Bom nợ Evergrande
Tập đoàn Evergrande là công ty lớn về bất động sản tại Trung Quốc. Có thể xem họ là "lá cờ đầu" của quốc gia tỷ dân xét ở mảng tài chính. Nếu Evergrande "hắt hơi, xổ mũi", không chỉ tài chính Trung Quốc mà tài chính thế giới cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
2 tuần gần đây xôn xao câu chuyện Evergrande mắc nợ hơn 300 tỷ USD và đang trên bờ vực phá sản. Nếu Evergrande sụp đổ, các ngân hàng lớn cho họ mượn tiền cũng khó lòng yên thân. Một chuỗi domino ảnh hưởng đến ngành tài chính sẽ được kích hoạt.
Lý do khiến Evergrande rơi vào bước đường cùng hiện tại là bởi tập đoàn này tăng trưởng quá nhanh. Trong giai đoạn 2010-2020, tài sản của họ tăng vọt từ 370.000 tỷ VNĐ lên đến 8 triệu tỷ VNĐ. Vốn nhiều, danh tiếng lớn giúp Evergrande thừa thắng xông lên để lấn sân sang các lĩnh vực khác như giải trí, âm nhạc, du lịch, sức khỏe và cả bóng đá.
Chính vì vậy, họ buộc phải sử dụng "đòn bẩy" tài chính, tận dụng sự quen biết để mượn nợ. Song, chính điều này đã đẩy Evergrande vào áp lực tiền bạc vì trong một thời điểm họ mở rộng quy mô kinh doanh quá nhanh. Dù sao, lĩnh vực chính của Evergrande vẫn là bất động sản nên trong thời gian ngắn, họ chưa đủ tiềm lực để phát triển những công việc vừa nêu phía trên.
Cùng với việc đại dịch COVID bùng phát, ảnh hưởng đến lĩnh vực quen thuộc là bất động sản đã đẩy Evergrande lâm vào bế tắc. Để rồi hiện tại, họ trở thành một trong những câu chuyện truyền kỳ, có thể nói gót ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008 phá sản và tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến ngành tài chính.
Cách làm bóng đá từ nóc của Trung Quốc
Câu chuyện của Evergrande là minh chứng cho một cách phát triển vội vàng, điều khá tương đồng với bóng đá Trung Quốc vào thời điểm hiện tại. Bóng đá Trung Quốc vốn có tham vọng trở thành một cường quốc. Họ không chỉ thuộc nhóm quốc gia giàu có bên cạnh Mỹ mà còn là vùng đất dành cho 1.3 tỷ dân sinh sống. Nhiều người sẽ tạo ra lợi thế, có thêm nhiều lựa chọn để phát hiện tài năng bóng đá. Dù vậy, sau tất cả, Trung Quốc vẫn chưa thể vươn tầm như cách họ tham vọng.
Cựu HLV vô địch World Cup 2006, Marcelo Lippi từng thẳng thắn chia sẻ nguyên nhân lớn nhất khiến bóng đá Trung Quốc thất bại nằm ở việc không xây dựng nên hệ thống đào tạo trẻ chất lượng. Evergrande đã đầu tư vào môn thể thao vua nhưng học viện bóng đá của họ không thể phát triển tốt như dự kiến.
Tại đây, họ không có truyền thống chơi bóng đá nên đã vạch ra một kế hoạch phát triển thiếu bài bản. Và một khi Evergrande sụp đổ, những học viện ấy cũng bị xóa sổ. Quá trình xây dựng học viện trẻ của bóng đá Trung Quốc ngày càng khó.
Đây là một phần nguyên nhân khiến bóng đá Trung Quốc đánh bóng tên tuổi bằng cách trả đãi ngộ khủng để chiêu mộ hàng loạt ngôi sao hàng đầu đến CSL. Họ muốn tận dụng hình ảnh của các ngôi sao đó để quảng bá thương hiệu. Và đây còn là cơ hội để các cầu thủ Trung Quốc thi đấu tại quê nhà cọ xát, nâng cao trình độ khi đối đầu với những cái tên đẳng cấp.
Song, điều đó vẫn chỉ là bề nổi mà hầu như chẳng có tác động tích cực nào lên nền bóng đá Trung Quốc. Kế hoạch này rồi cũng sẽ kết thúc khi nó được xây dựng bằng công cụ tài chính chứ không phải chiến lược bền vững.
Trước trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, Trung Quốc có thể vẫn được đánh giá cao hơn ĐT Việt Nam. Nhưng với mọi diễn biến xuất hiện xung quanh, khoảng cách trình độ giữa 2 nền bóng đá nước này dần được thu hẹp. Nó đến từ sự nỗ lực của ĐT Việt Nam cũng như sự thụt lùi của bóng đá Trung Quốc.
Đó là cái tát đau dành cho tham vọng vươn tầm thế giới của quốc gia tỷ dân này. Họ đang phải trả giá vì cách làm bóng đá thiếu bài bản, chưa tạo được nền móng vững chắc để hóa thành ông lớn thực sự.
Bình Luận