SEA Games 31 diễn ra trên nhiều địa phương ở khu vực phía Bắc. Từng địa phương đăng cai sẽ có cơ hội phát triển hệ thống cơ sở vật chất nhằm thực hiện chiến lược sau này. Điều dễ thấy nhất chính là hệ thống nhà thi đấu, SVĐ và công trình giao thông được chỉnh trang, nâng cấp và đầu tư xây dựng nhằm phục vụ SEA Games. Chính những công trình ấy sẽ mang đến sức bật cho chiến lược phát triển của từng địa phương sau này.
Hãy nói về Phú Thọ, nơi đăng cai bảng đấu của U23 Việt Nam tại SEA Games 31. Trên bản đồ bóng đá Việt Nam, Phú Thọ không phải là cái tên đầy quyền lực. Thậm chí, những người yêu bóng đá Việt Nam chỉ thực sự biết địa phương này có một SVĐ bề thế khi các đội tuyển chọn Phú Thọ làm nơi tập huấn, thi đấu giao hữu. Và cũng nhờ cảm hứng từ đội tuyển mà đội bóng hạng Nhất của địa phương này mới xuất hiện.
Với người dân Phú Thọ, bóng đá thực sự là một cây cầu giúp họ hội nhập với làng bóng đá Việt Nam một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Và giờ thì cả nước đều hướng về sân vận động Việt Trì, nơi U23 Việt Nam thực hiện hành trình chinh phục tấm HCV SEA Games 31. Thậm chí, người ta còn quan tâm đến những địa phương mà U23 Việt Nam hay các đối thủ tập luyện.
Đó thật sự là một kênh quảng bá hữu hiệu với tên miền của địa phương. Và tới đây thôi, khi mọi con đường đều dẫn giới mộ điệu Việt Nam và khu vực đến với Phú Thọ thì đó là một cơ hội lớn để người dân nơi đây thực hiện chiến lược phát triển của mình.
Tổ chức một sự kiện bóng đá không chỉ là đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân mà nó sẽ mang đến rất nhiều động lực để phát triển. Từ cơ sở hạ tầng đến môi trường kinh doanh đều có cơ hội để làm mới mình, đón gió phát triển.
Nhưng trước mắt, điều mà Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung cần phải làm là phải tổ chức một SEA Games an toàn, mến khách và cao thượng để bạn bè quốc tế thấy về một Việt Nam năng động, thân thiện, vươn mình. Chúng ta phải tổ chức một SEA Games khác. Một SEA Games công bằng, chất lượng và thúc đẩy sự phát triển của ngôi nhà thể thao ĐNÁ.
Bình Luận