều đặn khoản lãi tăng trưởng hàng năm, cụ thể là 15 triệu bảng cho 6 người con của Malcolm Glazer mỗi năm.
Man United dường như đã trở thành cỗ máy in tiền cho những gã chủ mà hoạ hoằn lắm mới thấy ló mặt đến Manchester. Ở trận chung kết Carling Cup năm 2010, CĐV đã quyết định phản đối giới chủ Mỹ bằng việc mặc trang phục có màu xanh lá cây và vàng của CLB tiền thân Newton Heath.
Khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất cho sự kiện này là khi David Beckham nhặt chiếc khăn xanh vàng lên và tròng vào cổ, trong lần trở lại Old Trafford cùng AC Milan mùa giải năm đó. Dù vậy, Sir Alex Ferguson lại không đứng về phía CĐV. HLV huyền thoại người Scotland luôn duy trì những lời lẽ bảo vệ các ông chủ người Mỹ.
"Nhà Glazer luôn đứng về phía tôi trong mọi trường hợp. Tôi chẳng gặp bất kỳ sự chống đối nào. Họ luôn tỏ ra biết điều. Họ cũng phải đầu tư để duy trì tài sản của mình chứ. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều phe phái ở Man United nghĩ rằng họ sở hữu CLB. Sẽ luôn có tranh cãi về việc ai thực sự sở hữu CLB, luôn như vậy", Fergie nói năm 2012.
Dù thế nào đi nữa, nhà Glazer vẫn không bao giờ được lòng NHM. Họ tiếp tục gia tăng khoản nợ của CLB ngay cả khi tổng số tiền trả nợ và cổ tức đã bị rò rỉ lên tới hơn 1 tỷ bảng kể từ năm 2005. Các cuộc chống đối vẫn tồn tại, đặc biệt là sau khi Ferguson nghỉ hưu và sự thiếu cam kết tài chính ngày càng rõ ràng.
Khi Liverpool, Man City, Tottenham và những đội bóng lớn khác đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, mọi thứ ở Man United vẫn chẳng khác gì lúc nhà Glazer mới tiếp quản. Một lỗ hổng trên mái của khán đài phía Nam của Old Trafford, luôn khiến đám đông bị ướt đẫm trong những trận mưa bất chợt giữa trận đấu. Old Trafford có thể là SVĐ lớn nhất ở Premier League, nhưng đồng thời, nó cũng là nơi đổ nát nhất.
Scott nói: “Khi họ mua CLB, chúng ta đang dẫn đầu ở Anh và châu Âu. Bây giờ thì sao? Cái sân bóng trông không khác gì mấy nhà kho vô chủ ở công viên Trafford".
Các tham vọng của Super League được nhà Glazer tích cực hùa theo, và việc này không gây ngạc nhiên cho những người hâm mộ Man United. Từ lâu, họ đã hiểu rằng truyền thống, di sản và thành tích thi đấu của CLB họ yêu chỉ là thứ yếu với những ông chủ Mỹ, những người chỉ quan tâm tới tiền bạc.
Đại dịch Covid-19 đã tước đi cơ hội thể hiện sự bất bình trên khán đài, thay vào đó, họ tiến hành tổ chức những cuộc biểu tình phản đối trước trận đấu đầu tiên của giải trên sân nhà kể từ khi giải đấu ly khai được công bố.
Điều thú vị là trong một tuyên bố sau khi ý tưởng Super League sụp đổ, Joel Glazer đã nói rằng ông sẽ "lắng nghe người hâm mộ". Gần như ngay lập tức có bằng chứng cho thấy lời nói của Joel là sáo rỗng. Cuộc biểu tình ở Old Trafford vốn chẳng hề bí mật, nó đã được thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội cả tuần. Tuy nhiên, rõ ràng chẳng ai ở CLB để ý tới, hoặc nghĩ đến chuyện tăng cường an ninh xung quanh sân.
Và, khi hàng ngàn cái đầu giận dữ đến sân, tình trạng hoang phế của Old Trafford đã cho phép đám đông dễ dàng xâm nhập, điều lẽ ra không thể xảy ra với những sân bóng được trang bị hiện đại, an toàn như Tottenham hoặc Etihad.
Trên thực tế, dù cuộc biểu tình gây được sự quan tâm mạnh mẽ, nhưng nó cũng khó mà thay đổi được bất kỳ điều gì. 16 năm qua họ không thay đổi, cớ gì vì một cuộc biểu tình mà họ bỗng nhiên quan tâm tới mong muốn của các CĐV?
Nhưng điều đó cũng sẽ không khiến NHM của Man United chùn chân. Những cuộc biểu tình sẽ còn diễn ra, như Scott nói: "Ngày Chủ nhật vừa qua là khi tôi cảm thấy tự hào nhất vì được là CĐV Man United".
Bình Luận