Vạn sự khởi đầu nan
Ngay sau trận thắng 1-0 dưới sự kỳ vọng trước đối thủ rất yếu là U23 Đài Bắc Trung Hoa, U23 Việt Nam thế hệ 1999 – 2001 vấp phải sự chỉ trích không nhỏ của một bộ phận giới mộ điệu. Nghiệt ngã hơn, nhiều quan điểm đã so sánh thế hệ này không bằng lứa cầu thủ Quang Hải, Công Phượng đã tạo nên thành công với ngôi á quân VCK U23 châu Á cách đây 3 năm về trước.
Nhưng nên nhớ rằng, trước khi VCK U23 châu Á 2018 diễn ra, chính lứa cầu thủ kết hợp bởi thế hệ 1995 – 1997 và 1997 - 1999 cũng đã trải qua nhiều gian truân trước khi đi đến thành công tại U23 châu Á và ASIAD trong năm 2018. Điển hình nhất chính là thất bại tại SEA Games 2017. Khi đó, lứa cầu thủ kể trên cũng rất được kỳ vọng sẽ có thể giúp U22 Việt Nam chinh phục tấm huy chương vàng SEA Games. Nhưng trận thua nghiệt ngã 0-3 trước Thái Lan đã khiến Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng.
Nói như thế để thấy rằng chặng khởi đầu của một thế hệ bao giờ cũng chất đầy những khó khăn. Và hơn lúc nào hết, các cầu thủ U23 Việt Nam thế hệ này cần sự cảm thông, chung lòng của người hâm mộ, thay vì sự so sánh thiệt hơn với lứa đàn anh vốn dĩ đã quá thành công trước đó.
Chờ thời cơ trong tương lai
Thực tế, U23 Việt Nam thế hệ 1999 - 2001 thiệt thòi hơn các đàn anh trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2022. Dịch Covid-19 khiến cho kế hoạch ra nước ngoài tập huấn trong năm 2020 và phần lớn năm 2021 của U23 Việt Nam bị dang dở. Phải đến tận tháng 10, U23 Việt Nam lứa này mới có thể được sang UAE tập huấn và có 2 trận giao hữu quốc tế gặp U23 Kyrgyzstan và U23 Tajikistan.
Ngoài ra, cũng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, V.League 2020 và 2021 buộc phải thu ngắn số lượng vòng đấu và trận đấu. Với tính chất khốc liệt của giải đấu, các CLB cũng không thể trao nhiều cơ hội cho các cầu thủ trẻ. Vô hình trung, số lượng cầu thủ U23 Việt Nam được thi đấu thường xuyên ở V.League trong 2 năm qua chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể kể đến lác đác những cái tên như Hai Long, Việt Anh, Thanh Bình, Văn Toản, Xuân Quyết, Việt Cường, Bảo Toàn, Văn Công hay Hoàng Anh là được thi đấu từ 18 trận trở lên trong 2 mùa giải vừa rồi.
Trong khi đó, lứa cầu thủ 1995 - 1997 và 1997 - 1999 đã được va vấp với V.League từ rất sớm. Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn đều đá liên tục cũng từ mốc 18 trận trở lên ngay ở V.League 2015 - mùa giải đầu tiên họ chơi ở V.League trong sự nghiệp. Tiếp sau đó, thế hệ 1997 - 1999 với đại diện tiêu biểu Quang Hải, Tiến Linh, Đình Trọng cũng được trao cơ hội để ra sân thường xuyên ở V.League 2016, trong màu áo các CLB như Hà Nội FC, B.Bình Dương hay Sài Gòn FC lúc bấy giờ.
Nói như vậy để ngay sau vòng loại U23 châu Á 2022 này, VFF, VPF cùng các CLB nên tìm ra phương án phù hợp để tăng cường số trận đấu cho các cầu thủ U23 Việt Nam hiện tại. Bởi có như vậy, sự trưởng thành, bản lĩnh, trình độ của những tài năng trẻ hiện nay mới có cơ hội được tích luỹ và tăng lên theo thời gian.
Suy cho cùng, quá trình này của U23 Việt Nam vẫn mới dừng lại ở mức độ mài giũa ngọc thô. Những vấp ngã, những sai số sẽ là cơ hội để các cầu thủ nhận thấy lỗ hổng trong trình độ để có thể tiến lên trong tương lai. Nhất là khi năm 2022 chứng kiến hàng loạt giải đấu lớn của U23 Việt Nam, từ SEA Games, U23 châu Á đến ASIAD.
Bình Luận