Trợ lý Lê Huy Khoa: Cây cầu nối dài bóng đá Việt Nam và Hàn Quốc

HLV Park Hang Seo rất giỏi. Nhưng ông sẽ chẳng tài nào truyền tải ấy cái giỏi ấy cho cầu thủ Việt Nam nếu thiếu đi một con người. Đó là trợ lý phiên dịch Lê Huy Khoa.
Trợ lý Lê Huy Khoa: Cây cầu nối dài bóng đá Việt Nam và Hàn Quốc
Bằng tình yêu bóng đá, nhiệt huyết với bóng đá nội, anh Lê Huy Khoa đã vận dụng tất cả kinh nghiệm, vốn từ và cả đam mê để đưa bóng đá Hàn Quốc và Việt Nam xích lại gần nhau hơn. Thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á hơn nửa năm về trước có công lớn của Lê Huy Khoa. Một người truyền lửa. 

Lê Huy Khoa là ai? Trước khi đến với U23 Việt Nam trong vai trò phiên dịch ông là người thế nào? Hai câu hỏi rất cơ bản ấy vô tình trở thành cả một câu chuyện dài nói về cuộc đời và sự nghiệp học, dạy và làm bằng tiếng Hàn kéo dài 20 năm của anh. Hãy để anh Khoa tự kể về câu chuyện của cuộc đời mình… 

Tôi. Một thầy giáo. Một dịch giả
[…] Khoảng 20 năm về trước, tôi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội khoa tiếng Hoa và tiếng Anh. Cũng ở thời điểm đó, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ của Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào thị trường nước mình. Tôi đang bang khuâng nghĩ về câu chuyện sẽ đi làm gì giống như bao cử nhân khác sau khi cầm tấm bằng đại học ra thì cha tôi, một cựu du học sinh Việt Nam ở CHDCND Triều Tiên đã nói với tôi rằng: “Khoa. Con thử học thêm tiếng Hàn xem sao. Ta thấy nó khá là dễ. Dễ hơn tiếng Hoa con đã học mà cũng dễ hơn tiếng Anh nữa. Học thêm một ngoại ngữ, cũng tốt”. 

Có một chút miễn cưỡng trong tôi khi đó. Thực sự là lúc đấy tôi cũng không muốn mình lại tiếp tục học thêm một thứ ngoại ngữ nữa sau khi đã no nê với tiếng Anh và tiếng Hàn ở giảng đường đại học. Nhưng đúng là cuộc đời chẳng biết nhân duyên sẽ đi như thế nào nữa. 

Ở thời điểm đó, học tiếng Hàn rất vất vả. Trong nước không có trường đại học nào dạy ngoại ngữ đó. Muốn học, tôi phải ra nước ngoài, sang tận Hàn Quốc cơ. Nhưng kinh phí gia đình không đủ lớn để tôi có thể sang đó như một du học sinh Việt Nam. Gia đình tôi mới bảng rằng: “Thôi giờ thế này, hiện có một công ty Hàn Quốc đang đầu tư vào Việt Nam. Họ sẽ cử công nhân sang bên kia để lao động. Con biết tiếng Anh, sang đó làm quản lý”.


Nhưng thực sự sang bên đó tôi làm chết bỏ. Tôi vác contenner, đủ mọi thứ, làm thứ này thứ kia. Người Hàn Quốc không để cho mình chơi đâu. Tôi phải làm rất nhiều. Hồi đó tôi là sinh viên ra trường. Còn 40-50 người đi cùng tôi là người lao động. Họ thực sự có tay nghề. Tôi ở đó hơn 1 năm và kiếm được một khoản tương đối. Tôi nghĩ rằng nếu cứ thế này tôi sẽ chẳng thể học được tiếng Hàn một cách bài bản. Tôi trở về Việt Nam và đến đầu năm 1997, tôi sang Hàn Quốc để du học chính thức. 

Tôi tự học tiếng Hàn. Thời đó không có từ điển Hàn - Việt như bây giờ nên tôi phải tự học qua từ điển Anh – Hàn. Cách học đầu tiên là từ vựng trước. Dẫu sao, tôi học cả tiếng Anh và tiếng Hoa trước đó rồi nên tiếp thu nhanh lắm. Chỉ trong vòng 6 tháng tôi đọc đến đâu là hiểu đến đấy. Lúc đó, tôi chỉ biết học qua chữ thôi chứ không được học ngữ pháp, chẳng hiểu cái gì cả. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, giống như em bé học tiếng Việt, người ta nói mình cảm nhận dần dần và lĩnh hội. Dần dần sau đó, tôi có thể dịch và hiểu câu nói của mọi người. 

Tôi là người đi tiên phong trong lĩnh vực tiếng Hàn. Tôi là người đầu tiên viết cuốn từ điển Hàn – Việt. Tôi cũng là tác giả của gần 5 chục đầu sách tiếng Hàn. Tất cả những bạn nào học tiếng Hàn đều biết tôi. Tôi dịch sách, phim, truyện, rồi viết sách, rồi làm giáo viên. Các bạn biết đến tôi với hai tư cách. Một là thầy giáo. Hai là dịch giả. 
Tôi. Một trợ lý ngôn ngữ bóng đá 

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển. Suốt 20 năm qua, tôi dịch cho rất nhiều người, đặc biệt trong số đó là các chính khách. Nhưng dịch bóng đá làm tôi có một cảm giác rất khác. Khi nghe tin ông Park Hang Seo sang Việt Nam. Tôi đã quyết định thử ứng tuyển vị trí phiên dịch xem sao. Tuổi tôi năm nay cũng đã đầu 4 rồi. Nếu như không trải nghiệm thì e rằng sau này tôi không có cơ hội nữa. Tôi mạnh dạn đặt vấn đề và gửi lý lịch lên LĐBĐ Việt Nam trước khi bay ra Hà Nội để ông Park phỏng vấn trực tiếp. 

Nhưng những câu hỏi của ông Park làm tôi ngớ người. Thậm chí tôi còn phải hỏi ngược lại ông

- Ủa, ông chưa đọc lý lịch của tôi à?

- Tôi chưa cần đọc, tôi phỏng vấn trước. 


Ông Park không hỏi tôi chuyện chuyên môn. Ông hỏi tôi có hiểu gì về bóng đá không, đã học ở đâu, làm nơi nào, lương bao nhiêu, gia đình hiện thế nào,… Chủ yếu là toàn những thứ liên quan đến cuộc sống, con người. 

Rồi tôi được chọn làm trợ lý ngôn ngữ cho ông Park. Tuần đầu tiên nhận được tin đó, tôi háo hức, thậm chí không ngủ được. Dù xưa nay tôi đã dịch không biết bao nhiêu chính khách, doanh nhân nhưng việc làm trợ lý ngôn ngữ vẫn khiến tôi hồi hộp. Tôi đặt câu hỏi rằng: “Không biết dịch bóng đá có khác nhiều hay không nữa?”.

Và mọi thứ có thể xem là ngợp. Đó là một áp lực khủng khiếp. Ông Park là người làm việc vô cùng nghiêm túc, cần mẫn, chi tiết và nhiệt huyết. Ekip làm việc của Ban huấn luyện đội gồm 3 người. Bắt đầu buổi tập với phần khởi động, tôi sẽ hỗ trợ chuyên gia thể lực Bae Myung Ho. Phần thứ 2, đội tập về chiến thuật. Tôi hỗ trợ cho anh Lee Young Jin. Đến phần cuối khi đội tập về chiến thuật hay có những điểm mang tính quyết định, tôi sẽ dịch cho ông Park. 

Tôi nhớ những ngày đầu làm trên đội tuyển, tôi bị đói gần 3-4 ngày. Đội thường họp sau bữa ăn. Ăn xong là họp. Chiều nay đá cũng họp. Mai mới đá thì trưa nay cũng họp, họp liên tục. Ban đầu tôi ăn với các thành viên trong Ban huấn luyện của đội. Khi tôi ăn thì họ cũng nói rất nhiều. Tôi không thể ăn được vì phải dịch lại. Chính vì thế sau này tôi quyết định là xuống ăn cùng với cầu thủ. Khi tôi ăn được 1/3 hay một nửa bữa thì Ban huấn luyện mới xuống ăn. Lúc đó tôi ăn gần xong rồi. Họ có nói, họ có cần dịch thì tôi vẫn có thể vừa đáp ứng vừa ăn được. Chứ 1 tuần đầu tiên, tôi không ăn được gì luôn. 

Từ khi tập với đội tuyển đến bây giờ, cổ tôi có dấu hiệu khàn đi vì phải nói to và nói liên tục. Tôi còn nhớ khi sang Thường Châu (Trung Quốc), tôi có dấu hiệu bị cảm. Nó khiến tôi cảm thấy bất an. Bởi nếu tôi không ngồi chung với mọi người thì lấy ai dịch đây. Mà nếu ngồi chung thì tôi lại sợ lây lan với cho mọi người. Tôi thật sự lo và căng thẳng. Bởi nếu không có tôi, công việc sẽ giải quyết thế nào. Nhiều khi sáng dậy thấy mệt, chóng mặt, tôi có lúc cũng nghĩ nếu được nghỉ hôm nay thì tốt. Nhưng nếu mà tôi nghỉ thì hôm nay tập kiểu gì. Chính vì thế, tôi tự động viên mình phải cố gắng. 


Tôi. Máy nói của ông Park
Đến bây giờ, nhiều khi ông Park đang hiểu nhầm là tôi là một cái máy nói được cài sẵn ở miệng ông ý. Và khi ông ấy nói tiếng Hàn thì câu đó sẽ tự động được dịch trơn tru sang tiếng Việt. Nhiều khi ông không nói rằng là bên cạnh ông ý có một người phiên dịch. Ông không để ý đến mức độ như thế. Ông cứ nói, cứ nói và tự động câu nói ấy sẽ được truyền đạt. Ông ấy hiểu là tôi đang trong con người ông ý. Tôi gắn bó với ông Park mấy tháng trời cho nên khi ông mở miệng chuẩn bị nói gì là gần như tôi đã biết ông sẽ nói gì. 

Ngược lại, do làm việc quá lâu nên ông Park cũng đã hiểu cách dịch của tôi. Ông ấy hiểu tôi sẽ dịch thế nào. Thậm chí đến bây giờ, ông còn tinh đến mức là ông nói câu đó thì ông Khoa sẽ dịch trong bao nhiêu giây. Nên khi tôi chỉ dịch hơi dài một chút là ông Park ngắt. Dù không hiểu nhiều về tiếng Việt nhưng ông ấy đã cảm nhận được ngữ cảm hoặc cái cách diễn đạt của những người nói tiếng Việt. 

Quay trợ lại thời điểm mà tôi và ông Park mới làm việc với nhau. Ông Park lần đầu tiên ra nước ngoai. Ông cũng lần đầu tiên dẫn dắt một ĐTQG. Trước đó, ông cũng chưa từng tiếp xúc với nền bóng đá như chúng ta. Và tất nhiên vì thế, ông chưa bao giờ dùng phiên dịch. Chính vì thế mà đã có thời điểm cả hai không hiểu ý nhau. Chính tôi đã phải góp ý cho ông ấy: “Đây là công việc của tôi. Tôi là người dịch. Tôi đảm bảo chắc chắn rằng với nghề dịch, tôi giỏi hơn ông. Ngược lại, bóng đá ông giỏi hơn tôi.  Vậy thì ông làm thế nào để cho tôi phát huy tất cả kinh nghiệm dịch”. 

… Cảm xúc trong bóng đá cực kỳ quan trọng. Đối với tôi bây giờ, ở Thường Châu hay bất cứ nơi nào khác thôi thì mỗi khi đứng trước cầu thủ để dịch bất cứ cái gì, tôi vẫn luôn giữ được cảm xúc của mình như ban đầu. Thực sự tôi cũng rất căng thẳng. Vì trận đấu nào cũng thế, dù là giao hữu hay bất cứ ở đâu đi chăng nữa, khi đã vào trận đấu thì tất cả mọi người đều cảm thấy rạo rực, hồi hộp. Tôi là người trong cuộc. Tôi hiểu rằng mình cần phải truyền tải thế nào, dùng ngôn ngữ ra sao để là cầu nối giữa ông Park, giữa Ban huấn luyện với các cầu thủ. 


Có bữa sau khi đội tuyển Việt Nam trở về từ Jordan ở vòng loại Asian Cup 2019, tiền đạo Nguyễn Anh Đức đã gặp tôi và nói rằng:

- Anh Khoa, anh có thể cho em xin những câu nói của ông Park mà anh từng dịch hay không ? 

- Để làm gì ?

- Em cần cái đó để có thể phục vụ cho công việc. Về mặt kỹ chiến thuật thì em có. Nhưng cách làm tâm lý, cách diễn đạt như thầy Park thì chưa anh à.  

Ông Park là người khá tâm lý. Kể cả khi không hài lòng, thay vì chỉ trích, ông dặn cầu thủ. Ví dụ khi ông không hài lòng Công Phượng đá kiểu cứ rê sát người, không qua được Australia hay Tây Á. Ông nói với Phượng: "Phượng, đá mà dắt theo kiểu đó không qua được đâu. Muốn qua được họ thì hãy nói với cầu thủ chuyền bóng là đừng chuyền vào chân. Vì chuyến thế kiểu gì cũng lấy được. Phải chuyền qua, chuyền vào khoảng trống thì chạy lên thì kiểu gì cũng qua được".

Cầu thủ đá bóng bằng chân, bằng tư duy, bằng tay nhưng cảm xúc cũng đóng vai trò rất lớn. Khi họ thăng hoa thì đội đá kiểu gì cũng thắng. Nhưng khi cảm xúc xuống đáy rồi thì kiểu gì cũng thua. Tôi luôn chuẩn bị sẵn tâm lý như thế, rằng làm thế nào để chuẩn bị sẵn tâm lý của các em, kể cả tâm lý của ông Park. Vai trò của người phiên dịch quan trọng ở chỗ đó. Thực sự là không phải chỉ ở riêng Thường Châu mà tất cả những câu nói, những truyền đạt trong cuộc sống mà tôi thấy rằng nó mang lại cái tốt nhất cho cầu thủ thì tôi nghĩ mình phải nỗ lực hết sức mình. 
    Bình Luận