Nếu khi Dũng hay, em được truyền thông và cộng đồng mạng tôn lên làm người hùng, thì khi Dũng dở, em phải chấp nhận nhận những lời chỉ trích, cũng từ cộng đồng mạng. Hay khen, dở chê, đó là chuyện bình thường.
Hôm qua, đối mặt với quả treo bóng bổng khá vu vơ của U22 Indonesia, Dũng mắc lỗi, em đáng bị chê. Nếu chỉ là 1 lỗi nhỏ trong cả hành trình dài thì đó chỉ là thiếu may mắn và chẳng ai dám chỉ trích em cả. Nhưng khi tần suất Dũng khiến cả triệu người thót tim với những pha xử lý của mình ngày càng nhiều hơn, thì đó là lỗi hệ thống rồi.
Và tới lúc này, cổ động viên - những người trước đây có thể khen em hết lời - có quyền chỉ trích. Không có chuyện Dũng dở mà mọi người vẫn phải o bế em!
Từ hôm qua tới giờ, tôi đã đọc rất nhiều bài viết trên báo cũng như trên các mạng xã hội an ủi Dũng, rằng là ai chẳng có lúc mắc sai lầm, nào là hãy nhớ lại ai là người hùng Thường Châu, nào là các thủ môn thế giới cũng mắc lỗi đầy ra... Cái đấy đúng. Nhưng hãy nhớ lại là từ sau Thường Châu, đã bao nhiêu lần chúng ta dùng câu “ai chẳng có lúc mắc sai lầm” với Dũng rồi? Và kết quả là gì? Dũng có trưởng thành hơn không?
Dũng à, sông có khúc, người có lúc, ai cũng có lúc thăng rồi trầm. Nhưng quan trọng là ứng xử với thăng, với trầm như thế nào?! Cũng may, như em nói "em sai đã có đồng đội sửa" nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu lần khác, lần khác nữa, đồng đội không thể sửa?
Có lẽ, em nên đọc từng bài báo, từng bài viết, từng comment góp ý của fan. Bớt đọc những bài viết kiểu vuốt ve xoa dịu “ai chẳng có lúc mắc sai lầm”. Những người thân quen của em, gần gũi em, có lẽ cũng nên mắng cho em 1 trận thật rát mặt vào. “Mày bắt quả đấy như bò. May mà có đồng đội cứu không thì toang cả”.
Nên sòng phẳng với nhau như thế. Hãy đọc kỹ những lời chỉ trích, khắc nó vào lòng, rồi biến nó thành động lực để hoàn thiện mình hơn, Dũng nhé. Bản lĩnh hay không bản lĩnh là những lúc khó khăn thực sự như lúc này.
Chẳng ai lớn lên và trưởng thành chỉ bằng những lời vuốt ve cả.
Bình Luận