Thống kê đó thực sự mang tới sự bất ngờ. Và nó chứa đựng những vấn đề đáng lưu tâm hơn là chênh lệch về tỷ số, tỷ lệ kiểm soát bóng hay số đường chuyền vốn nghiêng một cách rõ rệt về phía Việt Nam.
Phía sau 9 lần phạm lỗi
Theo logic thông thường, đội phòng ngự, đội bị áp đặt sẽ phạm lỗi nhiều hơn. Do thua kém về thế trận, đội phòng ngự sẽ dùng những lần phạm lỗi như một thứ vũ khí bổ sung để khỏa lấp chênh lênh sức mạnh giữa đôi bên.
Trong trận đấu trên sân Bishan tối 6/12, Lào là đội phòng ngự. Họ cầm bóng 23,8%, chuyền bóng chính xác 62,8%. Đối thủ của tuyển Việt Nam có 4 cú sút suốt 90 phút với 2 lần trúng đích. Họ lẽ ra phải phạm lỗi nhiều hơn.
Nhưng khi trận đấu kết thúc, tất cả ngạc nhiên khi thấy tỷ số phạm lỗi 9-3 nghiêng về phía Việt Nam.
Các pha phạm lỗi của Thành Chung và đồng đội diễn ra xuyên suốt cả trận từ phút thứ 9 tới 67, cả trước và sau thời điểm tuyển Việt Nam ghi bàn. Chúng được thực hiện bởi cả những cầu thủ phòng ngự như Thành Chung, Duy Mạnh, Tấn Tài, cả những cầu thủ đá giữa như Hoàng Đức hay thậm chí tới từ nhóm tấn công như Công Phượng, Văn Đức.
Vấn đề cần đặt ra: Những lần phạm lỗi ấy là tự phát hay chiến thuật?
Có lẽ không phải lý do chiến thuật. Bởi tuyển Việt Nam đã áp đặt toàn diện từ thế trận tới tỷ số. Lào rõ ràng không phải đối thủ có thể khiến Duy Mạnh và đồng đội cần những pha phạm lỗi chiến thuật. Tuyển Việt Nam làm chủ thế trận, tăng tốc, giảm tốc, đá nhanh, đá chậm hoàn toàn chủ động. Chúng ta không cần thêm vũ khí phạm lỗi để điều tiết thế trận, giảm hưng phấn đối thủ, thậm chí chẳng cần chúng để hạn chế những cơ hội vốn rất hiếm hoi từ phía bên kia.
Vậy đó chỉ có thể là những pha phạm lỗi tự phát. Và sự tự phát ấy nói lên 2 điều. Thứ nhất, ban huấn luyện dường như chưa điều chỉnh được trạng thái tâm lý phù hợp hơn cho cầu thủ. Họ vẫn giữ các thói quen ở vòng loại World Cup, vẫn chưa thoát khỏi tinh thần ấy khi trở lại khu vực.
Chia sẻ với Zing, cựu Tổng thư ký VFF Phan Anh Tú cho rằng: “Tuyển Việt Nam đang đá với đối thủ mạnh, phải căng mình, chiến đấu, lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng bằng mọi cách để hạn chế. Giờ họ về đá với Đông Nam Á, nơi trình độ thấp hơn, nhưng có thể cầu thủ vẫn giữ thói quen đó, tạo thành phản xạ, chưa thoát ra được”.
Thứ 2, quá nhiều pha phạm lỗi cũng cho thấy tuyển Việt Nam dường như quá nôn nóng. Sau thất bại ở vòng loại World Cup, họ trở nên khao khát chiến thắng, muốn thể hiện và chứng minh thực lực thật nhanh trước đối thủ cửa dưới. Tâm lý ấy đã dẫn tới những tình huống phạm lỗi không đáng có trước tuyển Lào.
Những pha phạm lỗi vẫn đến sau cả bàn nâng tỷ số 2-0 cho thấy nhiều tuyển thủ có vẻ như chưa hài lòng. Họ thấy chiến thắng trước Lào là chưa đủ và cần tỷ số đậm đà hơn. Tâm lý nôn nóng ấy cũng được thể hiện trong quả đá phạt đền thất bại của Văn Thanh, người vốn là một trong những chân sút 11 m tốt nhất của tuyển Việt Nam.
Trạng thái tâm lý chưa ổn định và việc phạm lỗi quá nhiều của tuyển Việt Nam đã được giới chuyên môn phân tích rất nhiều. Nó cũng đã gây hại không ít cho đội trong những trận vừa qua với Trung Quốc, Oman... Nhưng vòng loại World Cup là đấu trường khó và khốc liệt hơn hẳn. Tuyển Việt Nam lẽ ra không được lặp lại sai lầm tương tự ở AFF Cup, sân chơi thấp hơn mà chúng ta đang là đương kim vô địch.
Phân cấp trình độ ở AFF Cup
Bên cạnh vấn đề tâm lý, tuyển Việt Nam cũng bộc lộ những hạn chế về chuyên môn. Tỷ số 2-0 là kết quả có cách biệt nhỏ nhất trong 6 lần đối đầu gần đây giữa tuyển Việt Nam và Lào. Và nó không thể khiến HLV Park hài lòng. Giống hệt Thái Lan trước Timor Leste, tuyển Việt Nam đã thể hiện những bối rối nhất định trước đối thủ phòng ngự lùi sâu. Chất lượng đội hình giúp đội tuyển dễ dàng áp đặt thế trận lên đối thủ, nhưng việc phải thi đấu với tư cách cửa trên khiến Công Phượng và đồng đội gặp khó khăn nhiều hơn trong việc ghi bàn.
Đó là điều tuyển Việt Nam cần cải thiện thật sớm bởi tại AFF Cup, Lào không phải đội duy nhất muốn dựng xe bus trước mặt Quang Hải và đồng đội.
Những kết quả từ loạt trận mở màn AFF Cup cho thấy đã có sự phân nhóm rõ rệt giữa các đội tuyển. Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Singapore nhiều khả năng sẽ là những đội nhóm trên. Cả 4 đội này đã thắng cách biệt cả về tỷ số và thế trận trước những đối thủ nhóm dưới. So với những ứng viên khác, kết quả trước Lào chưa thể khiến tuyển Việt Nam hài lòng, bởi đối thủ của chúng ta có lẽ là chỉ mạnh hơn Timor Leste đôi chút.
Cùng thời điểm đó, Singapore và Malaysia đều bộc lộ phần nào sức mạnh đáng gờm của họ. Kinh nghiệm dày dạn của người Mã hay sự trở lại của tượng đài Singapore hứa hẹn kỳ AFF Cup không đơn giản như hành trình 3 năm về trước.
Dù vậy, điều đó không có nghĩa là chúng ta chẳng nhìn thấy điểm sáng nào từ đội tuyển Việt Nam.
90 phút tại Bishan mang tới niềm vui cho 2 tiền đạo đã bị chỉ trích những tháng qua: Văn Đức và Công Phượng. Họ đều tỏa sáng trong chức vô địch năm 2018 và vừa tiếp tục chứng minh sự phù hợp của mình với sân chơi khu vực. Kỳ vọng về sự hồi sinh của họ được đền đáp bằng 2 bàn thắng.
Cộng thêm sự trở lại của Quang Hải, Tuấn Anh, tuyển Việt Nam vẫn còn thời gian để hoàn thiện và tiến bộ trên hành trình bảo vệ danh hiệu vô địch.
Bình Luận