Trao đổi sau cuộc họp kỹ thuật Giải Bóng đá nữ công nhân - viên chức LĐLĐ TP HCM 2018, ông Phạm Anh Tuy, Trưởng Phòng TDTT Cung Văn hóa Lao động TP HCM, cho biết không nghĩ số lượng đội bóng tham dự giải lại đông đến vậy. Con số 31 đội được chốt trước buổi lễ bốc thăm, nếu không thì giải đấu dành cho các đội bóng nữ thuộc LĐLĐ quận - huyện, các cơ sở Công đoàn trực thuộc vẫn còn tăng lên đáng kể, vượt ngoài dự đoán của những nhà tổ chức.
Chơi bóng nghiệp dư để thỏa mãn sở thích là chọn lựa của nhiều nữ sinh viên, nhân viên văn phòng khi quỹ thời gian dành cho giải trí, thư giãn của họ tương đối hạn hẹp và như một mạch sóng ngầm lan tỏa, bóng đá "phủi" nữ Sài thành đang phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Nếu như bóng đá "phủi" của nam gắn liền với các yếu tố tốc độ, kỹ thuật và cả sự phóng khoáng đặc trưng thì ở các trận đấu của nữ, sự thành thục trong từng động tác đi bóng, dứt điểm luôn nhận được nhiều tràng pháo tay khen ngợi, cổ vũ của đông đảo người xem. Mỗi chiều cuối tuần, nếu rảo bước đến các cụm sân Thảo Điền (quận 2) hay Chảo Lửa (quận Tân Bình), "thánh địa" của bóng đá "phủi" nữ, bạn có thể được chứng kiến các giải đấu quy mô cấp tứ hùng cho đến cấp độ cúp với hàng chục đội tham dự, chia bảng đấu vòng tròn và loại dần từ tứ kết đến bán kết, chung kết.
Xen kẽ giữa những cuộc đối đầu thực sự đậm chất giao hữu khi cầu thủ hầu như chỉ biết chạm bóng, không chuyền nổi một đường bóng dài độ chục mét và đôi bên gần như xáp vào nhau ở mỗi tình huống bóng, là những trận cầu nảy lửa khi cầu thủ đôi bên đa phần xuất thân từ các tuyến năng khiếu, dự tuyển thành phố và không thiếu các cựu tuyển thủ quốc gia nhiều thời kỳ.
Nhiều khán giả đã quen thuộc với các pha dốc bóng tốc độ, dứt điểm còn đậm dấu ấn kỹ thuật của Kim Phụng, đồng đội một thời của Kim Hồng, Lưu Ngọc Mai, Mỹ Oanh, Hiền Lương… ở đội tuyển quốc gia thời chinh phục HCĐ SEA Games 1997. Kim Phụng chọn đầu quân từ hai năm nay cho GNOTE, một CLB trình độ bán chuyên đủ sức tham dự các giải cấp thành phố thì Trương Ngọc Mai, cựu đội trưởng đầu tiên của đội tuyển Việt Nam, hiện là cố vấn kiêm HLV cho APG Team, đội bóng tập hợp các cựu tu nghiệp sinh Anh Quốc, chiêu mộ thêm các cầu thủ là kiểm toán viên, nhân viên ngân hàng và cả các nữ giáo viên nước ngoài đang làm việc tại thành phố. Một cựu tuyển thủ khác là Phương Loan sau những giờ đứng lớp bóng đá, cũng sẵn sàng xỏ giày ra sân theo yêu cầu của các đội, miễn là vui.
Cũng là một dạng nhân viên văn phòng, giới nữ phóng viên sau những chuyến tác nghiệp cũng tập hợp lại, mỗi tuần tập luyện 1-2 buổi và thường xuyên tham dự các giải đấu do Hội Nhà báo TP HCM hay các cơ quan khối Dân - Chính - Đảng thành phố tổ chức vào dịp lễ 8-3, 21-6, 20-10 hoặc liên hoan tất niên hằng năm. Lực lượng này đóng góp một phần đáng kể vào nhịp sinh hoạt sôi động của bóng đá phong trào nữ TP HCM, bên cạnh nhiều đội bóng được đánh giá cao như đội UBND TP HCM, Cục Thi hành án dân sự, Công ty Cấp thoát nước TP HCM, Nhà Văn hóa Thanh niên…
Nếu như các đội bóng "phủi" của nam thường gắn với những ông bầu, sẵn sàng chi lương tháng cho cầu thủ và đổi lại là tiền thưởng cao ngất của các giải đấu đã vang danh từ Nam ra Bắc như Giải futsal phong trào Bia Sài Gòn thì ở các đội bóng nữ, các thành viên thường phải bỏ tiền túi để thuê sân, uống nước, mua sắm đồng phục thi đấu. Ngay cả ở đội bóng nổi tiếng GNOTE, cầu thủ cũng không được đài thọ các khoản chi phí dù thường xuyên "ẵm" giải thưởng. Đổi lại, họ được huấn luyện bài bản, thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện nhằm mở mang "địa bàn hoạt động".
GNOTE tổ chức giải dành cho các cầu thủ có đẳng cấp thì APG Team cũng chẳng chịu kém. Chỉ trong vòng hai năm, ê-kíp này đã tổ chức hai giải đấu phong trào lớn, có sự tham gia của các ngoại binh. Không chỉ vậy, APG Team đang lên kế hoạch tổ chức một giải đấu "phủi" theo thể thức League với 12 đội tham dự, bao gồm cả cầu thủ chuyên nghiệp lẫn cầu thủ ngoại, thi đấu vòng tròn hai lượt đi - về trong vòng 4 tháng, quy mô không kém giải chuyên nghiệp V-League. Chi phí tham dự giải của các đội được "bù đắp" bằng việc mua sắm với giá ưu đãi các mặt hàng của nhà tài trợ, cầu thủ được tăng cường theo từng vòng đấu miễn là một người chỉ được khoác áo một đội suốt giải, đội nào thiếu người với lý do đi công tác, đau ốm thì BTC sẽ chủ động giới thiệu cầu thủ tự do để tăng cường.
Ông Phan Lê Tuấn, người chịu trách nhiệm tổ chức giải bóng đá nữ của CLB Phóng viên thể thao TP HCM, luôn mơ đến một cuộc giao lưu bóng đá nữ phóng viên ba miền Bắc - Trung - Nam và xa hơn, các giải phong trào quy mô dành cho các cầu thủ nữ không chuyên toàn thành phố hoặc cả nước, "lãnh địa" mà LĐBĐ Việt Nam hay LĐBĐ TP HCM chưa một lần chạm đến.
Bình Luận