Nếu phải tìm ra nhân vật biểu tượng cho chênh lệch giữa tuyển Nhật Bản và Việt Nam, đó sẽ là Junya Ito. Ito bắt đầu trở thành cầu thủ chuyên nghiệp từ khi nào? Câu trả lời là năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Đại học.
Ở tuổi 22, Công Phượng đã là ngôi sao bóng đá được chú ý bậc nhất Việt Nam, Quang Hải đã giành Quả bóng vàng. Đoàn Văn Hậu thậm chí nổi lên từ khi mới 17, 18 tuổi. Trong quá khứ, Phạm Văn Quyến, Phan Thanh Bình đều đã thành sao số ở độ tuổi này.
Ngập tràn cơ hội
Ito không trưởng thành từ bất kỳ lò đào tạo hay học viện bóng đá nào. Tiền vệ này nổi lên ở cấp độ bóng đá sinh viên khi tỏa sáng trong màu áo Đại học Kanagawa và lọt vào mắt xanh của CLB Ventforet Kofu.
Chỉ sau một năm chơi bóng ở J2 League, Ito vào tầm ngắm của ông lớn Kashiwa Reysol và chơi bóng đều đặn ở J1 League. Giờ sau 7 năm chơi bóng chuyên nghiệp, Ito đang thi đấu tại Bỉ dưới màu áo CLB Genk và là thành viên chủ chốt của tuyển Nhật Bản, đẩy ngôi sao Takefusa Kubo lên ghế dự bị.
Những trường hợp như Ito không thiếu tại Nhật Bản. Các giải bóng đá dành cho học sinh và sinh viên diễn ra quanh năm tại đất nước mặt trời mọc. Giải đấu cổ xưa nhất cho nhóm này, Winter Kokuritsu, ra đời từ năm 1917 và vẫn diễn ra đều đặn cho đến hiện tại.
43 kênh phát sóng trên khắp lãnh thổ Nhật Bản có bản quyền giải đấu trên lý thuyết chỉ dành cho cầu thủ nghiệp dư. Đơn vị tổ chức giải này chính là LĐBĐ Nhật Bản (JFA). Winter Kokuritsu chỉ diễn ra trong kỳ nghỉ Đông tại Nhật Bản với 48 đội tham dự, đá theo thể thức knock-out.
Người Nhật đã tìm ra ai từ Winter Kokuritsu? Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura, Yasuhito Endo, Keisuke Honda, Shinji Okazaki, Takashi Inui, Yuya Osako, Gaku Shibasaki..., tất cả đều từng chơi bóng tại giải đấu này.
Nhưng Winter Kokuritsu không phải giải đấu duy nhất. Người Nhật còn có Prince Takamado Cup, giải đấu dạng vô địch quốc gia cho lứa tuổi học sinh. Vào năm 2011, LĐBĐ Nhật Bản thay đổi bộ nhận diện của giải đấu thành lập từ năm 1989 này thành U18 Premier League và U15 Premier League.
Giải đấu này có 20 đội chia thành hai bờ Đông và Tây, đá vòng tròn một lượt, có đội lên hạng lẫn xuống hạng. Các cầu thủ được thi đấu cọ xát quanh năm. Takumi Minamino, Takefusa Kubo là những cầu thủ xuất hiện từ giải đấu này.
Ở cấp độ sinh viên, người Nhật không thiếu sân chơi. Cúp Hoàng đế (tương đương với FA Cup của Anh) luôn có chỗ cho những đội bóng của các đại học tham dự. Ở vòng 1 Cúp Hoàng Đế của mùa 2019, có tới 17 đội của các đại học tham dự. Mùa 2020, Đại học Tsukuba lọt vào tới tận vòng 5 Cúp Hoàng đế (tương đương vòng 16 đội).
Ngoài ra, Incare, giải bóng đá sinh viên toàn Nhật Bản, cũng được ưa chuộng khi ra đời từ năm 1952 và là nơi quy tụ của hàng loạt đội mạnh từ khắp cả nước. Trụ cột của hàng tiền vệ Nhật Bản lúc này, Hidemasa Morito, bước ra ánh sáng từ giải đấu này vào năm 2017.
Việt Nam khan hiếm cơ hội cho cầu thủ trẻ
Bóng đá Việt Nam không có nhiều giải đấu kiểu này cho các lứa cầu thủ ở cấp độ U và càng không có giải đấu chính thức của VFF cho lứa tuổi học sinh lẫn sinh viên. Viễn cảnh một cầu thủ đá giải sinh viên lọt vào mắt xanh của CLB đang thi đấu tại V.League 1 hoặc 2, sau đó lên tuyển quốc gia như Ito ở Nhật Bản có thể xem là hoang đường.
Tại Nhật Bản, một cầu thủ ở các lứa tuổi U15-U18 hay U21 có thể đá trung bình 30-40 trận/năm chỉ bằng các giải đấu được tổ chức bởi JFA. Ở Việt Nam, chỉ V.League và hạng Nhất có sân chơi theo mô hình đá vòng tròn và luôn thiếu thốn cơ hội cho cầu thủ trẻ ở các giải U.
Các đội bóng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống giải do VFF tổ chức. Ví dụ ở lứa tuổi U19, các cầu thủ chỉ có giải U19 Quốc gia để thi đấu. Các cầu thủ chắc chắn được đá 10 trận ở vòng loại và tối đa là 15-16 trận/năm nếu lọt sâu ở giai đoạn đấu loại.
Chia sẻ với Zing, lãnh đạo một CLB cho biết việc tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ thi đấu nhiều phụ thuộc lớn vào nỗ lực đơn lẻ của từng CLB.
Lò đào tạo PVF trong quá khứ đưa các đội U ra nước ngoài thi đấu để giúp cầu thủ cọ xát và có lợi thế hơn hẳn so với các lò đào tạo khác. CLB Hà Nội thì đưa các cầu thủ trẻ xuống chơi tại giải hạng Nhất, Nhì, Ba. SLNA thì cho các cầu thủ trẻ đi mượn khắp nơi để “được” chơi bóng.
Quan chức này cho biết nếu biết tính toán, một trung tâm/lò đào tạo có thể cho các cầu thủ đá 25-40 trận/mùa nhưng cách làm này vẫn tồn tại những bất cập. Tức các cầu thủ sẽ có cơ hội thi đấu thật, nhưng phải chơi ở những giải đấu ngắn ngày với rủi ro chấn thương cao.
“Cầu thủ quá tải thì đứt dây chằng và coi như mất sự nghiệp”, quan chức này nói. “Chấn thương nhẹ thì mất trận”.
VFF từng đối mặt với câu hỏi làm sao tạo thêm sân chơi cho các cầu thủ trẻ. Quyết định tổ chức các giải Cúp Quốc gia trẻ, tăng thêm số trận ở các giải U đã phần nào thay đổi thực trạng hiện tại. Nhiều trung tâm, HLV bóng đá trẻ đã dành lời khen cho VFF vì nỗ lực thay đổi. Nhưng từng đó vẫn là không đủ khi số trận cho cầu thủ trẻ Việt Nam vẫn thua kém các nền bóng đá khác, điển hình như Thái Lan trong khu vực.
Đưa bóng đá vào học đường là cách Nhật Bản tạo ra sân chơi cho các cầu thủ tiềm năng. Người Nhật trở thành anh cả của cả châu Á cũng bởi cách làm bóng đá bài bản có truyền thống lâu đời này.
Tuyển Việt Nam đã san bằng cách biệt với Nhật Bản bằng trận hòa 1-1 ở Saitama. Nhưng bước ra khỏi sân đấu, cần thêm rất nhiều nỗ lực mới giúp bóng đá Việt Nam bắt kịp Nhật Bản.
Bình Luận