Anh đánh giá thế nào về màn trình diễn của tuyển Việt Nam trong trận gặp Saudi Arabia?
So với chính đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ đã có trận đấu tốt. Tất nhiên, nếu kết quả hoà thì không có gì phải bàn cãi nữa. Nhưng bỏ qua kết quả, có thể thấy rằng tuyển Việt Nam đã có sự tiến bộ so với trận đấu gặp Nhật Bản.
Đội cầm bóng và chơi bóng nhiều hơn, cơ hội cũng rõ nét hơn, quan trọng là tinh thần thi đấu không từ bỏ của toàn đội làm khán giả phấn khích, hài lòng.
Theo anh, lối chơi của tuyển Việt Nam có sự thay đổi gì so với trận gặp Nhật Bản?
Tuyển Việt Nam đã dám chơi tấn công trong từng thời điểm, mặc dù không thể chơi đôi công với họ bởi rất khó để chơi đôi công vì Việt Nam cầm bóng ít hơn. Tôi đánh giá khả năng tấn công của tuyển Nhật Bản không bằng Saudi Arabia, nhưng cách tổ chức phòng ngự của Nhật Bản tốt hơn.
Saudi Arabia vượt trội hơn Việt Nam về thể lực. Khi họ ép đối thủ lùi sâu, những đường phản công của các cầu thủ lên không kịp, chủ động không kịp, buộc đưa vào thế 1 đấu 2 với họ thì rất là khó. Tựu chung, trước đối thủ vượt trội, tuyển Việt Nam chơi như thế là tốt, không thể ép hay hơn nữa.
Đâu là cầu thủ của tuyển Việt Nam khiến anh ấn tượng?
Trận đấu này, tôi đánh giá hậu vệ Hồng Duy chơi rất tự tin, có những tình huống dù đang cầm bóng ở sân nhà nhưng vẫn tự tin dùng động tác giả để đánh lừa đối phương. Đó là điều rất đáng quý. Sự tự tin ấy giúp ích cho cầu thủ rất nhiều.
Hồng Duy là cá nhân tiêu biểu cho sự tự tin của tuyển Việt Nam, mặc dù đSaudi Arabia vượt trội cũng gây khó khăn cho đối thủ.
Trong tình huống thủng lưới, đối phương rất nhanh, mà trong vòng 16m50, cầu thủ không dám truy cản mạnh. Ở pha bóng này, chỉ cần Al Muwallad thò chân ra dài quá mà vướng vào chân Hồng Duy thì sẽ có phạt đền vì đối phương rất quái.
Họ tạt quả bóng rất hay, ban bật rất tốt. Duy Mạnh kèm rất chặt nhưng Al Shehri vẫn chạm được bóng bằng đầu. Đó là bàn thắng đẳng cấp.
Hàng phòng ngự tuyển Việt Nam không có lỗi trong bàn thua này, kể cả Tấn Trường đứng khép góc cũng đúng bởi vì bóng chưa ra, thủ môn nào ở thời điểm đó cũng thế thôi, rất khó để bắt bài.
Anh đánh giá thế nào về cá nhân tiền vệ Phan Văn Đức, cầu thủ gặp khá nhiều sức ép về mặt tâm lý?
Phan Văn Đức là mẫu cầu thủ cá tính, không phải ngẫu nhiên mà dù xuống phong độ nhưng ông Park vẫn tin tưởng Đức, hiểu Đức có những điểm mạnh, điểm yếu gì.
Tiền vệ này là mẫu cầu thủ rất lỳ lợm nên không thể vì những chỉ trích của người hâm mộ mà bị ảnh hưởng tâm lý. Nhiều khi chỉ cần 1 bàn thắng hoặc một tình huống hay lại khác ngay.
Tuyển Việt Nam thêm một lần nữa thoát thua nhờ VAR, theo anh điều này nói lên điều gì?
Tôi nghĩ về luật là đúng, kể cả trận gặp Nhật Bản. Thử tưởng tượng, nếu chúng ta thua 2 bàn trước Saudi Arabia, đội sẽ khó đá hơn rất nhiều. Họ thoải mái còn mình rất khó khăn.
Đó cũng là động lực, bởi đang thua 0-1, tinh thần và động lực càng tiếp thêm nữa để các cầu thủ có thể hi vọng tạo nên bàn thắng gỡ hoà. Khi thua 2 hay 3 bàn, những phút cuối, cầu thủ dễ nản lòng, ai cũng thế cả thôi.
Nhưng dù tình huống đó, VAR có công nhận bàn thắng, tôi nghĩ việc vỡ trận cũng rất khó bởi tuyển Việt Nam đã thi đấu tốt. Vấn đề là nếu thua nhiều hơn, chúng ta khó đá tiếp trong khoảng thời gian còn lại.
Vậy, đâu là hạn chế của tuyển Việt Nam sau thất bại trước Saudi Arabia?
Khi đá với đối thủ như Saudi Arabia sẽ có sự chênh lệnh trình độ, còn nếu so sánh với chính đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ đã rất tiến bộ. Chúng ta không thể đòi hỏi được hơn nữa, bởi trình độ của 2 đội bóng khác nhau.
Chúng ta chỉ nên so sánh với chính mình. Cầu thủ tiến bộ về thể lực, tinh thần, sự tự tin. Đó là điều đáng quý. Đây là cơ hội trải nghiệm, cọ xát rất tốt, cơ hội để thi đấu những giải đấu như thế này rất ít trong sự nghiệp của mỗi cầu thủ.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!
Bình Luận