Bản quyền truyền hình V-League vẫn khó bán

Tân Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chạnh lòng khi nhiều nhà đài thờ ơ với việc mua bản quyền truyền hình của V-League 2018.

Những tưởng sau thành công của lứa U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018, V-League 2018 sẽ nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần đầy hứa hẹn trên sóng truyền hình thì thực tế, theo tân chủ tịch Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - ông Trần Anh Tú, việc đi chào bán bản quyền truyền hình (BQTH) cho các nhà đài không hề dễ dàng.

Chia sẻ cùng báo chí, ông Tú bày tỏ sự trăn trở: "Tôi đi chào mời các đài truyền hình thì họ lắc đầu nguây nguẩy. Các đài họ nói giải đấu như thế thì làm sao đòi được BQTH giá cao. Vì vậy, tôi và những người làm giải cần thay đổi tư duy. Tất cả phải cùng giúp cho giải tốt lên, có giá trị, bán được tiền. Trước tiên, hình ảnh bóng đá Việt Nam được tốt lên, sau đó là vấn đề vật chất, chúng ta có tiền".

Sự lo lắng của tân chủ tịch VPF cũng là điều dễ hiểu bởi trải qua nhiều năm, trước và sau khi VPF được thành lập để điều hành V-League, giải đấu vẫn chưa thực sự kiếm được tiền từ BQTH. Năm 2005, BQTH V-League bắt đầu được chào bán. Tuy nhiên, thời điểm đó giá trị hợp đồng giữa VFF và VTV cực thấp, gần như là tượng trưng, được phân chia theo tỉ lệ 55% - 35% - 15% (VFF - chủ nhà - đội khách). Cuối năm 2010, VFF bán BQTH V-League cho AVG với bản hợp đồng có thời hạn 10 năm. Giá mùa 2011 là 6 tỉ đồng, mỗi năm tăng 10% lũy tiến. Số tiền trên được chia theo tỉ lệ 40% - 40% - 20%.

Bản quyền truyền hình V-League vẫn khó bán - Bóng Đá

 Các đài truyền hình tác nghiệp tại một trận đấu ở V-League 2017. Ảnh: Quang Liêm.

Nhưng ngay trong năm 2011, VPF được thành lập từ ý tưởng của bầu Kiên. Công ty này đã lấy lại hợp đồng BQTH V-League. Khi nhận quyền chuyển giao từ AVG, VPF cam kết sẽ khai thác được tối thiểu 50 tỉ đồng mỗi năm từ BQTH. Thậm chí, họ còn hướng đến đích 100 tỉ đồng ở năm 2013 và 300 hay 500 tỉ đồng vào những năm sau nữa khi mời được nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam vào "Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam". Đáng tiếc, kế hoạch trên thực hiện chưa được bao lâu thì đổ bể vì bầu Kiên vướng vòng lao lý. Hội đồng bảo trợ tan vỡ và kế hoạch kiếm hàng trăm tỉ đồng từ BQTH mỗi mùa V-League đi vào ngõ cụt.

VPF suốt thời gian qua phải xoay xở khá khó khăn trong chuyện kiếm tiền. BQTH V-League hiện được bán rộng rãi cho các đài, với ưu tiên số một là VTV. Đặc biệt, không giống như Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga... tiền bán BQTH V-League không được thu bằng tiền mặt mà được thanh toán theo phương thức "hàng đổi hàng". Các nhà đài tường thuật các trận đấu của giải bóng đá số một Việt Nam sẽ phải đổi cho VPF 15 phút quảng cáo, trước, giữa và sau mỗi trận đấu.

"Theo luật, VPF được dùng 15 phút quảng cáo này để bán cả cho các doanh nghiệp không tài trợ cho giải đấu để lấy kinh phí. Tuy nhiên, hiện tại VPF chưa thực hiện cách làm này. VPF mới chỉ dùng để phát quảng cáo cho các doanh nghiệp có tài trợ cho giải bởi muốn tạo sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và V-League" - một lãnh đạo VPF nhiệm kỳ trước cho biết.

Câu chuyện BQTH nếu không được giải quyết từ gốc rễ, tức phải nâng cao chất lượng trọng tài, khuyến khích bóng đá đẹp, đẩy lùi nạn bạo lực sân cỏ…, thì mục tiêu 1-2 năm nữa bán được BQTH V-League vẫn sẽ giẫm chân tại chỗ…

Nguồn: NLD.com.vn
    Bình Luận