Cốt lõi của Super League
Chủ tịch Florentino Perez - người đứng mũi chịu sào trong quá trình thành lập European Super League, luôn khẳng định đây là giải đấu của các đội bóng lớn. Và thực sự, nếu xét trên danh tiếng CLB thì MU, Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, Chelsea, Liverpool, Man City, Arsenal, Tottenham, Juventus, AC và Inter Milan đều là những đội bóng giàu truyền thống.
Dự án Super League mau chóng phá sản
Thế nhưng, mục đích mà 12 CLB này xây dựng đề án Super League hoàn toàn chỉ vì tiền. Nói cụ thể hơn, các đội bóng này đang trong tình cảnh cùng quẫn vì tình hình tài chính khó khăn hậu Covid-19. Họ không lập giải vì mục đích cống hiến cho người hâm mộ.
Thông thường, các đội bóng hàng đầu, sở hữu những kế hoạch kinh doanh dài hạn đều phải gánh những khoản nợ khổng lồ dù doanh thu của họ cũng khấm khá. Trong hầu hết trường hợp, họ xoay sở để bù đắp khoản lỗ của mình.
Thế nhưng vì Covid-19, mọi thứ trở nên tồi tệ. Trong lịch sử, nhiều đội bóng đã phải tuyên bố phá sản, chịu sự quản lý của Nhà nước và phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc như đánh tụt hạng hoặc trừ điểm. Còn ở thời điểm hiện tại, các đội bóng lớn đang đối diện với những khoản nợ khổng lồ và thậm chí còn có nguy cơ phá sản.
Theo nguồn tin của Gazzetta, các đội bóng tham gia Super League đang gánh những khoản nợ khổng lồ. Tottenham dẫn đầu danh sách này với khoản nợ 1,169 tỷ euro. Một phần nguyên nhân quan trọng khiến đội bóng này nợ nhiều đến thế, đó là bởi họ vừa xây dựng sân Tottenham Stadium.
Được biết, câu lạc bộ đã vay 737 triệu euro từ Bank of America, Goldman Sachs, HSBC và tiếp tục quay cuồng với khoản nợ đó. Tottenham vẫn chưa tìm được nhà tài trợ để bán tên sân vận động và kế hoạch tạo doanh thu dài hạn từ nó sẽ mất một thời gian để đạt được kết quả.
Vì Covid-19, các CLB lớn đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ
Các CLB lớn hay những "Chúa Chổm"?
Tiếp theo chính là Barcelona, con nợ khó đòi với một số ngân hàng quốc tế. Đội bóng xứ Catalunya được cho là đang gánh trên lưng khoản nợ 809 triệu euro. Theo thống kê từ Barca, số nợ của CLB đã tăng thêm tới 156 triệu euro chỉ trong 1 năm qua. Riêng số nợ ngắn hạn còn tăng 225 triệu euro cũng trong khoảng thời gian này.
Bên cạnh công việc làm ăn không hiệu quả, chính sách mua bán cầu thủ vô tội vạ của Bartomeu là tác nhân lớn khiến Barca nhanh chóng rơi vào thảm cảnh tài chính hiện tại. Hẳn ai cũng biết, Barca thực hiện rất nhiều thương vụ thảm họa trong những năm qua.
Không có gì bất ngờ khi MU xếp thứ ba trong danh sách những CLB nợ nần nhiều nhất châu Âu, với khoản vay 663 triệu euro. Số tiền này chủ yếu đến từ khoản đầu tư mua đứt "Quỷ đỏ" từ năm 2005 mà gia đình Glazer đẩy sang.
Thống kê về khoản nợ của các đội bóng lớn, theo Gazzetta
"Quỷ đỏ" từng không nợ một đồng nào trước khi nhà Glazer tiếp quản. Giới chủ người Mỹ đã có nhiều biện pháp để làm giảm tổng số nợ, nhưng nó vẫn tồn tại như một thứ ung nhọt nhức nhối, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình của người hâm mộ MU.
Các vị trí tiếp theo trong top 10 đội nợ nần nhiều nhất châu Âu thuộc về Atletico Madrid (645 triệu euro, chủ yếu từ việc xây sân Wanda Metropolitano), Inter Milan (630 triệu euro), AS Roma (552 triệu euro), Real Madrid (504 triệu euro), Juventus (458 triệu euro), Lyon (410 triệu euro) và Arsenal (378 triệu euro).
Bình Luận