Nhiều năm trở lại đây, môn thể thao vua đã quen với mô hình chủ đầu tư nước ngoài với sự xuất hiện của những nhà tài phiệt giàu có bậc nhất thế giới. Tuy nhiên điều này hoàn toàn không tồn tại ở Bundesliga. Tất cả là nhờ luật 50+1.
Điều luật này quy định: một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp ở Bundesliga muốn được cấp phép thi đấu phải sở hữu ít nhất 50% số vốn của chính câu lạc bộ đó và 1% còn lại thuộc về người hâm mộ. Với luật này, mọi cá nhân, tập đoàn bên ngoài dù có nhiều tiền đến đâu cũng không thể nắm quyền kiểm soát. Chỉ có hai ngoại lệ là Wolfsburg và Leverkusen vốn được hai tập đoàn Volkswagen và Bayer thành lập.
Người Đức rất tự hào về luật 50+1 bởi nó giúp giải bóng đá của họ đề kháng với cuộc "xâm lăng" của giới chủ giàu có từ Trung Đông và Trung Quốc, qua đó bảo tồn các giá trị cộng đồng. Với luật 50+1, Bundesliga đã vững vàng vượt khó trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Họ cũng duy trì được sự ổn định tài chính trong những mùa giải qua.
Nhưng theo thời gian, bóng đá thay đổi rất nhiều và luật 50+1 bộc lộ những hạn chế. Nó ngăn CLB Đức tiếp cận với dòng vốn đầu tư khổng lồ từ các tập đoàn ngoại quốc, khiến họ tụt lại hẳn so với bóng đá Anh và Tây Ban Nha. Bayern Munich thất bại toàn diện trước những siêu đại gia ngang tầm như Barca, Real còn những đội có tiềm lực thì không thể tiến sâu ở cúp châu Âu. Ổn định tài chính không đồng nghĩa với giàu mạnh.
Nhận thấy yêu cầu cấp bách cần thay đổi, CLB mạnh nhất và giàu tham vọng nhất nước Đức, Bayern Munich, đứng lên làm lá cờ đầu trong cuộc đấu tranh đòi xóa bỏ 50+1, mở đường cho các CLB tự quyết định việc cho phép tập đoàn nước ngoài đầu tư vào đội bóng. Nhưng kế hoạch của Bayern vẫn chưa thể thành công vì vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của những đội còn lại.
DFL - ban tổ chức các giải bóng đá Đức đã tổ chức một cuộc họp tại Frankfurt tuần trước với thành phần tham dự là 36 đội bóng ở Bundesliga và Bundesliga 2. Tại buổi họp này, một cuộc bỏ phiếu đã diễn ra nhằm quyết định có nên duy trì luật 50+1 hay không. Kết quả, chỉ có 4 đội bỏ phiếu chống, bao gồm Bayern Munich và RB Leipzig. 18/36 đội chấp thuận gìn giữ bản sắc của nước Đức, 9 đội bỏ phiếu trắng, 3 đội không tham gia bỏ phiếu và 2 đội vắng mặt.
Sau 10 năm, kết quả này có thể coi là sự "tiến bộ" với Bayern Munich. Bởi cần biết rằng vào năm 2009, khi Hannover khởi xướng cuộc bỏ phiếu, đã có 32/36 đội bỏ phiếu đồng ý duy trì luật 50+1.
Huyền thoại Karl-Heinz Rummenigge, giám đốc điều hành của Bayern Munich, tỏ ra thất vọng với kết quả này và chĩa mùi dùi công kích về phía DFL: "Tôi đã từ mặt DFL kể từ thứ năm tuần trước. Tầm nhìn và định hướng của họ rất đáng báo động. Tôi cảm thấy DFL không có người lãnh đạo. Ấn tượng của tôi là chủ tịch Christian Seifert đang gây thất vọng."
Ông Rummenigge cũng chỉ trích cách phân bổ quyền lực bất hợp lý trong các cuộc bàn thảo những quyết định quan trọng của giải đấu: "Tôi thấy rất bối rối khi biết St.Pauli, đội bóng đang thi đấu ở giải hạng nhì, chưa bao giờ đá cúp châu Âu lại có quyền lực nổi bật, thậm chí chi phối".
"Tôi ngày càng lo lắng về tính cạnh tranh trên trường quốc tế và tương lai của các CLB tại giải đấu này. Bayern Munich đã có năm thứ sáu liên tiếp thống trị Bundesliga, mọi thứ đều dễ chịu với Bayern, nhưng đó không phải mục tiêu của chúng tôi. Mùa giải nhiều cảm xúc nhất là mùa 2001 khi Bayern đăng quang vào phút chót. Người hâm mộ mong chờ sự kịch tính và cạnh tranh như vậy. Nhưng với cuộc bỏ phiếu tại Frankfurt, rõ ràng tính cạnh tranh của giải đấu đang bị ngăn cản bởi một nhóm đội bóng tầm thường ở giải hạng hai. Đừng quên điều này."
Ở bên kia chiến tuyến, giám đốc điều hành Hans-Joachim Watzke của Dortmund cho rằng việc bỏ luật 50+1 có thể gây ra nhiều hệ lụy xã hội, đồng thời tố cáo Bayern đấu tranh để phục vụ lợi ích của riêng đội bóng này chứ không phải vì sự cạnh tranh bình đẳng như họ vẫn tuyên bố.
Brazil đòi nợ thành công ngay trên đất Đức Brazil tái ngộ Đức lần đầu tiên kể từ sau trận thua kinh hoàng 1-7. Selecao của ngày hôm nay đã khác. Ngay tại Berlin, Brazil đã hạ gục nhà ĐKVĐ thế giới.
Bình Luận