Với việc Wolves hoàn tất bản hợp đồng kỷ lục câu lạc bộ trị giá 38 triệu bảng cho tiền vệ người Bồ Đào Nha, Matheus Nunes, tổng chi tiêu của của các câu lạc bộ tại giải Ngoại hạng Anh hiện đã vượt quá 1,4 tỷ bảng.
Con số này vượt qua tổng chi tiêu của La Liga (371 triệu bảng), Bundesliga (424 triệu bảng) và Serie A (559 triệu bảng) trong mùa Hè 2022 cộng lại.
Kỳ chuyển nhượng vẫn còn 2 tuần nữa mới khép lại và điều này có nghĩa là một kỷ lục mới của Premier League vượt quá 1,43 tỷ bảng của năm 2017 sẽ được thiết lập.
Đại dịch, sau đó là suy thoái toàn cầu, được cho là có tác động giảm phát trên thị trường chuyển nhượng. Nhưng có vẻ như những điều này không ảnh hưởng nhiều đến các CLB tại Premier League.
Những bản hợp đồng 30 triệu bảng giờ đây không còn được coi là những bom tấn, đơn giản vì có quá nhiều bản hợp đồng như vậy. Nunes sẽ trở thành cầu thủ thứ 17 gia nhập Premier League có giá từ 30 triệu bảng trở lên kể từ tháng 6. Trong khi đó, Wolves cũng đã chi hơn 100 triệu bảng cho các tân binh trong mùa Hè này.
West Ham cũng đã chi số tiền tương tự với 6 tân binh. Ngay cả Nottingham Forest mới lên hạng cũng mạnh tay chi tiền dù vẫn nằm trong số những ứng cử viên phải xuống hạng.
Tất cả là một lời nhắc nhở về sức mạnh tài chính của Premier League, giải đấu đang bước vào lễ kỷ niệm 30 năm thành lập.
Nên nhớ, tổng số tiền chi tiêu cho 22 câu lạc bộ trong mùa giải 1992/93 là 55,5 triệu bảng - thấp hơn một chút so với mức giá của hậu vệ trái Marc Cucurella, người đã gia nhập Chelsea từ Brighton vào tháng này.
Sự giàu có của Premier League có vẻ đang khiến các giải đấu khác phải ghen tị. "Ở Italia, chúng tôi ghen tị với Premier League - trong những năm 1980 và 90, vị trí đó từng là của Serie A!", Massimo Callegari, một MC và bình luận viên cho SportMediaSet, nói.
"Đó là NBA của bóng đá châu Âu, những trận đấu hấp dẫn nhất để xem trên truyền hình và trong sân vận động. Cường độ, áp lực, chất lượng của các cầu thủ. Đó là lý do tại sao đây là giải đấu giàu nhất thế giới và các câu lạc bộ có thể chi rất nhiều cho chuyển nhượng và tiền lương".
"Chúng tôi ước đó là Serie A, nhưng bạn không thể tranh cãi với sự thành công của Premier League. Tại sao các câu lạc bộ Anh lại cần Super League khi họ đã có khái niệm chính xác về Super League là gì?", Callegari nói thêm.
Những năm 80 và 90 chứng kiến những cầu thủ hàng đầu như Paul Gascoigne, Graeme Souness và David Platt chuyển từ Anh sang Italia thi đấu. Những hiện tại mọi thứ đã thay đổi 180 độ.
Callegari nói: "Chúng tôi chỉ có thể nhận những cầu thủ không đủ tốt cho Premier League, hoặc những người không chứng tỏ được bản thân ở Anh. Hai bản hợp đồng lớn nhất trong mùa hè này là Paul Pogba trở lại Juventus và Romelu Lukaku tới Inter Milan. Hãy nhìn Pogba, anh ấy thậm chí không phải là lựa chọn đầu tiên cho một trong những đội Manchester United tệ nhất trong lịch sử gần đây".
"Giờ đây, giấc mơ của các cầu thủ trẻ ở Italia là được chuyển đến Premier League và thi đấu với những người như Mo Salah và Virgil van Dijk. Những ngày xảy ra theo chiều ngược lại đã qua lâu và sẽ không bao giờ trở lại. Có một khoảng cách quá lớn để tạo cầu nối với giá trị của các giao dịch truyền hình".
"Tôi nghĩ rằng các câu lạc bộ Anh đã trả quá nhiều tiền cho rất nhiều cầu thủ, nhưng sự cạnh tranh ở châu Âu cho chúng tôi biết họ là những đội mạnh nhất. Và họ chỉ giống như đang trở nên mạnh mẽ hơn".
Bình Luận