Vấn nạn cộng đồng mạng “tấn công” trọng tài: Đó không phải tình yêu chân chính!

Câu chuyện hễ cứ “cảm thấy” tuyển Việt Nam bị xử ép, cộng đồng mạng (CĐM) liền nhanh tay tấn công vào facebook, instagram của trọng tài đang khiến hình ảnh về bóng đá Việt Nam xấu đi. Nó đã trở thành vấn nạn!

Họ (CĐM) lôi cả dòng họ, bố mẹ, vợ con tôi,… để lăng mạ!

Sau trận đấu giữa UAE vs Việt Nam thuộc vòng loại thứ 2 World Cup 2022, một cuộc “tấn công có quy mô” tràn vào trang facebook cá nhân trọng tài người Iraq, Ali Sabah Adday Al-qaysi của cộng đồng mạng Việt Nam nhằm đòi lại công bằng. Trước đó, cứ mỗi khi tuyển Việt Nam thi đấu quốc tế, câu chuyện cư dân mạng tấn công trọng tài không còn mới.

Theo giới chuyên môn, đây là hành động thiếu văn minh, thể hiện sự tiêu cực trong tình yêu bóng đá. Trọng tài FIFA Ngô Duy Lân thấu hiểu với đồng nghiệp người Iraq. Ông cũng từng trải qua những khoảnh khắc tồi tệ đó.

Sau trận Việt Nam vs UAE trọng tài người Iraq ông Ali Sabah Adday Al-qaysi bị cộng đồng mạng Việt Nam tấn công bôi nhọ, xúc phạm danh dự. Ảnh: P.H.

“Năm 2018, khi điều hành trận tứ kết Cúp QG giữa HAGL và Hà Nội FC, tôi cũng đã rơi vào trường hợp như trọng tài Ali Sabah. Bản thân tôi thừa nhận, trọng tài không thể chính xác 100%. Khoảnh khắc trong bóng đá diễn ra rất nhanh, trong tích tắc 1% giây phải đưa ra nhận định của mình. Thế nên, hạn chế sai sót là điều khó tránh khỏi.

Sau trận, tôi mở điện thoại, từ tin nhắn đến trang facebook cá nhân, những lời xúc phạm về nghề nghiệp đến người thân và gia đình…khiến tôi rất sốc. Khi ấy bản thân suy nghĩ rất nhiều về cái nghề của mình. Trưởng ban trọng tài và giám sát trọng tài biết chuyện, anh em cũng động viên, chia sẻ rất nhiều. Đã làm nghề này thì phải chấp nhận, đó cũng là một phần của cuộc chơi”, ông Lân bày tỏ.

Một cựu trọng tài FIFA, từng bắt ở nhiều giải quốc tế như Vòng loại World Cup, AFF Cup,… cho hay: “Khi còn cầm còi hay giờ đây làm giám sát, tôi đã “nhận đủ” những lời xúc phạm trên khán đài. Sau trận đấu, dù đó là quyết định đúng nhưng cũng có lần sai sót, họ lôi cả dòng họ, bố mẹ, vợ con…của tôi để lăng mạ.

Suy ngẫm lại, đó là thói quen của đám đông. Họ “té nước theo mưa”. Những CĐV chân chính là những người có trình độ, có học thức không phản ứng như vậy”.

Sau trận đấu trên sân Pleiku giữa HAGL vs Hà Nội FC năm 2018, trọng tài Ngô Duy Lân bị cộng đồng mạng Việt Nam tấn công. Ảnh: Phương Nam.

Vị cựu trọng tài chia sẻ thêm: “Cộng đồng mạng rất chung chung, thiếu thực tế trong xã hội. Họ có thể dùng nick ảo, giả mạo để tấn công một vấn đề, một sự việc thực tế đang diễn ra nhằm hạ thấp uy tín, chế nhạo, bôi nhọ danh dự người khác.

Tôi xác định, đã làm nghề phải chấp nhận, đặc biệt nghề trọng tài. Bản thân vẫn hy vọng bóng đá Việt Nam phát triển, văn hóa văn minh khán đài được phát triển”.

Tuy vậy, ông thừa nhận: “Rất khó để ngăn cản cách hành xử của cộng đồng mạng vì đa số đều chưa nhận thức hết vấn đề. Tôi tự tìm cách gạt bỏ suy nghĩ phải quan tâm đến nhóm người này; nhất là sau những cú vấp ngã về nghề nghiệp trọng tài trong quá khứ”.

Trong khi đó, Trưởng ban Trọng tài VFF, Dương Văn Hiền cho biết: “Trên thế giới, bóng đá cũng chỉ là trò chơi. Mỗi thành viên góp phần tạo cuộc chơi cho tốt hơn. Trọng tài cũng vậy. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà FIFA đưa VAR vào. Cần nhìn nhận, ở vòng loại World Cup 2022 vừa rồi, có trọng tài sai sót có lợi cho mình.

Công tác trọng tài công minh nhưng khi không có VAR, mình phải chấp nhận cuộc chơi. Tôi rất buồn với cách hành xử của CĐV mình, chỉ cần bất lợi một xíu là kêu ca, làm đủ thứ trò; thậm chí vào facebook, instagram,… mạt sát. Điều này không hay”.

Theo ông Hiền, trọng tài sai sót từ nhận định chứ không có vấn đề tư tưởng. Và khi sai thì có lúc sai cho đội A, có lúc sai cho đội B. Mình cứ đánh giá bình thường. Chỉ khi nào các sai lầm hướng đến một đội nào đó, mình mới lên tiếng chứ. Nhưng nói một cách văn minh.

CĐV chân chính Việt Nam luôn để lại hình ảnh rất đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Ảnh: Phương Nam.

Ông Hiền cho rằng, cộng đồng mạng có hai chiều: có một số bình luận khiếm nhã, đả kích và cũng có những bình luận có thiện chí. Với những bình luận đả kích, họ hâm mộ một cách tiêu cực, cuồng đội tuyển, để rồi tìm những lỗi để soi dù điều bất lợi là đúng.

Nhận thức kém của một bộ phận, không phải tất cả

Vị cựu trọng tài FIFA xin giấu tên cho rằng: “Cộng đồng mạng tấn công trọng tài chỉ là hành động bộc phát, phản xạ tự nhiên của một tập thể, một nhóm người”. Facebook có nickname Thomas Nguyễn, tên thật Nguyễn Văn Duy, là người từng sát cánh cùng các ĐT Việt Nam ở những giải đấu lớn trong và ngoài nước nhìn nhận: “Hơn 10 năm qua, tôi từng có mặt khắp khán đài Đông Nam Á, châu Á để cổ vũ bóng đá Việt Nam.

CĐV Nguyễn Văn Duy hơn 10 năm theo khắp khán đài cổ vũ ĐT Việt Nam khẳng định vấn nạn tấn công trọng tài của cộng đồng mạng nên dừng lại, đó không phải tình yêu chân chính. 

CĐV Việt Nam đang hướng tới những điều văn minh nhất. Sau một trận đấu chúng tôi chung tay thu dọn rác, quyên góp tiền ủng hộ người nghèo, đồng bào bão lụt…Đó là nghĩa cử cao đẹp của CĐV Việt Nam.

Bên cạnh những việc làm văn minh ấy, có khá nhiều anti-fan lăng mạ, chửi bới xúc phạm cầu thủ, trọng tài thậm chí HLV đội bạn. Không chỉ trong khu vực, quốc tế cũng vậy. Sự cố trọng tài người Iraq là một ví dụ. Đó là hành động không văn minh, nhận thức rất kém của một nhóm người, một nhóm cộng đồng mạng”.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội CĐV CLB Long An cho rằng: “Cộng đồng mạng là khái niệm rộng lớn trước sự bùng nổ công nghệ thông tin. Nhưng đây là những người cổ súy theo đám đông, té nước theo mưa. Nó làm xấu đi hình ảnh của bóng đá Việt Nam, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.

    Bình Luận