Các ông lớn La Liga đang mắc bệnh 'sính ngoại'

27 năm kể từ khi “Luật Bosman” ra đời và phá vỡ quy định hạn chế số cầu thủ nước ngoài, bóng đá châu Âu đang trở thành một thế giới phẳng. Tây Ban Nha tất nhiên cũng không là ngoại lệ, khi các ông lớn của La Liga đang ngày càng chuộng các ngoại binh.
Các ông lớn La Liga đang mắc bệnh 'sính ngoại'

So với các quốc gia khác ở châu Âu, Tây Ban Nha là một đất nước khá thân thiện. Ở xứ sở bò tót, người ta sẵn sàng giang tay chào đón tất cả và tôn trọng sự khác biệt. Tại đây, họ cũng không nói với nhau những câu kiểu “người nhập cư đang lấy mất công việc của chúng ta”, “Modric đang cướp tiền của người Tây Ban Nha” hay “ngày càng có nhiều người Nam Mỹ như Casemiro”.

Sự thoải mái ấy đang tạo ra một làn sóng nhập cư ở Tây Ban Nha. Nó được thể hiện rõ qua số lượng ngoại binh ngày càng tăng tại La Liga, đặc biệt là ở các đội bóng lớn. Dẫn đầu trong danh sách này là Atletico và Sevilla, những đội cùng sở hữu 19 cầu thủ nước ngoài. Xếp sau bộ đôi này lần lượt là Real Madrid (18), Valencia (17) và Barca (15).

Trong danh sách đội 1 của Atletico ở mùa giải 2021/22 thậm chí chỉ có... 3 cầu thủ sinh ra ở Tây Ban Nha là Koke, Mario Hermoso và Marcos Llorente, bằng đúng số ngoại binh người Brazil. Sevilla thì khá hơn một chút với 5 cái tên, gồm Suso, Joan Jordan, Rafa Mir, Jesus Navas và Oliver Torres. Tuy nhiên, con số này thực ra cũng chỉ ngang số “lính lê dương” người Argentina của đội bóng xứ Andalucia.

Carvajal (phải) là cầu thủ Tây Ban Nha duy nhất trong đội hình xuất phát của Real Madrid ở chung kết Champions League 2021/22

Vậy trào lưu sử dụng ngoại binh này là tốt hay xấu? Trên lý thuyết, càng có nhiều cầu thủ nước ngoài thì cơ hội ra sân của các cầu thủ trẻ bản địa càng ít đi. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Vì hầu hết các tài năng trẻ của Tây Ban Nha giờ đều rời La Liga từ khá sớm, và khoảng trống của họ đang thuộc về các đồng nghiệp nước ngoài.

Xét về thành tích, những đội ít dùng cầu thủ nước ngoài cũng thường không có thành tích bằng các đội nhiều ngoại binh. Không kể ngoại lệ của Bilbao, đội chỉ sử dụng các cầu thủ sinh ra hoặc được đào tạo tại xứ Basque, chỉ có 6 đội sở hữu dưới 10 ngoại binh ở La Liga mùa vừa rồi là Osasuna (4), Espanyol (6), Alaves (7), Sociedad (7), Levante (9) và Celta Vigo (9). Và hai trong số này là Alaves cùng Levante vừa xuống hạng.

Ngược lại, bộ tứ nằm trong Top 4 của BXH chung cuộc là Real Madrid, Barca, Atletico và Sevilla cũng là những đội có nhiều “lính lê dương” nhất. Trong đó, Real Madrid không chỉ thống trị La Liga, mà còn càn quét cả châu Âu khi lần lượt vượt qua PSG, Chelsea, Man City trước khi hạ nốt Liverpool trong trận chung kết để vô địch Champions League. Và đội hình xuất phát mà HLV Carlo Ancelotti, một người Italia, tung ra trong trận đại chiến với The Kop có tới 10 cầu thủ nước ngoài.

Cho trận đấu ở Stade de France ngày 28/5, Carletto đã sử dụng 3 cầu thủ Brazil và 2 người Pháp, còn lại là 5 ngoại binh mang các quốc tịch Bỉ, Áo, Croatia, Đức và Uruguay. Cầu thủ Tây Ban Nha duy nhất của Real Madrid được đá chính hôm ấy là Dani Carvajal, trong khi những Nacho, Isco, Lucas Vazquez, Dani Ceballos và Marco Asensio cùng ngồi dự bị. Điều tương tự cũng diễn ra ở phía đối diện. Nhưng ít nhất, Liverpool còn tung ra... 2 cầu thủ Anh là Trent Alexander-Arnold và Jordan Henderson bên cạnh 9 ngoại binh. Trong số này, có 1 người Tây Ban Nha (Thiago Alcantara).

La Liga vẫn là giải “nội địa hóa” cao nhất
Tuy các đội bóng lớn đều thích dùng cầu thủ nước ngoài, nhưng La Liga vẫn đang có tỷ lệ “nội địa hóa” cao nhất trong 5 giải VĐQG lớn của châu Âu. Ở mùa giải 2021/22, 20 đội bóng tại giải đấu số 1 của xứ sở bò tót chỉ có tổng cộng 223 ngoại binh, chiếm tỷ lệ 43,4%. Con số này thấp hơn nhiều so với Premier League, Serie A và thậm chí cả Ligue 1 hay Bundesliga.

29 - Argentina là quốc gia có nhiều “lính lê dương” nhất ở La Liga mùa 2021/22 với 29 cầu thủ, chiếm tỷ lệ 13%. Xếp tiếp theo là các ngoại binh đến từ Pháp (21 người), Uruguay (18), Brazil (17), Bồ Đào Nha và Serbia (cùng 11).

    Bình Luận