“Y học Thể thao Việt Nam thiếu lực và chất”

Với hơn 20 năm theo nghiệp Y học trong thể thao, Bác sĩ Đồng Xuân Lâm (HAGL) khẳng định, Y học trong Thể thao Việt Nam phát triển khá chậm, chưa có một chiến lược cụ thể về cách đào tạo con người và thiết bị khoa học kỹ thuật.

Webthethao: Ông có thể chia sẻ về cơ duyên của mình gắn bó y học với thể thao?

-Bác sĩ Đồng Xuân Lâm: Trước đó, tôi học trường Đại học Y khoa Hà Nội khóa 1988 đến 1994. Tôi ra trường về làm việc tại Viện khoa học thể thao Việt Nam một cách ngẫu nhiên. Thời điểm tôi về, Y học trong thể thao lúc đấy vừa yếu lại vừa thiếu mọi mặt, cơ sở vật chất, con người, ý thức xây dựng... Nhìn tổng thể nó như mảnh đất bị bỏ hoang, mình cần phải cày xới để mọi người hiểu đúng, có ý thức phát triển.

Lúc ấy giới thể thao nói chung và bóng đá nói riêng không hiểu về y học trong thể thao. Vì thời ấy vẫn còn bao cấp, thông tin và mọi thứ hạn chế không được như bây giờ. Điều đó khiến tôi quyết tâm cống hiến, đầu tư để khai hoang “vùng đất” này.   

Vậy còn câu chuyện với HAGL của bầu Đức bắt đầu như thế nào, thưa bác sĩ?

-Tôi đã đi sâu vào nghiên cứu y học thể thao trong thời gian làm tại Viện khoa học. Đó là tiền đề để tôi bén duyên phục vụ cho ĐT Việt Nam các giải đấu trong nước và quốc tế. Từ năm 1998 đến 2002, tôi làm bác sĩ ở ĐT Việt Nam. Sau đó được bầu Đức (Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức) mời về để nâng cao chất lượng, thể trạng cho cầu thủ HAGL. Tôi gắn bó cùng đội bóng đến bây giờ. 

Ông Đồng Xuân Lâm (trái) nhiều năm kinh nghiệm gắn bó trong vai trò bác sĩ ĐT Việt Nam.

HAGL có gì đặc biệt khiến ông gắn bó trong suốt quãng thời gian gần 20 năm vừa qua?

-Đầu tiên, tôi định giúp HAGL vài mùa thôi. Tuy nhiên, tôi bị bầu Đức thu phục. Bầu Đức hiểu Y học trong thể thao rất quan trọng với cầu thủ, tìm một người như thế thời điểm ấy rất khó. Hơn nữa, tôi thấy được tâm huyết của bầu Đức mong muốn bóng đá Việt Nam đánh bại Thái Lan.

Bóng đá Việt Nam khi ấy nhắc đến đại kình địch Thái Lan biết chắc sẽ thua. Thấy được tâm nguyện của bầu Đức, bản thân tôi lại là người mong muốn phát triển Y học ở các môn thể thao thành tích cao, đặc biệt là bóng đá. Nếu bầu Đức đóng góp về tài chính, mình xác định đóng góp về mặt y học cùng bóng đá. 

Bác sĩ của một đội bóng, khác gì so với bác sĩ chữa bệnh cho người dân?

-Bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung, sẽ có 3 phần gồm: dinh dưỡng, thể lực và chấn thương. Tùy thời điểm để thúc đẩy và phát triển các nhân tố ấy. Cơ địa người Việt không thật sự tốt, mình cần phải bổ sung chất gì, ăn thứ gì để nhanh, mạnh đảm bảo trong thi đấu, điều này cần bác sĩ, cần Y học thể thao. Bác sĩ bình thường phải có bệnh nhân mới chữa được bệnh. Người dân mắc bệnh mới tìm đến bác sĩ.

Cơ sở vật chất, nhân sự thiếu, yếu kém về lỗ hổng trong Y học thể thao khiến nhiều tài năng của bóng đá Việt Nam phải chia tay sự nghiệp vì chấn thương khi tuổi đời còn rất trẻ?

-Đó cũng chỉ là một phần. Chúng ta không nên đổ hết phần lỗi do bác sĩ, cho Y học thể thao. Một cầu thủ, một VĐV cần lắng nghe cơ thể mình. Có thể họ tập luyện quá sức, thi đấu quá tải, mặt sân, dụng cụ thể thao…dẫn đến chấn thương. Nhưng về cơ bản, nếu phát triển đúng tầm về Y học trong thể thao các VĐV sẽ hạn chế thấp nhất mức độ chấn thương. 

Thường xuyên di chuyển theo đội bóng và phải xa nhà, vậy công việc gia đình thì sao?

-Nhà tôi quê Bắc Giang, sau khi xác định theo nghề di chuyển về Hà Nội lập nghiệp. Các cháu khi ấy cũng còn nhỏ, một tay bà xã chăm lo hết. Thực tế, bà xã cũng hiểu được hoài bão của chồng, nên quyết định hy sinh vì chồng. Dù đi làm xa nhưng về định hướng học tập, nghề nghiệp, tôi luôn nhắc nhở quan sát các con một cách nghiêm túc.

Bác sĩ Đồng Xuân Lâm khẳng định Y học thể thao của Việt Nam đang thiếu và yếu.

Các con của bác sĩ Đồng Xuân Lâm cũng nối nghiệp bố, theo học nghành Y?

-Vợ chồng tôi có được hai cháu, đến thời điểm này cả hai đều là Thạc sĩ chuyên khoa 2. Một cháu theo ngành Y, một cháu theo học ngành tài chính ở bên nước Anh. Tôi may mắn được sự ủng hộ của gia đình, dù nhiều lúc khó khăn nhưng vợ và các con vẫn liên tục động viên, đó cũng là niềm hạnh phúc.

Hơn 20 năm theo nghề thầy thuốc trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Hôm nay là ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, ông có thể chia sẻ 1 kỉ niệm đáng nhớ nhất với nghề của mình?

-Kỷ niệm nhớ nhất là năm đầu tiên theo đội tuyển Việt Nam 1998. Những gì tôi được học, được biết và nghiên cứu ở Viện thể thao thì cống hiến cùng đội tuyển. Năm đó, ĐT Việt Nam thi đấu trận chung kết Tiger Cup với Singapore. Tinh thần cầu thủ, khát vọng của người hâm mộ lên cao lắm. Với những kiến thức có được, tôi áp dụng nhiều thành phần như dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, cách để hồi phục, điều trị chấn thương bằng khoa học, máy móc, nên nhân sự đội bóng luôn được đảm bảo ở giải đấu đó.

Tinh thần có, thể lực đảm bảo, ĐT Việt Nam năm ấy rất gần chức vô địch. Thật sự tiếc với bàn thắng bằng lưng của tiền đạo cao 2m02 Sasi Kumar làm đội tuyển Việt Nam thua trận. Cảm giác lúc đấy mình làm bác sĩ thôi nhưng mọi thứ uất nghẹn. Nhưng nghĩ lại đó là năm đầu tiên xuất trận, đội bóng có thành tích tốt, bản thân mình cũng mừng và hy vọng nhiều hơn cho tương lai.

Vậy điều bác sĩ cảm thấy tiếc nuối vì chưa thể làm cho Y học thể thao Việt Nam là gì?

- Tôi vẫn trăn trở một điều rằng, nền Y học về thể thao của chúng ta phát triển nhưng ở mức độ thấp, đặc biệt trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Có thể chúng ta còn hạn chế về chiến lược đào tạo bác sĩ thể thao, hạn chế cơ sở vật chất, hạn chế về mô hình.

Tất cả chưa có quy trình chuyên sâu để kích cầu và phát triển. Năm 2009 tôi đã đi đầu về vấn đề này với một trường Đại học của Mỹ. Họ chấp nhận qua Việt Nam giảng dạy bước đầu miễn phí, đào tạo bác sĩ y học thể thao. Tuy nhiên, vướng mắc nhiều mặt nên không thực hiện được, đó có lẽ điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất cho Y học thể thao Việt Nam. 

Theo quan điểm của bác sĩ, mức độ phát triển của y học trong bóng đá Việt Nam như thế nào?

-Ở góc độ cá nhân tôi biết có một số bác sĩ ở Bệnh viện thể thao có khả năng phẫu thuật giúp các VĐV hạn chế phải đi nước ngoài. Nhưng con số này rất ít. Cung không đủ cầu. Nói riêng về bác sĩ trong ngành thể thao thì Việt Nam không tiến bộ được bao nhiêu. Thứ nhất lý luận, thứ hai phương pháp, thứ ba là trang thiết bị…điều này nhiều lò VĐV, nhiều đội bóng không có, hoặc đầu tư không đúng tầm.

Bác sĩ Đồng Xuân Lâm gần như gắn bó sự nghiệp của mình để chăm sóc cho đội bóng HAGL.

Sau thời gian làm việc ở ĐT Việt Nam rồi các bác sĩ về mở phòng mạch chữa trị, điều này mang đến lợi ích gì cho sự phát triển của Y học thể thao?

-Sau khi phục vụ ở ĐT Việt Nam, các bác sĩ có danh tiếng, có mối quan hệ thì trở về mở phòng mạch cũng là điều tốt. Đó cũng là địa chỉ thân thuộc để các cầu thủ có thể đến chưa trị, thăm khám. Những VĐV, cầu thủ phong trào cũng được phục vụ dễ dàng hơn.

Những phòng mạch chỉ mang mức độ phát triển Y học thể thao ở khía cạnh cá nhân. Nó không trở thành một hệ thống, một chuỗi trung tâm chính để có được trang thiết bị tối tân, sản sinh nguồn lực y, bác sĩ giỏi duy trì cho sự phát triển lâu dài. Đó thật sự là điều tiếc nuối.

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, bác sĩ Lâm muốn nói gì với các y bác sĩ và đồng nghiệp của mình?

-Nhân dịp đầu xuân năm mới 2021, cũng là ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, chúc cho tất cả những người trong nghề, trong lĩnh vực mình hoạt động, một ngày thật đặc biệt, thật ý nghĩa. Chúc cho tất cả mọi người thật nhiều sức khỏe, mong rằng đại dịch nhanh chóng qua đi để tất cả trở lại bình thường. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Bác sĩ Đồng Xuân Lâm tiếc nuối vì chưa có bằng Tiến sĩ:Tôi gốc là bác sĩ đa khoa, tuy nhiên khi ra trường tôi được học và đào tạo tiến sĩ chuyên sâu về y học, khoa học trong Thể thao. Nhưng thời điểm đó, tôi chỉ mới là sinh viên ra trường, chưa đủ năm công tác. Vậy nên, được học 4 năm nhưng không đủ điều kiện để thi và cấp bằng Tiến sĩ.

Sau này vẫn theo bác sĩ thể thao các lớp của FIFA, IOC, Tổng cục mở ra được cấp chứng chỉ nhưng chỉ theo từng khóa, có bằng giỏi, tốt, khá... Đến năm 2009, bầu Đức cho đi học bên Mỹ, về chuyên gia đào tạo HLV thể lực của Mỹ. Đây là quãng thời gian tôi học hỏi được nhiều nhất trong sự nghiệp của mình”. 

    Bình Luận