AS Monaco: Cái kết đắng cho chính sách 'bán máu' quá đà

Khủng hoảng? Khái niệm đó không đúng với AS Monaco. Những gì đội bóng xứ Công quốc phải nhận đơn giản là kết cục cho chính sách chuyển nhượng "bán máu" quá đà.

Lúc 1h45 ngày 29/9, AS Monaco làm khách trên sân Saint-Étienne thuộc vòng 8 Ligue 1 trong sự rối bời. Họ không thắng 7 trận liên tiếp và rớt xuống vị trí thứ 18, khu vực cho những đội rớt hạng. Mới năm ngoái, đội chủ sân Stade Louis II còn kết thúc mùa giải với vị trí Á quân.

Nhưng lúc này, không còn ai nhận ra một AS Monaco đáng gờm. Chỉ việc nằm trong nhóm cầm đèn đỏ đủ cho thấy đội bóng này đang khủng hoảng.

 - Bóng Đá

 AS Monaco đang chịu hậu quả vì chính sách "bán máu" quá đà.

Cái kết đắng của AS Monaco

Nói AS Monaco khủng hoảng không sai. Có điều khái niệm ấy chỉ dành cho các tên tuổi lớn như PSG, Lyon, Marseille, vốn sở hữu lực lượng rất mạnh. Còn nhà cựu vô địch Ligue 1, họ mang hình bóng kẻ tầm trung. AS Monaco đang phải đón nhận cái kết đắng vì chính sách "bán máu" quá nhiều.

Năm 2017, CLB bỏ túi 309 triệu euro nhờ bán cầu thủ. Một năm sau họ bổ sung thêm vào tài khoản 330 triệu euro. Gần đây, đội chủ sân Stade Louis II đã bán Terence Kongolo, Adama Diakhaby cho Huddersfield. Ngoài ra, Ghezzal, Joao Moutinho và Soualiho Meite cũng ra đi.

Trước đó, lần lượt những cái tên đình đám như Kylian Mbappe (180 triệu euro), Thomas Lemar (70 triệu euro), Benjamin Mendy (57,5 triệu euro), Bernardo Silva (50 triệu euro), Fabinho (45 triệu euro) hay Tiemoue Bakayoko (40 triệu euro) đều rời CLB để chuyển tới vùng đất mới.

Những ngày cuối tháng 9, điều hiện hữu cuối cùng ở AS Monaco toàn lời kêu gào của HLV Leonardo Jardim. "Chúng ta cần đứng dậy, khát khao hơn. Chúng ta đại diện cho Monaco, đội bóng thường xuyên có mặt trong top 3 và dự Champions League," ông thầy 44 tuổi động viên học trò.

 - Bóng Đá

 Đội bóng xứ Công quốc đang xếp thứ 18 trên bảng xếp hạng Ligue 1.

Đó là những gì Jardim có thể làm và thực hiện tốt nhất. AS Monaco để mất quá nhiều tài năng trong thời gian qua. Họ trở thành hình mẫu tiêu biểu cho CLB "kinh doanh bóng đá". Chính sách chuyển nhượng của đội chủ sân Stade Louis II rất rõ ràng: Mua nhiều cầu thủ trẻ, đào tạo, bán với giá cao.

Từ một đội bóng sở hữu súng săn thượng hạng khi có Mbappe, Falcao, Moutinho, Lemar, Fabinho,... AS Monaco thay tất cả tài năng bằng thùng thuốc nổ ẩm ướt, như Marca mô tả. Falcao vẫn rất hay, có điều quá đơn độc. Các tân binh Aleksandr Golovin hay Nacer Chadli chưa thay được người đi trước.

Điều này khiến AS Monaco trở thành tập thể hỗn loạn. Họ không định hình được lối chơi ổn định. Trong khi PSG liên tục vung tiền mua sao, Marseille giữ được nhiều công thần,... đội bóng xứ Công quốc lại đi lùi. Nói cách khác, họ đã tự bắn vào chân mình và loại bản thân khỏi cuộc chơi.

Khi AS Monaco "bán máu" và bán luôn tương lai

Năm 2011, vị tỷ phú Dmitry Rybolovlev người Nga đổ tiền đầu tư vào AS Monaco. Họ chịu chi rất nhiều, đưa về sân nhà nhiều tên tuổi như James Rodriguez, Falcao, Joao Moutinho, Geoffrey Kondogbia, Jeremy Toulalan, Eric Abidal, Berbatov, Ricardo Carvalho và Anthony Martial.

 - Bóng Đá

 Chưa biết AS Monaco sẽ làm sao để thoát khỏi vũng lầy.

Khi đó, AS Monaco trở thành thế lực thật sự ở giải Ligue 1. Chỉ họ mới đủ tiềm năng đua tranh với PSG ở sân chơi quốc nội. Đại diện xứ Công quốc có được điều mong muốn ở mùa 2016-17 khi lứa Mbappe, Lemar, Bernardo Silva đưa CLB tới chức vô địch Ligue 1, bỏ xa PSG 8 điểm.

Sau ánh hào quang đó, tưởng đâu AS Monaco sẽ chuyển mình, lấy đó làm bước đệm bay cao. Mọi chuyện không ngọt ngào như vậy. Ông Vadim Vasilyev, cánh tay phải đắc lực của tỷ phú Rybolovlev, trần tình với báo L'Equipe sự thật đắng lòng.

"Có lúc người ta nghĩ AS Monaco sẽ mua cả Cristiano Ronaldo và Lionel Messi. Tưởng chừng việc có nhiều ngôi sao sẽ giúp AS Monaco thu hút nhiều nhà tài trợ. Song, điều tôi mong chờ là doanh thu lại không đến," ông Vasilyev ngao ngán chia sẻ.

Những nhà tài trợ muốn thấy một đội ổn định và tiềm năng. Éo le thay, AS Monaco không làm được điều đó. Điều này buộc họ phải thay đổi chính sách. Từ đội chuyên mua, CLB rở thành bên đi cung cấp. AS Monaco chiêu mộ những cầu thủ trẻ tài năng, huấn luyện họ, sau đó bán với giá cao.

Bernardo Silva, Aymen Abdennour, Tiemoue Bakayoko hay Paul Nardi từng được AS Monaco mua về với giá không tới 15 triệu bảng mỗi người. Họ toàn dưới 24 tuổi ở thời điểm cập bến sân Stade Louis II. Năm tiếp theo, AS Monaco đem về 12 cầu thủ tuổi dưới 24, không ai có giá hơn 20 triệu euro.

Tổng mức phí của Fabinho và Lemar chỉ khoảng hơn 10 triệu euro. Trong khi đó, Mbappe được đôn lên từ học viện của CLB. Hồi tháng 8, tờ Marca thống kê AS Monaco là tên tuổi biết cách làm ăn nhất. Chỉ trong hai mùa từ 2017 đến 2018, số tiền bán cầu thủ của họ vượt hơn nửa tỷ euro.

Dù để mất nhiều tài năng, AS Monaco vẫn giữ được thành tích coi được. Từ khi thăng hạng vào năm 2013, họ có 5 năm liền đứng trong top 3. Chính điều đó mang đến sự tự tin cho đội bóng xứ Công quốc. Ngờ đâu, AS Monaco lại chìm sâu dưới đáy từ đầu mùa 2018-19.

Tờ Marca phân tích, vấn đề của AS Monaco nằm ở chất lượng đội hình thua xa mùa trước. Họ để mất nhiều vị trí chủ chốt nơi hàng thủ. Điều này khiến CLB sau 7 vòng đấu để thua đến 9 bàn, tức trung bình hơn 1 bàn mỗi trận. Số pha lập công của AS Monaco cũng chỉ dừng lại ở con số 8 khiêm tốn.

Chưa biết HLV Jardim sẽ làm gì với những-gì-còn-sót-lại của AS Monaco, tuy nhiên đội bóng cần thay đổi chính sách chuyển nhượng nếu muốn tiếp tục trụ lại Ligue 1. Bây giờ, giấc mơ đứng trong top 3 của CLB đang bắt đầu có dấu hiệu xa xỉ, dù mùa giải mới diễn ra được vài vòng.

Nguồn: Zing.vn
    Bình Luận