New Zealand không phải là một đội tuyển đình đám trên bản đồ bóng đá nữ thế giới. Nhưng chí ít, thứ hạng của New Zealand vẫn cao hơn vài bậc so với ĐT nữ Việt Nam. Điều đó càng được thể hiện trong 90 phút của trận giao hữu vừa qua, đặc biệt là trong hiệp đấu dầu tiên, khi New Zealand tung ra lực lượng mạnh nhất với quyết tâm giành thắng lợi.
Thống kê của Sofascore chỉ ra khá rõ, ngoài 2 bàn thắng mà New Zealand có được trong hiệp 1 thì tính chung cuộc cả trận, đội bóng này kiểm soát bóng 63% - gấp đôi ĐT nữ Việt Nam; dứt điểm 27 lần (ĐT nữ Việt Nam chỉ có 2 lần). Điểm mạnh từ việc đã quen với điều kiện khí hậu lạnh ở giai đoạn này cùng với nền tảng thể lực tốt hơn hẳn đã được phía New Zealand khai thác, tận dụng triệt để.
Cũng như trận thua 1-2 trước ĐT nữ Đức cách đây nửa tháng, ĐT nữ Việt Nam về chung cuộc vẫn thất bại khi phải gặp đối thủ mạnh hơn là New Zealand. Nhưng khoảng cách chênh lệch về tỷ số là không lớn, khi Huỳnh Như và các đồng đội chỉ thua với cách biệt 2 bàn. Thậm chí trong hiệp 2, ĐT nữ Việt Nam không để thủng lưới. Sự tập trung, tuân thủ chiến thuật và quyết tâm chơi hết mình là điều đáng được ghi nhận nơi tinh thần thi đấu của ĐT nữ Việt Nam.
Ngoài ra, ý thức phòng ngự theo chỉ đạo của HLV Mai Đức Chung cũng được các cô gái ĐT nữ Việt Nam cố gắng thực hiện. Điều đó khiến cho khâu phối hợp giữa các cầu thủ nữ New Zealand trong nhiều tình huống gặp sai số.
Ở trận đấu này, New Zealand tung ra tới 27 pha dứt điểm. Trong đó, đội bóng này đã dứt điểm trúng cầu môn ĐT nữ Việt Nam 12 lần. Hai trong số đó trở thành bàn thắng, với các pha lập công của Catherine Bott và Jacqui Hand. Và 10 lần dứt điểm trúng cầu môn còn lại, New Zealand thất bại trước sự xuất sắc của thủ thành Kim Thanh.
Với 10 pha cứu thua cho ĐT nữ Việt Nam, Kim Thanh được Sofascore chấm tới 8,6 điểm. Đây là con số cao nhất trận đấu, tính cả các cầu thủ bên phía New Zealand. Một cầu thủ khác được chấm điểm trên trung bình ở ĐT nữ Việt Nam là tiền vệ Dương Thị Vân. Tiền vệ này được chấm 7,1 điểm. Theo thống kê từ Sofascore, Dương Thị Vân thắng 10 trong 13 lần tranh chấp với các cầu thủ nữ New Zealand.
Xét ở góc độ tấn công, ĐT nữ Việt Nam không có quá nhiều pha hãm thành trước ĐT nữ New Zealand. Thống kê chỉ ra rằng, Việt Nam chỉ có 2 lần dứt điểm về cầu môn đối phương. Một trong số đó đến từ Thanh Nhã.
Điều đó cũng xuất phát từ một tình huống mà hậu vệ trái Hoàng Thị Loan bình tĩnh che chắn, ngăn đối phương đoạt bóng trước khi thực hiện pha xoay sở khôn ngoan để thoát pressing. Pha bóng sau đó tiếp tục chứng kiến cú bứt tốc ấn tượng bên hành lang trái của Thanh Nhã. Đáng tiếc là tình huống xâm nhập cầu môn của cô lại không được chuyển hóa thành bàn thắng.
Bên cạnh những lời động viên, phải thừa nhận ĐT nữ Việt Nam chơi phản công trước New Zealand không hay như khi gặp ĐT Đức. Những đường chuyền chuyển hướng hay thay đổi trạng thái ở khu vực trung tâm hàng tiền vệ không có được độ chính xác như trước. Điều đó vô hình trung khiến các mũi nhọn trên hàng công của ĐT nữ Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng đói bóng, hoặc không đủ tốc độ và thể lực để theo một đường chuyền rót quá sâu về phần sân đội bạn.
Hai “nách” (giữa hậu vệ biên và trung vệ) của ĐT nữ Việt Nam cũng bị đối phương khai thác khá nhiều ở trận giao hữu này. Đó là điều mà ĐT nữ Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm, nhằm hạn chế những bàn thua tại World Cup sắp tới.
Bình Luận