Từng bị cộng đồng mạng “lôi” cả dòng họ, bố mẹ, con cái,… ra để lăng mạ, vị cựu trọng tài FIFA ở Việt Nam thừa hiểu hơn ai hết, ông phải “sống chung” với thói quen xấu này của một bộ phận CĐV.
Ông gạt bỏ ngoài tai những lời chỉ trích đó. Song, vị trọng tài này đau đáu: “Trước khi viết bình luận, trước khi chia sẻ hay phát biểu một điều gì đó về nghề nghiệp của người khác; bạn hay chính tôi hãy tìm hiểu kỹ vấn đề ấy, cụ thể như nghề trọng tài. Bạn hãy thử một lần cầm còi 1 trận đấu phong trào có khán giả. Lúc đó bạn sẽ biết CĐV ở ngoài phản ứng như thế nào về quyết định của bạn.
Hãy tôn trọng nghề nghiệp của chúng tôi, hãy đặt vị trí của các bạn vào chúng tôi. Tôn trọng nghề nghiệp của chúng tôi, chính là cách bạn đang tôn trọng nghề nghiệp của các bạn”.
Ý thức vẫn là mấu chốt trong việc đưa đến cách hành xử văn minh ở trên thế giới ảo. Một bộ phận nào đó khiến những CĐV chân chính bị vạ lây. “Trong số đám đông anti-fan cũng có những CĐV chân chính. Họ cũng nhắn tin chia sẻ, động viên khích lệ tinh thần sau những sai sót về lỗi nhận định của chúng tôi. Tôi khẳng định CĐV Viêt Nam không phải ai cũng xấu, ai cũng nhìn tiêu cực. Vẫn còn những người có góc nhìn tích cực, văn minh”, ông chia sẻ.
Vị cựu trọng tài giấu tên này mong mỏi: “Để bóng đá Việt Nam phát triển, để hình ảnh con người Việt Nam được lan tỏa với bạn bè, bản thân tôi hy vọng số đông anti-fan hãy ngừng việc tấn công, xúc phạm người khác bằng những hành động, ngôn ngữ thiếu văn minh”.
Ông Dương Văn Hiền, Trưởng ban Trọng tài VFF cho rằng: “Vấn đề quan trọng là góc nhìn của CĐV. Nếu là NHM chân chính, họ cần hiểu được trọng tài cũng là con người, có khi đúng, khi sai. Lúc đó, chúng ta sống chung với nó. Đừng cuồng tín một cách quá khích dẫn đến hành xử thiếu văn minh.
Sau vòng loại thứ 2 này, có thể thấy rằng, công tác trọng tài mà không có VAR thì khó tránh khỏi sai lầm. Vấn đề nằm ở ý thức của mọi người. Đó là cuộc chơi. Hãy thay đổi quan điểm, ý thức thì cuộc chơi nhẹ nhàng hơn chút xíu”.
Sau trận đấu giữa Malaysia vs Việt Nam, các CĐV Malaysia có cuộc “tấn công” vào facebook của trọng tài chính Sato vì cho rằng thiên vị ở tình huống thổi phạt đền khi Văn Toàn ngã trong vòng cấm. Thế rồi, các quan chức của bóng đá Malaysia lên tiếng thừa nhận, trọng tài đã đúng. Sau đó, các CĐV Malaysia không còn công kích mà quay sang xin lỗi.
Bóng đá là cuộc chơi. Nó đến từ cách mỗi người chấp nhận cuộc chơi như thế nào và có chịu hiểu về cuộc chơi đó hay không. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, bản thân mỗi CĐV cần có cái nhìn thiện chí về trọng tài.
“Trong mỗi trận cầu, mình phải tôn trọng quyết định của trọng tài và họ cũng không thể chiều lòng khán giả được. Rõ ràng trình độ của UAE trên mình một bậc. Cầu thủ Việt Nam cũng đã nỗ lực đến phút cuối cùng với 2 bàn gỡ. Trong bóng đá, nên tôn trọng quyết định của trọng tài. Họ có cơ sở, nắm chắc kiến thức, luật,… mới thổi. Khán giả đôi khi vẫn còn ăn thua dẫn đến hành động thiếu văn minh. Nếu nhìn trực diện vào trận cầu đó, Việt Nam chưa thể so sánh với UAE. Không thể nào cứ thua là đổ lỗi trọng tài, không thể như vậy được”, ông Xương nói.
Trong khi đó, CĐV có nickname Thomas Nguyễn với tên thật Nguyễn Văn Duy bày tỏ: “Bóng đá Việt Nam đã khẳng định vị thế khu vực Đông Nam Á, châu Á. Chúng ta cần có một hội CĐV đúng nghĩa. Cần có hội trưởng CĐV đứng đầu, định hướng rõ ràng, văn hóa, văn minh khán đài.
Đó là sức mạnh tinh thần, là hình ảnh của con người, đất nước Việt Nam với bạn bè khu vực, châu lục và trên thế giới. Hội CĐV văn minh của 14 CLB bóng đá trong nước sẽ giúp cho hội CĐV của 1 ĐTQG Việt Nam có bản sắc, có văn hóa Việt Nam hơn trên khán đài châu lục và thế giới.
Nếu có thể, VFF hay một tổ chức xã hội, thậm chí những cầu thủ Việt Nam có ảnh hưởng trên mạng xã hội như Quang Hải, Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Hậu, Quế Ngọc Hải, Xuân Trường, các HLV có uy tín có tầm ảnh hưởng hay nhà báo, phóng viên.…hãy đồng loạt chia sẻ, đưa lời khuyên về việc nên dừng lại những hành động thiếu văn minh tấn công trọng tài, cầu thủ hay HLV đối phương”.
Chủ tịch Hội CĐV CLB Long An, Trần Anh Tuấn cho hay: “Hãy dùng mạng xã hội đúng ý nghĩa để bạn bè quốc tế hiểu đúng về bóng đá Việt. NHM yêu bóng đá thật sự phải thể hiện hành động, đến sân cổ vũ văn minh, xem bóng đá có ý thức không chửi tục, nói bậy xúc phạm người khác. Sau trận đấu dọn rác khán đài, mua vé, mua cờ khăn ủng hộ CLB, đội tuyển….Đó là điều giúp CLB, giúp bóng đá Việt Nam phát triển”.
Theo ông Cao Văn Chóng, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông VFF, tổ chức này đã nắm bắt vấn đề cộng đồng mạng liên tục “tấn công” trọng tài ở các trận đấu của Việt Nam.
“Chúng tôi đã nhận được thông báo về sự việc cộng đồng mạng “tấn công” trọng tài điều khiển trận UAE vs Việt Nam. Điều này hạ huy tín, hình ảnh của bóng đá con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
VFF đã ghi nhận vấn đề này. Chúng tôi sẽ họp bàn, chia sẻ và có những phương án phù hợp nhất, nhằm thay đổi để hình ảnh bóng đá, con người Việt Nam thân thiện hơn”, ông Chóng nói.
Ngày 17/6/2021, Bộ TT&TT có Quyết định 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với các nội dung sau:
- Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
- Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
- Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khỉ tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
- Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
- Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giá, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
- Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tâm gương người tốt, việc tốt.
- Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
Phương Nam - Yên Lãng
Bình Luận