"Các anh bên Long An có nhiều kinh nghiệm thi đấu, họ chơi tại V.league nhiều năm rồi nên rất nhiều tiểu xảo. Những tình huống tranh chấp họ thường ra tay rất nhanh. Bản thân cầu thủ trẻ như em thì không thể tránh kịp, nhưng em nghĩ trọng tài chính và các trọng tài biên đều nhìn thấy”, cầu thủ Nguyễn Đức Hoàng Minh bức xúc khi liên tục bị cầu thủ Long An chơi tiểu xảo.
Sinh năm 1998, Hoàng Minh là cầu thủ thuộc hàng trẻ nhất nhì của câu lạc bộ Viettel. Đây là mùa giải thứ 2, cầu thủ gốc Quảng Nam được đăng kí ở giải hạng Nhất và phải đến năm 2018, anh mới bắt đầu được sử dụng trong đội hình xuất phát.
Lần thứ 2 được đá chính trong trận đấu gặp Long An, Hoàng Minh thi đấu năng nổ và là mũi tấn công nguy hiểm bên cánh phải của đội chủ nhà. Tuy nhiên, đó cũng là lý do khiến cầu thủ 20 tuổi trở thành mục tiêu chăm sóc của các hậu vệ dày dạn kinh nghiệm của Long An.
Môi trường bóng đá chuyên nghiệp có lẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều những giải trẻ mà các cầu thủ như Hoàng Minh từng trải qua. Kinh nghiệm của một đội bóng nhiều năm đá V.League như Long An đôi khi không phải là sự vượt trội về trình độ mà chính là sự tinh quái, những pha bóng tiểu xảo và sẵn sàng cho các đàn em “ăn đòn”.
Trợ lý HLV Đặng Phương Nam của CLB Viettel cho biết: “Với những cầu thủ trẻ như Hoàng Minh thì không gì tốt hơn là những trận đấu thực sự , họ được va chạm và sẽ vỡ ra nhiều điều khi thi đấu”.
Những gì HLV Phương Nam chia sẻ rất đúng với thực trạng hiện nay và Hoàng Minh cũng nên cảm thấy may mắn khi không phải nhận pha vào bóng nguy hiểm và sớm kết thúc trận đấu trên bàn mổ như người đồng đội Dương Văn Hào.
Chỉ cần tận mắt chứng kiến pha bóng đó, Hoàng Minh đã cảm thấy ám ảnh : “Cả đội đều ám ảnh khi chứng kiến pha bóng đó. Em rất bức xúc với cách đá của đội bạn, họ đá quá bạo lực và không hề biết giữ chân cho các đồng nghiệp”.
Câu chuyện của Nguyễn Đức Hoàng Minh, Dương Văn Hào và các đồng đội tại CLB Viettel có lẽ cũng là câu chuyện chung của rất nhiều những cầu thủ trẻ bắt đầu bước vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Cổ động viên, giới chuyên môn và những người điều hành giải đấu liên tục kêu gọi bảo vệ đôi chân cho cầu thủ, đặc biệt là các tài năng trẻ. Nhưng không biết từ khi nào, bóng đá Việt Nam coi việc “ăn đòn nhiều mới nhớ” là bài học cho các cầu thủ trẻ.
Còn các đội bóng “già dơ” coi việc chơi tiểu xảo là cách thể hiện bản lĩnh với đàn em. Bóng đá Việt rồi sẽ thế nào, khi những tài năng trẻ thay vì nỗ lực hết mình thể hiện năng lực chuyên môn lại phải chạy theo những bài học về tiểu xảo để “né đòn hiểm”, nếu không muốn nhận cái kết như của Dương Văn Hào?
Bình Luận