Ronaldo tới Saudi Arabia và bước lùi của bóng đá Trung Quốc

Cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhiều đội bóng Trung Quốc không còn đầu tư mạnh tay vào những bản hợp đồng tầm cỡ như Cristiano Ronaldo.
Ronaldo tới Saudi Arabia và bước lùi của bóng đá Trung Quốc - Bóng Đá

 Các đội Trung Quốc từng ấp ủ tham vọng chiêu mộ Ronaldo. Ảnh: Reuters.

Quyền Kiện Thiên Tân, đội bóng vừa giải thể vào năm 2020, được đồn đoán rằng nhiều lần muốn chiêu mộ Ronaldo trong năm 2018. Khi đó, người đại diện Jorge Mendes còn chụp ảnh cùng chủ sở hữu của câu lạc bộ. Nguồn tài chính vững mạnh và tham vọng to lớn của những người đứng đầu nền bóng đá Trung Quốc cho thấy họ nghiêm túc với ý định đưa Ronaldo đến xứ tỷ dân chơi bóng trong quá khứ.

Ronaldo là "thần tượng" ở Trung Quốc

Tháng 7/2018, Ronaldo đến Trung Quốc để quảng bá thương hiệu giày của riêng mình. Trong buổi gặp mặt cổ động viên của CR7, rất đông người tham dự. Tất cả muốn tận mắt nhìn thấy siêu sao người Bồ Đào Nha "bằng xương bằng thịt".

Trước đó một năm, cũng chính "Siêu cò" Mendes tiết lộ rằng một CLB giấu tên ở xứ tỷ dân đề nghị trả Ronaldo mức thu nhập 100 triệu euro mỗi năm để thuyết phục anh đến thi đấu.

Trong giai đoạn 2015-2018, Ronaldo là vận động viên thể thao tạo sức hút lớn trên mạng xã hội Trung Quốc. Anh vượt mặt nhiều ngôi sao như Lionel Messi, Neymar hay David Beckham về mức độ phủ sóng ở xứ tỷ dân. Mailman, đơn vị truyền thông có trụ sở tại Thượng Hải, xếp hạng CR7 là cầu thủ được yêu thích và tìm kiếm nhiều nhất trên khắp các trang mạng xã hội và nền tảng trực tuyến tại Trung Quốc.

Hàng năm, khi không có dịch, Ronaldo rất tích cực bay sang Trung Quốc để du lịch và quảng bá hình ảnh cá nhân, vì thế được lòng phần lớn CĐV tại đây. HLV Luiz Felipe Scolari, người từng dẫn dắt Guangzhou Evergrande, từng tiết lộ: "Ronaldo hỏi tôi nhiều về cuộc sống tại Trung Quốc. Tôi cũng giải thích với cậu ấy về sự khác nhau khi đá ở châu Á và châu Âu. Ronaldo như một thương hiệu và là ngành công nghiệp lớn, trong khi Trung Quốc là quốc gia giàu mạnh".

Việc đưa CR7 đến thi đấu tại Chinese Super League bị đánh giá là khó xảy ra vào thời điểm cách đây 5 năm. Nhưng vấn đề nằm ở cá nhân của CR7, chứ không phải các câu lạc bộ Trung Quốc, những đội được hậu thuẫn bởi nguồn tài chính vững mạnh từ các tập đoàn lớn.

Đừng quên các đội ở Super League từng tạo ra những thương vụ bom tấn như Carlos Tevez, Oscar hay Hulk. Kể cả những chiến lược gia nổi tiếng như Scolari, Marcello Lippi hay Rafael Benitez đều gật đầu khi nhận lời mời sang xứ tỷ dân làm việc. Tất cả nhờ vào mức đãi ngộ hấp dẫn và bản kế hoạch giàu tham vọng của các đội bóng Trung Quốc.

Ronaldo tới Saudi Arabia và bước lùi của bóng đá Trung Quốc - Bóng Đá

 Ronaldo tích cực đến Trung Quốc quảng bá hình ảnh trước khi dịch COVID-19 hoành hành. Ảnh: The Sun.

Sự chuyển dịch
5 năm kể từ lần gần nhất Ronaldo đến xứ tỷ dân, bóng đá Trung Quốc thay đổi theo chiều hướng xấu. Những ngôi sao lần lượt rời giải Super League để sang Saudi Arabia thi đấu. Talisca, Abderrazak Hamdallah hay Odion Ighalo, những chân sút đang làm mưa làm gió tại giải Saudi Pro League 2022/23 (SPL), đều từng chơi bóng ở Trung Quốc.

Nhiều ông lớn ở Super League lâm vào cảnh nợ nần và buộc phải giải thể. Cuối năm 2022, Guangzhou FC, đội từng 2 lần vô địch AFC Champions League, phải xuống chơi ở giải hạng nhì vì thành tích kém. CLB này cũng lâm vào khủng hoảng khi tập đoàn mẹ Evergrande Group vỡ nợ. Hậu quả là nhiều ngoại binh giỏi lần lượt rời đội.

Sự đi xuống của bóng đá Trung Quốc trái ngược với đà thăng tiến của Saudi Arabia. Tham vọng lớn và túi tiền khổng lồ giúp quốc gia này trở thành điểm đến lý tưởng của những cầu thủ giỏi. Ronaldo cũng không phải ngoại lệ.

Trong bối cảnh Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) giới hạn mức lương trần của các ngoại binh ở Chinese Super League, Al Nassr sẵn sàng chi 200 triệu euro mỗi mùa để thuyết phục CR7 đến thi đấu.

Ngay cả Lionel Messi, ngôi sao vừa cùng Argentina vô địch World Cup 2022, cũng được đồn đoán là có thể đến Saudi Arabia chơi bóng. Daily Mail tiết lộ Liên đoàn Bóng đá nước này sẵn sàng tăng số lượng ngoại binh trong một đội (hiện tại là 8 người) để tạo điều kiện cho những ngôi sao như M10 đến thi đấu.

Saudi Arabia nuôi tham vọng lớn khi liên minh với Ai Cập và Hy Lạp tranh quyền đăng cai World Cup 2030. Quốc gia này cũng là nước chủ nhà Asian Cup 2027 và đang nỗ lực tranh quyền đăng cai một giải đấu khác là Asian Cup nữ 2026. Động thái này trái ngược với Trung Quốc, quốc gia phải từ bỏ quyền tổ chức Asian Cup 2023 vào năm ngoái vì chính sách "Zero-Covid".

Bóng đá Trung Quốc không còn nhận được sự chú ý như cách đây 5-6 năm. Sự hào nhoáng và danh tiếng đang chuyển dịch từ xứ tỷ dân sang các quốc gia Trung Đông, nơi túi tiền của những ông chủ Saudi Arabia lên tiếng.

Duy Luân | 14:25 30/01/2023
    Bình Luận