Cần phải nhắc lại, U23 Uzbekistan đã không tung vào sân những cầu thủ tấn công tốt nhất như Kholmaytov, Erkinov hay “thần đồng” Fayzullaev, nhưng họ vẫn dễ dàng đẩy hàng phòng ngự của U23 Việt Nam vào thế chống đỡ. Quá nhiều sai số đã hiện diện trong cách phòng ngự và nó đều đến từ việc các các nhân thiếu thông tin cũng như hợp đồng tác chiến. Bàn thua đầu ở phút thứ 4 bắt nguồn từ việc các cầu thủ Việt Nam đứng sai vị trí và chơi thiếu tập trung, để cho Alisher Odilov tự do nhận bóng rồi dứt điểm.
Những sai lầm trong hợp đồng tác chiến ở hàng phòng ngự tiếp tục khiến U23 Việt Nam phải trả giá. Lần này, Quang Thịnh đã mắc lỗi khi anh không phản ứng trong tình huống Ruslanbek Jiyanov thoát xuống phá bẫy việt vị trước khi sút tung lưới Văn Việt lần thứ 2. Không lâu sau đó, U23 Việt Nam tiếp tục bị sút tung lưới lần thứ 3. Lần này Duy Cương và Hồng Phúc đã không theo kèm để Alisher Odilov đánh đầu như chỗ không người.
Tất nhiên, những sai số ở hàng phòng ngự là điều khó có thể tránh khỏi bởi đối thủ đã chơi tấn công quá tốt. Thêm nữa, các cầu thủ phòng ngự phải chịu một sức ép rất lớn khi ở khu vực giữa sân, Đức Phú, Đức Việt và Thái Sơn không hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ. Chỉ khi đưa Văn Khang, Vĩ Hào, Văn Trường, Minh Khoa vào thay người, thế trận của U23 Việt Nam mới sáng lên đôi chút. Dù vậy, phải nhờ cột dọc cứu thua đến hai lần nếu không các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn ít nhất để thua đến 5 bàn.
Không phải đợi đến trận đấu cuối vòng bảng mới nhắc đến hệ thống phòng ngự và những sai số cá nhân. Chiếc thẻ đỏ của Ngọc Thắng ngay trận đầu gặp Kuwait đã được nhắc tới như một điển hình. Mạnh Hưng, người thay thế cho Ngọc Thắng trận gặp Malaysia cũng gặp những hạn chế, trong khi Duy Cương thiếu đi sự quyết đoán trong những tình huống cụ thể. Ổn nhất là Lê Nguyên Hoàng nhưng điều đó không đồng nghĩa cầu thủ trẻ này sẽ chơi tốt trước sức ép lớn trước một đối thủ lớn như Uzbekistan hay Iraq.
Có thể nói, nơi yếu nhất của U23 Việt Nam chính là nơi mạnh nhất của U23 Iraq. Đại diện đến từ tây Á là một trong 3 đội tấn công hay nhất giải khi ghi 6 bàn thắng, tức họ chỉ đứng sau Saudi Arabia và Uzbekistan (cùng có 10 bàn sau 3 trận). Các cầu thủ Iraq có cú sút trúng đích nhiều thứ ba sau vòng bảng (16 lần). Đáng lưu tâm, 2/6 bàn thắng được ghi trên chấm phạt đền. Phần nào đó cho thấy U23 Iraq cũng rất đáng sợ trong những pha tấn công ở trung lộ như U23 Uzbekistan, đối thủ đã cho ta quá nhiều bài học.
Nếu U23 Uzbekistan có Fayzullaev thì Iraq cũng có một “thần động” không thua kém đó là Ali Jasim, người từng làm khổ sở hàng phòng ngự ĐT Việt Nam tại vòng loại thứ 2 World Cup 2026. Cầu thủ này đã có 2 bàn thắng sau 6 cú đá trúng đích cho Iraq. Rõ ràng, hàng phòng ngự U23 Việt Nam phải khoá được “ngòi nổ” này. Để làm được điều đó, họ cần phải tỉnh táo trong việc theo kèm, tránh những động tác thừa vốn dĩ đã trở thành nỗi ám ảnh của CĐV Việt Nam.
Tóm lại, bệ phóng cho thành công trong trận tứ kết với U23 Iraq có thể là hàng phòng ngự. Ngoài điều chỉnh về chuyên môn, HLV Hoàng Anh Tuấn cũng cần chuẩn bị tốt tâm lý chiến để các học trò tránh những sai số như đã gặp phải ở 3 trận vòng bảng.
Bình Luận