Trong một thập kỷ gần đây của V-League, CLB Hà Nội và Becamex Bình Dương là 2 đại diện nổi bật nhất, giành nhiếu thành tích nhất. Tuy nhiên, nếu nói đến bề dày lịch sử cùng truyền thống hào hùng thì họ chắc chắn không bằng được cái tên: Thể Công.
Nhắc đến Thể Công, đâu đó trong tiềm thức xưa cũ của những người hâm mộ bóng đá Việt Nam bất chợt thức giấc, cái tên mà đã quá lâu rồi họ không được nghe. Đó đã từng là một thế lực của bóng đá Việt Nam, nhưng lại bị khai tử vào năm 2009 bởi sự thay da đổi thịt của đời sống bóng đá khiến cho mô hình hoạt động của Thể Công không còn phù hợp.
Thành lập vào năm 1954 theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào lúc đó là Nguyễn Chí Thanh, đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội vốn được gọi nhiều bằng cái tên Thể Công là một phần lịch sử không thể tách rời của bóng đá Việt Nam. Nếu chúng ta từng mơ về những đội bóng tại Anh với lịch sử lâu đời cùng hàng loạt thế hệ cầu thủ, CĐV nối tiếp nhau, thì Thể Công chính là hình mẫu như vậy ở Việt Nam.
Thập niên 70, 80 đội bóng này sở hữu Vương Tiến Dũng, Vũ Mạnh Hải, Đỗ Mạnh Dũng hay đặc biệt là tiền đạo lừng danh Nguyễn Cao Cường. Thập niên 90 lại chứng kiến sự nở rộ các tài năng bóng đá là trụ cột trên ĐTQG: Trương Việt Hoàng, Đặng Phương Nam, Triệu Quang Hà và nổi bật nhất trong số đó phải kể đến Nguyễn Hồng Sơn - biệt danh Sơn "công chúa", với hình ảnh ăn mừng giơ tay chào đậm chất người lính.
Trong suốt lịch sử của mình, Thể Công vô địch 18 lần giải VĐQG (5 lần tại giải VĐQG khi Việt Nam thống nhất và 13 lần giải vô địch hạng A miền Bắc), điều mà chưa đội bóng nào hiện nay tới gần chứ đừng nói là làm được. Tuy nhiên chính tính chất đặc thù của đội bóng này khiến họ không thể tồn tại được sau năm 2009.
Thời điểm đó, các CLB tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi từ đội bóng của nhà nước sang mô hình cổ phần hóa bóng đá, thành lập doanh nghiệp cổ phần để sở hữu CLB, đây cũng là mô hình phát triển thể thao chuyên nghiệp trên toàn cầu. Đứng trước thách thức đó, lại là đội bóng trực thuộc Bộ Quốc phòng, Thể Công không thể nào tự chuyển đổi được.
Đến ngày 22-9-2009, Bộ Quốc phòng đã ký quyết định xóa tên Thể Công, phần lớn cầu thủ khi ấy chuyển về đầu quân cho Lam Sơn Thanh Hóa, chính thức khép lại một huyền thoại của bóng đá Việt Nam. Nhưng kết thúc đôi khi không phải là chấm dứt, mà nó để mở ra một kỷ nguyên mới của Thể Công, kỷ nguyên của sự chuyên nghiệp hóa.
Đội hai của Thể Công khi ấy được chuyển giao cho Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel quản lí và tham gia giải hạng Nhất quốc gia 2010 với tên gọi dưới tên gọi Trung tâm bóng đá Viettel, đây cũng là tiền đề để mùa tới cái tên Thể Công chuẩn bị được trở lại.
Hiện tại Viettel với sự chuẩn bị suốt 8 năm qua của mình, họ đã có trong tay một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu Việt Nam với hai sản phẩm tiêu biểu là Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Trọng Đại, đội một lại đang chơi rất ổn định tại giải hàng Nhất. Chỉ cần 3 điểm trước Bình Phước nữa thôi thì Viettel sẽ chắc chắn giành suất lên chơi tại V-League 2019.
Chủ quản đội bóng là Tập đoàn Viễn thông quân đội cũng đã cam kết là sẽ lấy lại cái tên Thể Công đầy hào hùng, khi đó người hâm mộ bóng đá sẽ lại chứng kiến "Cơn lốc đỏ" huyền thoại xuất hiện trở lại ở sân chơi cao nhất Việt Nam.
Bình Luận