Ông đánh giá như thế nào về thất bại 0-1 của tuyển Việt Nam trước Nhật Bản ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022?
Để thua Nhật Bản 1 bàn không có gì thất vọng cả bởi đối thủ hơn về đẳng cấp, hơn tất cả mọi thứ. Việt Nam không có nhiều cơ hội vì họ thi đấu trên cơ hoàn toàn.
Khi cướp được bóng, chúng ta không triển khai tấn công được. Họ pressing nhanh, lấy bóng ngay. Họ chơi thứ bóng đá chủ động. Theo đánh giá của tôi, chơi được với Nhật Bản như vậy là tốt.
Gặp trục trặc về di chuyển và chỉ có một buổi tập, liệu chăng, Nhật Bản có vấn đề thể lực và họ đá để giữ sức?
Không đâu! Khi có bàn thắng, họ muốn sự an toàn, tức là pressing ngay phần sân đối phương để cầu thủ Việt Nam không có cơ hội tấn công. Thực sự nền tảng thể lực của họ không yếu mà phương án thi đấu thể hiện đẳng cấp cao.
Họ biết đối thủ chơi phòng ngự phản công nên chặn đứng ngay phần sân đối phương. Điều đó khiến chúng ta không có cơ hội phản công khi họ áp sát, lấy bóng, kể cả gần thủ môn Bùi Tấn Trường.
Chính lối chơi đó buộc các cầu thủ Việt Nam phải chuyền dài, mà các quả chuyền dài đều bị cắt vì họ to cao, bản lĩnh, kinh nghiệm, giàu tốc độ, xử lý tình huống tốt hơn.
Nói như vậy, tuyển Việt Nam bị Nhật Bản áp đặt hoàn toàn về lối chơi?
Đúng vậy! Một đội bóng đẳng cấp luôn có cách chơi trên cơ đối thủ. Họ khiến đội yếu hơn chơi theo ý của họ, bắt đối thủ chơi bóng dài, khống chế khu vực tiền vệ, không cho phối hợp, pressing từ tuyến này nên chúng ta không có cơ hội.
Họ chia cắt tiền vệ và tiền đạo, tiền vệ và hậu vệ khiến đối thủ không phối hợp được. Chiến thuật của họ rất hay. Họ áp đặt ngay trên sân của chúng ta. Nhật biết họ hơn về đẳng cấp, hơn nhiều thứ để áp đặt hoàn toàn và chủ động các phương án thi đấu.
Họ đưa ra chiến thuật quá tốt khi bắt đối phương đá phòng ngự phản công và bịt hoàn toàn đường phản công từ hàng tiền vệ, bắt phải đá từ hậu vệ lên tiền đạo. Tất cả đều nằm trong toan tính của Nhật Bản.
Ở trận đấu này, tuyển Việt Nam chỉ để thủng lưới 1 bàn. HLV Park Hang Seo đã cải thiện được những hạn chế trước đó của hàng phòng ngự?
Hàng thủ đã chơi tốt hơn, không có vấn đề gì quá lớn. Tình huống nhận bàn thua xuất phát từ pha phản công quá nhanh với tốc độ quá tốt của Minamino. Pha căng ngang của cầu thủ này có tính sát thương cao. Đó là pha bóng mà tiền đạo không đá vào thì hậu vệ cũng phản lưới.
Ngoài ra, Junya Ito có tốc độ rất tốt. Tuy chạy sau Hồng Duy khá xa nhưng vẫn vượt ở điểm chạm cuối cùng. Điều này chứng tỏ độ rướn, thể chất của cầu thủ Nhật Bản vượt trội.
Trong khi đó, các sai sót cá nhân được hạn chế nhưng cách kiểm soát bóng lại chưa tốt. Khi tiền vệ cầm bóng, chúng ta không có phương án pressing nên bị họ lấy bóng hết.
Nhìn tổng thể, theo ông, tuyển Việt Nam đã làm được gì từ trận đấu này?
Đá với Nhật, tất nhiên, khó khăn luôn đến với chúng ta vì mình yếu hơn hẳn họ. Họ hơn chúng ta nhiều thứ, kể cả những yếu tố đơn thuần là thể hình, thể chất. Họ tiếp cận bóng đá hiện đại lâu rồi, chơi với các nước châu Âu lâu rồi nên đá được với họ như thế là tốt.
Nhật Bản không có nhiều cơ hội, không phải vì Nhật Bản không hay mà vì kỷ luật, chiến thuật của Việt Nam tốt. Các cầu thủ chịu khó di chuyển để kèm người, sơ đồ chiến thuật phòng ngự tốt nên cơ hội của Nhật Bản ít đi. Tuyển Việt Nam chơi như vậy là được.
Thế còn hạn chế thì sao, thưa ông?
Khi gặp các đối thủ mạnh hơn, như sắp tới gặp Saudi Arabia, họ sẽ áp đặt lối chơi lên mình. Điều này gần như chắc chắn vì họ hơn về thể lực, thể chất, kinh nghiệm, cách triển khai lối chơi và hơn về đẳng cấp nên họ sẽ có kế hoạch để giành chiến thắng. Họ xác định Việt Nam là đội yếu nhất để kiếm điểm.
Do đó, các cầu thủ cần có sự chuẩn bị về khả năng thoát pressing trước đội bóng đẳng cấp hơn. Các cầu thủ nên xem lại nhiều băng ghi hình để rút ra kinh nghiệm từ các pha xử lý với bóng khi bị đối phương chơi áp sát.
Chúng ta vỡ ra nhiều điều ở vòng loại này. Khi đá với các đội ở Đông Nam Á, chúng ta ít nhìn thấy lỗi vì họ không áp đặt được mình. Khi gặp các đội chơi được thứ bóng đá đó, các lỗi xuất hiện và từ đó, chúng ta nhìn vào để sửa chữa. Gặp các đối thủ hàng đầu châu Á là cơ hội quý giá của bóng đá Việt Nam để rút ra bài học cho riêng mình.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Văn Sỹ Hùng từng khoác áo tuyển Việt Nam thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước. Ông thuộc thế hệ Vàng của bóng đá Việt Nam cùng những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hồng Sơn, Đức Thắng, Hữu Thắng,… Hiện tại, cựu tiền đạo sinh năm 1969 giữ vai trò quản lý ở CLB SLNA.
Bình Luận