Từ dấu ấn của U23 Việt Nam
Kể từ khi giải U23 châu Á được tổ chức, Thái Lan, Việt Nam và Australia là 3 đại diện của ĐNÁ thường xuyên góp mặt ở VCK. Trong đó, Australia tham dự nhiều nhất với 4 lần, còn Việt Nam và Thái Lan đều góp mặt 3 lần. Malaysia và Myanmar cùng dự VCK một lần. Bất ngờ nhất là Indonesia chưa một lần tiến vào VCK, dù đây là “nền bóng đá lớn” của khu vực.
Vượt qua vòng loại trong cả 3 lần tham dự gần nhất, U23 Việt Nam cũng là đội bóng của ĐNÁ có thành tích cao nhất với vị trí á quân ở VCK U23 châu Á 2018. Theo sau là Australia với vị trí thứ ba ở giải đấu năm 2020. Hơn hết, thành tích vượt cả mong đợi của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á 2018 được coi là động lực để các đội bóng ở ĐNÁ, vốn bị đánh giá yếu nhất ở châu Á, nỗ lực và tự tin hơn khi tham dự các sân chơi châu lục.
Ba năm trước, HLV Park Hang Seo đã sở hữu một lứa cầu thủ tài năng để tạo nên chiến tích vang dội ấy. Không thể phủ nhận, việc được so tài với những tài năng trẻ hàng đầu châu lục đã giúp các cầu thủ trẻ Việt Nam tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích, qua đó trưởng thành nhanh chóng hơn cả về chuyên môn lẫn tinh thần thi đấu. Thành tích ấn tượng của ĐT Việt Nam ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 và những màn trình diễn khá tốt ở vòng loại cuối trước những đối thủ có trình độ chuyên môn vượt trội có sự kết tinh của những lần chinh chiến ở VCK U23 châu Á 2018.
Vẫn sẽ là “gương mặt thân quen”?
Thành tích của U23 Việt Nam sẽ là động lực cho chính đội bóng của chúng ta cũng như các đại diện khác trong khu vực hướng đến vòng loại U23 châu Á 2022 với khát khao lớn. Tuy nhiên, muốn tạo đột biến về thành tích, bóng đá ĐNÁ cần phải đột phá trong công tác đào tạo trẻ. Trên phương diện này, chưa có thay đổi mạnh mẽ ở nhiều nước nên nhiều đại diện ĐNÁ không nhiều hy vọng giành vé dự VCK U23 châu Á 2022.
Ngoại trừ Brunei rút lui, 11 đội thuộc 11 liên đoàn thành viên còn lại của ĐNÁ đều dự vòng loại. Theo điều lệ, 11 đội đứng đầu 11 bảng cùng 4 đội đứng nhì có thành tích tốt nhất sẽ dự VCK bên cạnh chủ nhà Uzbekistan. 11 đội ở ĐNÁ được phân bổ ở 5 bảng. Nếu thi đấu tốt để chiếm ngôi đầu sau vòng loại, khu vực này sẽ có ít nhất 5 đội dự VCK. Nhưng khả năng Singapore, Philippines hay Timor Teste lật đổ Hàn Quốc ở bảng H là rất khó. Tương tự, cơ hội để Campuchia vượt mặt Nhật Bản để đứng đầu bảng K là không tưởng dù chiều qua, họ khởi đầu hết sức thuận lợi với chiến thắng 4-2 trước Hong Kong. Có chăng, các đại diện của ĐNÁ rơi vào 2 bảng này chỉ trông chờ vào suất vớt (nhưng không cao).
Khi không phải đối đầu đối thủ có trình độ vượt trội, các đại diện của ĐNÁ phải “nội chiến” với nhau. Nói thế là bởi, các bảng G (gồm Australia, Indonesia), I (Việt Nam, Myanmar và Đài Bắc Trung Hoa) và J (Thái Lan, Malaysia, Mông Cổ và Lào) gồm phần lớn là các đội trong cùng khu vực. Đây cũng là 3 bảng được kỳ vọng sẽ có ít nhất 3 đội ở ĐNÁ giành quyền dự VCK. Có thể thấy, những đội có “thâm niên” ở VCK như Australia, Việt Nam hay Thái Lan vẫn được đánh giá sáng cửa đi tiếp nhất.
U23 Việt Nam đương đầu với thời tiết lạnh 6oC
Buổi tập thứ ba của U23 Việt Nam diễn ra trong gần 2 giờ đồng hồ. Với nhiệt độ giảm xuống 6oC, tuyết đã rơi nhẹ tại Bishkek vào buổi sáng, rồi chuyển thành mưa nhỏ do nền nhiệt tăng dần. Buổi chiều, trời vẫn lác đác mưa nhưng không ảnh hưởng đến kế hoạch của tập luyện của đội. Mặc dù vậy, nhiệt độ thấp và độ ẩm tăng cao tạo ra cảm giác lạnh buốt khó chịu.
Trong buổi tập hôm qua, HLV Park Hang Seo đã dành nội dung trọng tâm cho các bài phối hợp tấn công và dứt điểm cầu môn. Ông thầy người Hàn Quốc đặc biệt kỹ tính và đưa ra những yêu cầu rất cao với các học trò. Trước sự nghiêm khắc của thầy Park, các cầu thủ buộc phải chuyên tâm vào bài tập, không một chút sao nhãng. Đây cũng là thời điểm U23 Việt Nam đẩy cao khối lượng nhằm “ép xung” cho các cầu thủ, trước khi giảm nhịp để tạo điểm rơi tốt nhất cho trận ra quân gặp U23 Đài Bắc Trung Hoa, diễn ra vào ngày 27/10 tới.
Bình Luận