Sai sót của trọng tài sau 4 lượt trận V-League 2022 chưa tạo ra những bê bối lớn nhưng nó vẫn mang tới các dấu hiệu báo động. Ở trận CLB Viettel gặp Hà Tĩnh tại vòng 5 vừa qua, sai lầm của trợ lý Ngô Quốc Toản là nghiêm trọng nhưng may mắn không ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Sự cố của ông Toản cho thấy dù không phải trọng tài chính, vai trò của các trợ lý trong trận đấu vẫn là rất lớn.
Trong khi các trọng tài đang làm việc tương đối hiệu quả thì các trợ lý trọng tài bắt đầu để lại nhiều tranh cãi hơn so với những mùa giải trước. Trong nhiều tình huống, để đảm bảo an toàn, họ không dám góp ý, "đè còi" trọng tài. Họ nhiều lần im lặng cho qua trước những pha bóng "năm ăn năm thua". Lựa chọn an toàn của họ đang trở thành vấn đề mới của công tác cầm còi mùa này.
Sai sót của trợ lý trọng tài
Ví dụ mới nhất cho sai lầm của các trợ lý đến ngay cuối tuần qua. Thật khó tin khi trợ lý Quốc Toản ở góc quan sát ngang, lại không phát hiện được Geovane Magno việt vị gần 2 m. Tình huống này diễn ra ở phút 75 trong trận CLB Viettel thua 0-1 trước Hà Tĩnh ở vòng 5 V-League 2022 hôm 4/7. Ông Toản trong tình huống này mắc hai lỗi, thứ nhất là không phát hiện Geovane việt vị, thứ hai là không phát hiện bóng đã đi qua lưới. Điều may mắn là sai lầm đó không làm thay đổi thất bại của CLB Viettel trước Hà Tĩnh.
Sau gần 15 tuần giải tạm dừng, sai sót của trợ lý Quốc Toản khơi lại vấn đề nan giải xuất hiện trong công tác trọng tài. Đây không phải lần đầu tiên các trợ lý có sai lầm nghiêm trọng ở V-League 2022.
Ở trận đấu giữa CLB Bình Dương với Hải Phòng tối 14/3, vai trò của trợ lý trọng tài Nguyễn Thành Trung không thua kém trọng tài chính Mai Xuân Hùng ở tình huống dẫn đến phạt đền cho đội chủ nhà. Ở góc quan sát ngang, vị trí có thể đánh giá khoảng cách với vạch sơn vùng cấm địa tốt hơn, ông đã không góp ý khi trọng tài thổi phạt đền.
Điều này được Trưởng ban Trọng tài Dương Văn Hiền khẳng định với Zing trong cuộc trao đổi sáng 14/3: "Trọng tài ở quá xa lại chạy theo trục dọc nên phán đoán không tốt. Trợ lý trọng tài một hỗ trợ không tốt cho trọng tài chính trong tình huống này".
Trọng tài Mai Xuân Hùng cắt còi rất gắt sau pha phạm lỗi và đồng thời đưa ra quyết định thổi phạt đền ngay tức thì. Trước đó, ông Hùng xuất phát trễ, cách pha tranh chấp khoảng 22 m và có góc nhìn dọc. Góc quan sát dọc này khiến ông khó đánh giá đúng điểm phạm lỗi nhưng trọng tài này vẫn ra quyết định rất nhanh.
Ngược lại, trợ lý Nguyễn Thành Trung có góc quan sát đẹp lại không đưa ra được sự hỗ trợ cần thiết cho trọng tài. Hai điều đó hợp lại đã dẫn tới quả phạt đền tranh cãi.
Khu vực cấm địa luôn là điểm tập trung các tình nhạy cảm, ảnh hưởng đến trận đấu. Trợ lý được xem là cặp mắt thứ hai của trọng tài. Không phải tự nhiên mà Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) thay đổi danh xưng "trọng tài biên" thành "trợ lý trọng tài" nhằm đề cao hơn vai trò của những người cầm lá cờ vàng - cam.
Thông thường trước mỗi trận đấu, khi tổ trọng tài có lịch được phân công, họ có ít nhất hai ngày chuẩn bị. Ngoài chuyên môn trên sân, tổ trọng tài còn phải có khả năng tương tác với nhau. Họ phải giúp đỡ nhau để cùng đưa ra những quyết định chính xác nhất cho trận đấu.
Tâm lý không thể "đè còi" của trợ lý trọng tài là cản trở lớn để họ đưa ra góp ý. Giả sử, trợ lý Thành Trung báo qua bộ đàm rằng lỗi nằm ngoài vòng cấm, đề xuất cân nhắc quyết định thì trọng tài Mai Xuân Hùng có thời gian suy nghĩ lại. Thậm chí, cả hai có thể hội ý trực tiếp. Nhưng họ đã không làm như vậy.
Thà bắt lầm hơn bỏ sót
Khi trọng tài chính và trợ lý trọng tài phối hợp tốt, tính chính xác trong các quyết định sẽ lập tức được nâng lên, điển hình như ở trận Hải Phòng gặp Nam Định trên sân Lạch Tray tại vòng 2.
Ở trận này, trọng tài Trần Đình Thịnh đã từ chối bàn thắng của Triệu Việt Hưng vì cho rằng anh để bóng chạm tay. Điều đáng nói là trước đó, ông Thịnh đã công nhận bàn thắng. Nhưng sau đấy, ông trao đổi lại với trợ lý trọng tài, tham khảo màn hình LED trên sân và đưa ra quyết định chính xác cuối cùng.
Trọng tài Thịnh cũng bị chỉ trích ở trận này vì nhìn màn hình LED. Nhưng ở mặt tích cực, ông và trợ lý đã trao đổi rất tốt. Quá trình liên lạc thông suốt giữa họ đã dẫn tới quyết định chính xác sau cùng. Ông Thịnh sau đó không được phân công làm nhiệm vụ vòng kế nhưng sự cố của ông cho thấy vai trò lớn từ các trợ lý trọng tài.
Đó chỉ là hai tình huống điển hình và gây chú ý về trợ lý trọng tài. Sai sót của trợ lý Ngô Quốc Toản ở vòng 5 khi giải trở lại càng chỉ rõ vấn đề cho Ban trọng tài VFF. Ở bốn vòng đấu trước đó, khán giả có thể dễ nhận ra một điều là các trợ lý trọng tài đang bắt lỗi việt vị theo cách "thà lầm còn hơn sót" để giảm thiểu tối đa sai sót có thể.
Thông thường, các pha bắt việt vị sớm sẽ ít bị "soi" hơn những tình huống để cầu thủ việt vị ghi bàn. Nó giúp trợ lý trọng tài ít bị chỉ trích hơn trước truyền thông. Quyết định kiểu này mang lại an toàn cho trọng tài nhưng gây khó khăn cho các đội bóng.
Bình Luận