Barcelona hứng chịu ‘cuộc tấn công’ dữ dội nhất lịch sử

Barcelona đáng ra phải đang chuẩn bị ăn mừng chức vô địch La Liga đầu tiên kể từ năm 2019. Ấy thế mà, ánh nhìn của họ lại buộc hướng ra ngoài sân cỏ.
Barcelona hứng chịu ‘cuộc tấn công’ dữ dội nhất lịch sử - Bóng Đá

 

Tháng 3 vừa qua, tòa án mở cuộc điều tra về các khoản thanh toán với tổng trị giá hơn 7 triệu euro mà Barcelona đã thực hiện cho các công ty thuộc sở hữu của cựu Phó Chủ tịch ủy ban trọng tài, Jose Maria Enrique Negreira, từ năm 2001 đến 2018.

Barca khẳng định số tiền đó được thanh toán minh bạch với lý do hợp pháp: các doanh nghiệp của ông Negreira cung cấp cho CLB xứ Catalunya dịch vụ báo cáo thông tin kỹ thuật về các trọng tài. Nhưng ở chiều ngược lại, các công tố viên Tây Ban Nha cáo buộc Barca mua chuộc các quan chức trận đấu với mục đích tác động đến kết quả, dù CLB cật lực phủ nhận.

Vụ lùm xùm dẫn đến hiệu ứng domino. Một cuộc tranh cãi giữa Chủ tịch Barca, Laporta và Chủ tịch La Liga, Javier Tebas lại nổ ra. Quan hệ ngoài sân cỏ giữa Barca và Real Madrid, điều vốn được cải thiện trong những năm gần đây, đi đến bờ vực rạn nứt. Vào cuối tháng Ba, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) cũng mở một cuộc điều tra độc lập của riêng mình hướng về Blaugrana. Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin thậm chí gọi tất cả những điều này là “tình huống cực kỳ nghiêm trọng, một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất mà tôi từng chứng kiến kể từ khi gắn bó với bóng đá”, với nhiều hình phạt có thể được thực thi bao gồm cả việc Barcelona bị loại khỏi Champions League mùa giải tới.

Barcelona hứng chịu ‘cuộc tấn công’ dữ dội nhất lịch sử - Bóng Đá

Barcelona có nguy cơ vắng mặt ở Champions League mùa giải tới. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc họp báo hồi đầu tuần, Laporta đưa ra giả thiết đang có chiến dịch bôi nhọ có tổ chức chống lại Barcelona. Ông chỉ trích cả phía Tebas và Real Madrid, đồng thời cố gắng biện minh cho khoản chi 7 triệu euro và nhấn mạnh rằng, vẫn chưa có bằng chứng nào chống lại Barca cả.

Nhiều nguồn tin thân cận khẳng định với ESPN rằng “Vụ án Negreira” - biệt danh được đặt bởi truyền thông địa phương - có thể còn kéo dài trong nhiều tháng tới, nếu không muốn nói là hàng năm trời. Đồng thời, hậu quả của nó hoàn toàn có thể mang đến một cơn địa chấn đối với một trong những CLB lớn nhất thế giới.

Vậy, điều gì đã khiến Barca lâm vào hoàn cảnh khó khăn này? Họ bị cáo buộc cụ thể những gì? Và điều gì có thể xảy ra tiếp theo?

Jose Maria Enriquez Negreira là ai?

Negreira, 77 tuổi, làm trọng tài ở La Liga từ năm 1977 đến 1992 và sau đó đảm nhận trọng trách Phó Chủ tịch ủy ban trọng tài ở Tây Ban Nha. Trong thời gian Negreira làm “phó tổng”, các công ty của ông mà chủ yếu là DASNIL 95 SL (được đăng ký tại Tây Ban Nha với tư cách doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, in ấn và và video tiếp thị thể thao) đã nhận được hơn 7 triệu euro từ Barcelona.

Negreira rời vị trí của mình ở ủy ban trọng tài vào năm 2018. Đó cũng là năm quan hệ giao dịch giữa công ty ông và CLB tạm kết thúc.

Barcelona hứng chịu ‘cuộc tấn công’ dữ dội nhất lịch sử - Bóng Đá

Negerira (cầm bóng) trong một trận derby Madrid vào năm 1980.

Barcelona bị buộc tội gì?

Những thông tin liên quan đầu tiên xuất hiện vào ngày 15/2/2023, sau một cuộc điều tra của cơ quan thuế Tây Ban Nha, rằng các công ty của Negreira đã nhận được gần 1,4 triệu euro từ Barca trong giai đoạn 2016-2018. Toàn bộ số tiền họ nhận được từ 2001-2018 cũng được tiết lộ trong những ngày tiếp đó.

Trước khi cuộc điều tra được công khai, Negreira nói với cơ quan thuế rằng Barca đã tìm cách xử lý “trung lập”. Ông không phát ngôn gì thêm từ thời điểm đó, và theo nhiều nguồn tin thì người này đang chống chọi với căn bệnh Alzheimer's khởi phát sớm, một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi.

Đến tháng 3, các công tố viên Tây Ban Nha chính thức đệ đơn cáo buộc tội tham nhũng trong thể thao, tham nhũng trong kinh doanh, quản lý sai và làm giả tài liệu thương mại chống lại Barca. Đây là lần đầu tiên Barca bị cáo buộc mua chuộc trọng tài.

Theo bản sao một báo cáo của các công tố viên mà ESPN thu thập được, CLB này mà cụ thể là các cựu Chủ tịch Josep Maria Bartomeu, Sandro Rosell và một số cựu Giám đốc Điều hành, đã thỏa thuận để Negreira “thực hiện nhiều hành động nhằm làm lợi cho Barcelona trong các quyết định của trọng tài ở các trận đấu có đội này ra sân, do đó, ảnh hưởng đến kết quả”.

Tiếp đó, một thẩm phán đã cho phép điều tra vụ việc trong bối cảnh cả La Liga, Liên đoàn Bóng đá Hoàng gia Tây Ban Nha (RFEF) và Real Madrid ủng hộ cáo buộc của các công tố viên.

Phía Barcelona nói gì?

CLB không phủ nhận việc dưới bốn đời Chủ tịch khác nhau - Joan Gaspart (2000-2003), Laporta (2003-2010), Rosell (2010-2014) và Bartomeu (2014-2020) - họ đã trả hơn 7 triệu euro cho các công ty của Negreira. Song, Barca kịch liệt bác bỏ việc số tiền này được dùng với mục đích gian lận thể thao.

Barcelona hứng chịu ‘cuộc tấn công’ dữ dội nhất lịch sử - Bóng Đá

Chủ tịch Laporta cật lực bác bỏ những cáo buộc chống lại Barcelona.

Để chứng minh thì hôm 17/4, Laporta, người vừa trở lại ghế chủ tịch Barca vào năm 2021, đã đăng đàn phát biểu trước các phóng viên với dẫn chứng cụ thể. Đó là hơn 600 báo cáo, 43 đĩa CD chứa thông tin kỹ thuật về các trọng tài và cầu thủ do Javier, con trai của Negreira biên soạn theo đặt hàng của Barca. Thời gian các báo cáo này được thực hiện là từ 2014-2018, theo Laporta xác nhận. Ông cho biết các báo cáo này được làm rất kỹ càng, cần thiết và được sắp xếp bởi những người có uy tín.

“Chúng thậm chí còn chứa hình ảnh minh họa”, Laporta khẳng định.

Sự xuất hiện ấy của Laporta nhằm củng cố giả thiết Barca chỉ là nạn nhân. Ông gọi tất cả những lùm xùm là cuộc tấn công “dữ dội nhất” vào CLB từ trước đến nay, đặc biệt chỉ trích phía Tebas và Real; đồng thời khẳng định CLB đã đệ trình 20 vụ kiện khác để chống lại nhiều nhà báo vì tội phỉ báng.

Chưa hết, Laporta cũng không loại trừ những hành động pháp lý tiếp theo, có thể mang về “khoản tiền bồi thường khổng lồ” cho thiệt hại về danh tiếng của CLB.

Vì sao Laporta và Tebas hục hặc?

Thực chất chẳng có mối quan hệ nào trở nên xấu đi cả. Laporta và Tebas đã cãi nhau nhiều lần trong suốt những năm vừa qua. Gần đây nhất là về việc Barca từ chối ký thỏa thuận đầu tư trị giá 2 tỷ euro của giải đấu với công ty cổ phần tư nhân CVC Capital Partners; chuyện đăng ký hợp đồng của tiền vệ Gavi theo các quy định công bằng tài chính nghiêm ngặt của giải đấu (cả hai vụ này đều được đưa ra tòa án); hay là câu chuyện nổi tiếng về European Super League.

“Vụ án Negreira” chỉ đưa cuộc chiến cá nhân giữa họ lên một tầm cao mới mà thôi. Tebas gọi đó là “cuộc khủng hoảng uy tín lớn nhất từ trước đến nay của bóng đá Tây Ban Nha” và liên tục yêu cầu Laporta phải có lời giải thích thỏa đáng, hoặc từ chức.

Phía đối diện, Barca khẳng định người từ chức phải là… Tebas vì ngay trong tháng Tư này, tờ La Vanguardia vừa cáo buộc ông cung cấp bằng chứng sai lệch chống lại CLB ở “Vụ án Negreira”. Cụ thể, các tài liệu ấy là một phần của một vụ án khác, không liên quan đến các cựu Chủ tịch Barca là Rosell hay Bartomeu và thực ra đã tồn tại từ hàng chục năm về trước.

Đáp lại, Tebas khẳng định trên Twitter rằng tiêu đề của bài báo là “sai sự thật”, rằng ông không “buộc tội cụ thể bất kỳ ai” về bất cứ điều gì và các nhà báo của tờ này đã “vu khống”.

Barcelona hứng chịu ‘cuộc tấn công’ dữ dội nhất lịch sử - Bóng Đá

Tebas đáp trả trên Twitter. Ảnh: Athletic.

“Chúng ta đang chứng kiến một phiên tòa công khai mà trong đó, có một số kẻ đang cố gắng làm hại người của chúng tôi vì tội không tuân theo yêu cầu và ý chí của họ. Thật không thể dung thứ”, Laporta nói cực gắt.

“Theo nghĩa này, tôi chỉ đích danh Tebas, người đã hành động vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp. Với những tuyên bố liên tục vừa qua, ông ta đã châm ngòi cuộc tranh cãi và thậm chí cung cấp tài liệu sai lệch cho các công tố viên. Tôi yêu cầu Tebas kiềm chế sự thiếu kiểm soát trong lời nói vì điều đó hoàn toàn không có lợi cho tổ chức quan trọng mà ông ta đại diện”.

Hành động của Real Madrid

Một nguồn tin cấp cao tại Barcelona mô tả mối quan hệ giữa CLB với Real Madrid là “ngày càng khó chịu” từ năm ngoái. Hiển nhiên, nó càng bị thử thách dữ dội bởi vụ bê bối Negreira.

Thời điểm những thông tin đầu tiên bị rò rỉ, Real Madrid - đối tác của Barca trong dự án Super League và thường là đồng minh trong các “cuộc chiến” quyền lợi với La Liga và Tebas - vốn đã giữ thái độ im lặng khi 18 CLB khác ở La Liga đưa ra tuyên bố “lên án những sự thật đã được biết đến”. Thế nhưng đến tháng Ba, Real lại quyết định tham gia đơn khiếu nại do các công tố viên đệ trình với tư cách người yêu cầu bồi thường. Không ngạc nhiên, Laporta “bốc hỏa”.

Barcelona hứng chịu ‘cuộc tấn công’ dữ dội nhất lịch sử - Bóng Đá

Real Madrid chọn phe đối đầu với Barca trong vụ việc này.

“Phía Real tuyên bố cảm thấy bị thiệt hại về mặt thể thao. Tuyên bố đó đến từ một CLB mà tất cả đều biết, đã được các trọng tài ‘ưa chuộng’ trong suốt 70 năm qua và cả hiện tại. Đội bóng ấy cũng từng được coi là ‘CLB của chế độ (chế độ độc tài Franco - PV)’ hồi thế kỷ trước. Giờ đây, việc chứng kiến họ tham gia khiếu nại và tuyên bố bị thiệt thòi về mặt thể thao, theo tôi là biểu hiện mâu thuẫn chưa từng có”, Laporta nói cứng.

Phản ứng sau đó của phía Real cũng đáng chú ý không kém. Họ đáp trả trên mạng xã hội bằng một video dài 4 phút có tiêu đề “Ai mới là CLB của chế độ?”, để khẳng định chính Barca thân thiết hơn với Franco, nhà độc tài cai trị Tây Ban Nha từ năm 1939 đến 1975.

Lời giải thích của Barca có được chấp nhận?

ESPN đã tiếp cận các nguồn tin thân với một số CLB La Liga để tìm hiểu xem, liệu có việc sử dụng rộng rãi các báo cáo kỹ thuật về trọng tài hay không. Kết quả, phần lớn đều biết về các dịch vụ này, nhưng chỉ một số đội từng sử dụng.

Các báo cáo ấy bao gồm thông tin về thói quen hành động của một trọng tài trên sân, cách họ phản ứng với một số sự kiện nhất định, ví như khi bóng chạm tay hoặc các pha tranh chấp trên không. Ngoài ra, còn là cách họ thực thi trách nhiệm của mình khi bị ảnh hưởng bởi sự phản đối của cầu thủ hoặc khán giả nhà.

Cựu HLV Barca, Ernesto Valverde cho biết ông chưa bao giờ được cung cấp những báo cáo kỹ thuật ấy, dù tiếp quản đội bóng vào năm 2017, ngay trước khi mối quan hệ giữa CLB với phía Negreira kết thúc. Còn HLV đương nhiệm Xavi Hernandez thì khẳng định anh đã biết về những báo cáo ấy trong những ngày còn thi đấu.

Barcelona hứng chịu ‘cuộc tấn công’ dữ dội nhất lịch sử - Bóng Đá

Xavi trải qua mùa giải đầu tiền đầy sóng gió khi dẫn dắt Barcelona.

Vấn đề đáng nói hơn là chi phí. Nguồn tin từ 5 CLB Tây Ban Nha khác nhau nói với ESPN rằng so với “giá thị trường”, các khoản chi của Barca cho dịch vụ này dường như là quá mức. Mặc dù vậy, Laporta khẳng định vấn đề này cần được xem xét trong bối cảnh cụ thể, rằng 7 triệu euro đã được trả trong tận 18 năm. Trung bình là khoảng 400 nghìn euro mỗi năm, dù số tiền trả cho Negreira tăng dần theo thời gian. Cũng theo Laporta, vào năm cuối cùng ở nhiệm kỳ đầu tiên của ông - 2010, tiền chi cho dịch vụ này đã tăng lên do CLB cần dữ liệu trinh sát cũng như cả video phân tích trên nhiều giải đấu hơn. Đó là dịch vụ khác mà Barca khẳng định công ty của Negreira cung cấp.

Laporta khẳng định mức giá phải trả và các khoản tăng sau đó là “phù hợp với giá thị trường”. Hiện tại họ cũng đang thực hiện các hoạt động tương tự, nhưng là với đội ngũ nội bộ và chi phí thấp hơn, dù nguồn tin từ CLB không xác nhận với ESPN chính xác là bao nhiêu.

Họ có thể bị phạt như thế nào?

Trong khi chờ đợi kết quả điều tra từ tòa án, Barca có thể đối mặt khoản tiền phạt lớn. Các nguồn tin thân cận với tòa án thậm chí không thể suy đoán mức tiền phạt ấy lớn đến thế nào, vì đây là trường hợp chưa có tiền lệ ở Tây Ban Nha. Ngoài ra, các cựu chủ tịch và giám đốc điều hành của Barcelona cùng với Negreira có thể bị phạt tù đến 10 năm nếu họ bị kết tội tham nhũng.

Cho đến khi có phán quyết từ thẩm phán, sẽ không có bất kỳ hậu quả thể thao nào giáng lên Barca ở xứ đấu bò. Tebas xác nhận La Liga đã bị trói tay sau khi luật thể thao mới được ban hành ở Tây ban Nha, trong đó, các sự kiện diễn ra từ hơn ba năm trước đều được miễn trừ hình phạt do khung thời gian xử lý.

Tuy nhiên, UEFA lại không bị “trói tay” như vậy. Phía Laporta cũng hoàn toàn nói chuyện “dịu dàng” khi đề cập đến Liên đoàn Bóng đá Châu Âu hôm thứ Hai, vì cơ quan này hoàn toàn có quyền loại Barca khỏi Champions League mùa tới chiếu theo quy định từ năm 2007. Laporta thậm chí còn cảm ơn UEFA vì đã “không rơi vào bẫy của Tebas” bất chấp những bình luận chỉ trích của ông Ceferin; đồng thời, cũng bày tỏ lòng biết ơn tới FIFA và RFEF vì sự thận trọng trong vụ việc này.

Nếu FIFA tham gia xử lý, họ có thể trừ điểm Barca ở giải quốc nội hoặc thậm chí giáng CLB xuống hạng, dù chưa từng có tiền lệ nào cho thấy họ mạnh tay đến vậy ở cấp độ này. Cho đến nay, cơ quan bóng đá quyền lực nhất vẫn từ chối bình luận về vụ việc khi ESPN tiếp cận. Trong khi đó, RFEF thì lại đối mặt với những hạn chế về khung thời gian xử lý như La Liga.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Các nguồn tin thân cận với “vụ án” cho rằng, cho đến khi có những tiến triển trong tố tụng hình sự, mọi thứ vẫn sẽ ở chế độ chờ, mặc dù không thể loại trừ những cuộc cãi vã nhiều hơn giữa Laporta và Tebas.

Một khi có phán quyết rõ ràng từ tòa án, các tổ chức khác mới có thể đưa ra quyết định chắc tay. Tuy vậy, riêng phía UEFA có thể không cần phải chờ đến khi ấy vì những quy định riêng và không phụ thuộc. Họ hoàn toàn có thể loại các CLB khỏi các cúp châu Âu vì “bất kỳ hoạt động nào” được xem là “dàn xếp hoặc ảnh hưởng đến kết quả một trận đấu”.

Ở chiều ngược lại, Laporta cho rằng “không thấy bất kỳ xung đột đạo đức nào”. Ông cũng nhiều lần cố gắng nhấn mạnh, mối quan hệ chính trong vụ việc này là giữa CLB và con trai của Negreira, “người đã làm việc với nhiều CLB khác nhau (bao gồm Valencia và Girona), cũng như cả Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha và cựu HLV Luis Aragones. Chẳng có gì kỳ lạ khi chúng tôi thuê dịch vụ của anh ta cả”.

Hoài Thuận | 17:00 23/04/2023
    Bình Luận