Cựu tuyển thủ Đỗ Thị Yến đã có những tâm sự đầy xúc động trên trang mạng xã hội của mình. Tiền vệ của Hà Nội 1 nhận được rất nhiều chia sẻ của các đồng nghiệp nữ và cộng đồng mạng.
“Rất nhiều người hỏi tôi rằng: "Yến bây giờ nghỉ bóng đá chuyên nghiệp rồi à? Tại sao lại nghỉ? Chỉ đơn giản vì tôi không còn khát khao muốn cống hiến nữa. Một phần vì ra trường may mắn có được việc làm nên nghỉ. Trải qua một thời gian khá dài, ăn ngủ cùng bóng đá, cảm thấy tới thời điểm này nên dừng lại nên tìm cho mình một con đường mới hơn là chọn tiếp tục theo đuổi một sự nghiệp không mấy thành công, không nhìn thấy tương lai.
Ở cái tuổi lưng chừng rồi, còn cần gì hơn một công việc có thể tự nuôi sống bản thân? Ngày trước khi chân ướt chân ráo vào đội bóng cũng mang trong mình những ước mơ cháy bỏng. Nhưng càng đi xa mới thấy bóng đá chuyên nghiệp quá khắc nghiệt, ngoài sức khoẻ, năng lực thì sau đó còn cả những toan tính mà với cái đầu óc nhỏ bé của tôi làm sao có thể biết được, chỉ ước mơ thôi thì đâu có đủ.
Mẹ cũng từng nói: Thôi nghỉ về đi, thấy con tập ngoài nắng suốt, bố mẹ ra xem ngồi trên khán đài nắng còn không chịu nổi. Con gái xa nhà được 2 tuần, về nhà đen quá đi ngang qua mà bố mẹ không nhận ra. Đấy là suy nghĩ đầu tiên mẹ nói khi tôi 14 tuổi. Tôi không biết trong số các cầu thủ nữ, đã từng có ai khóc nhiều như tôi chưa? Mệt quá khóc, bị đau khóc, HLV nói khóc, tủi thân quá cũng khóc. Và vô số lần rơi nước mắt vì những thứ không đáng! Cho đến hôm nay khi đứng trước những điều tương tự, tôi không còn rơi nước mắt nữa.
Đỗ Thị Yến (phải) và Tuyết Dung ở ĐTQG
Suốt gần 12 năm chưa bao giờ thôi nghĩ về bóng đá. Đã cố gắng tập luyện và đấu tranh để được đi học, xác định sẽ theo nghề đến cùng nhưng thực tế bây giờ lại phải đi một con đường khác, vì tìm được một công việc ổn định sau khi giải nghệ nó khó hệt như cách mà một người con gái tập chơi bóng vậy. Thế nên, đừng ai hỏi vì sao tôi lại chọn làm trái ngành. Bản than tôi đã từng làm phục vụ đám cưới, quản sinh, dạy bóng đá cộng đồng, dạy trung tâm…
Tất cả không ngoài mục đích kiếm tiền, trải nghiệm, tích luỹ... để biết được rằng thế giới ngoài kia, còn quá nhiều thứ bạn cần phải biết, cần phải học. Cho đến đi làm tôi mới nhận ra lượng kiến thức mà mình bị thiếu hụt không hề nhỏ. Mà khi ăn ở với bóng đá, bạn được bao bọc, sống cuộc sống như đã được lập trình sẵn thì làm gì còn không gian cho những thứ mới mẻ hoặc có những cầu thủ còn chẳng để tâm đến. Có mấy ai từng nghĩ: Nếu một ngày bị ném ra ngoài xã hội kia, phải tự kiếm việc làm, tự lo cho bản thân, khi trong tay không có gì cả?
Tại sao tôi lại viết những dòng này, điều duy nhất muốn nhắn nhủ tới những người bạn, chị, em của tôi, với những gì tôi đã trải qua và nhận lại. Song song với việc tập luyện, hãy tìm cho mình một sở thích khác nữa. Hãy đầu tư thời gian cho những điều sắp đến và sẽ đến, không có gì là thừa trong cuộc sống này. Hãy cố gắng, kiên trì và nuôi dưỡng ước mơ của mình, bất cứ một việc làm nào, một lựa chọn nào cũng sẽ có giá trị riêng của nó”.
Đỗ Thị Yến là ai? Đỗ Thị Yến sinh năm 1993 tại Hà Nội. Năm 14 tuổi, Yến chính thức theo nghiệp cầu thủ khi vào tuyến năng khiếu của Hà Nội. Chưa đầy 3 năm sau, Yến được góp mặt ở sân chơi cấp quốc gia cho các cầu thủ nữ. Năm 2009, bước ngoặt lớn trong sự nghiệp đến với Đỗ Thị Yến khi cô được lọt vào đội hình đội tuyển U19 nữ Việt Nam tranh tài ở giải Đông Nam Á. Tiếp theo, Yến được cất nhắc lên ĐTQG để tham dự vòng loại Olympic Rio 2016 và hàng loạt giải đấu khác. Đỗ Thị Yến từng 4 lần giành chức vô địch QG cùng Hà Nội 1 vào các năm 2009, 2011, 2013 và 2014. |
Bình Luận