Một ông bầu tâm sự với tôi rằng, vào những ngày cuối giải, làng bóng đá thường có nhiều tâm tư.
Cầu thủ thì ngóng chuyện lương, thưởng và hợp đồng. Ông bầu thì gồng mình cho những toan lo cuối mùa và cả định hướng cho tương lai. Nói cho cùng, những suy nghĩ và mưu cầu có thể khác nhau, nhưng nó có chung một đích đến là trách nhiệm và sự chuyên nghiệp với cuộc chơi.
Bóng đá Việt Nam vẫn còn một khoảng cách tương đối với cái đích chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở đây là giải pháp cân bằng về tài chính. Bóng đá có thể sống nhờ hoạt động của mình. Đó là cái đích mà bất cứ nền bóng đá nào cũng hướng đến. Nó đảm bảo cho cuộc chơi được vận hành trơn tru, bền vững.
Chúng ta mơ có một ngày các đội bóng có thể tự nuôi mình bằng việc khai thác những giá trị gia tăng. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, các đội bóng dù mạnh yếu khác nhau vẫn phải huy động rất nhiều nguồn lực, nhiều cơ chế, chính sách để tồn tại và phát triển. Nhắc đến thực tế có phần khắc nghiệt không phải để nản lòng mà có thêm quyết tâm để hoàn thành mục tiêu lớn.
Khó khăn của một số đội bóng, nhất là ở giai đoạn cuối giải, là có thực. Những bản hợp đồng cần đáo hạn. Những món tiền lót tay cần giải ngân. Những khoản thưởng cần thanh toán đúng lúc. Nói như một ông bầu, đây là giai đoạn ngốn tiền nhất và đôi lúc nghĩ đến những cái hạn mà phát hoảng.
Nhắc đến những ông bầu, những đội bóng với mối lo toan thường trực để thấy, cuộc chơi bóng đá không hề đơn giản. Để duy trì được một đội bóng thì các ông bầu, hay ban lãnh đạo phải gồng mình để hoàn thành trách nhiệm. Có thể lúc này, lúc khác vì những lý do khác nhau mà dòng tiền bị chậm, bị nghẽn, nhưng người trong cuộc ai cũng hiểu trách nhiệm và việc cần phải làm. Và đương nhiên, sự toan lo ấy phải được đáp đền bằng thái độ chuyên nghiệp, trung thực trong sinh hoạt cũng như thi đấu. Bởi, không ai chấp nhận hy sinh tiền bạc, thời gian và công sức cho những giá trị không tương xứng và vững bền.
Bình Luận