Bản quyền truyền hình V.League 2018: VPF muốn thay đổi vì bóng đá Việt Nam

Một trong những vấn đề nóng nhất trước thềm mùa giải mới là khai thác bản quyền truyền hình. Tại các nền bóng đá phát triển, bản quyền là nguồn thu chính của BTC giải.
Bản quyền truyền hình V.League 2018: VPF muốn thay đổi vì bóng đá Việt Nam
Nhờ có nguồn thu này mà các đơn vị tổ chức có thể phân bổ thu nhập cho các CLB đồng thời thúc đẩy hình ảnh, chất lượng giải đấu. Thời gian qua, việc khai thác bản quyền truyền hình V.League mới chỉ dừng lại ở hình thức hàng đổi hàng. Các đài truyền hình trả bản quyền truyền hình cho VPF bằng 15 phút quảng cáo trong thời gian phát sóng các trận đấu. VPF sẽ tìm đối tác muốn quảng cáo để bán nhằm có doanh thu.

Tuy nhiên, việc khai thác thời lượng quảng cáo mới chỉ dừng lại ở việc trả quyền lợi cho các nhà tài trợ và bảo trợ cho giải. Trước khi bước vào mùa giải 2018, VPF muốn thay đổi một cách toàn diện về công tác khai thác bản quyền truyền hình. Tham vọng của VPF là phải kiếm được tiền từ bản quyền truyền hình nhằm tái đầu tư cho bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, hiện đã có những tranh chấp giữa VPF và đối tác Next Media vốn đã ký hợp đồng khai thác bản quyền truyền hình dài hạn. 

Do có những vướng mắc về pháp lý cũng như thực thi quyền lợi các bên nên VPF đã đề nghị thanh lý hợp đồng, nhưng Next Media chưa đồng ý. Do có những tranh chấp nên hiện tại, VPF vẫn chưa thể công bố lịch truyền hình trực tiếp các trận đấu. Tuy nhiên, một số đài truyền hình đã đạt được thỏa thuận với VPF sẽ tường thuật trực tiếp V.League 2018. Bản thân VPF cũng chủ động các phương án nhằm đảm bảo có truyền hình trực tiếp, nhưng không bị áp lực phải tường thuật đủ các trận đấu như trước đây. 

Các trận cầu đinh sẽ diễn ra trong khung giờ vàng
Nét mới ở V.League năm nay là mỗi vòng đấu đều có một trận cầu đinh diễn ra lúc 19h00. Trưởng ban điều hành Trần Anh Tú của giải đấu cho biết: “Đây được xem là khung giờ vàng và chúng tôi đang học theo các giải đấu lớn trên thế giới khi đưa các trận cầu hấp dẫn nhất của các vòng đấu vào khung giờ này. Các trận đấu diễn ra lúc 19h00 ngoài việc giúp khán giả dễ dàng đến sân theo dõi trận đấu, khung giờ vàng này cũng dễ thu hút và bán quảng cáo trên sóng truyền hình”.

Trước ý kiến lo ngại các trận đấu lúc 19h00 sẽ khó được các đài truyền hình phát sóng trực tiếp, ông Tú đã tự tin cho biết: “Có lẽ chúng ta cần thay đổi suy nghĩ này và học theo bóng đá thế giới! Nếu các trận đấu hấp dẫn, khán giả có nhu cầu xem, lúc ấy chắc chắn các đài truyền hình sẽ phải đáp ứng”.


4 điểm mới đáng chú ý tại V.League 2018 
Đầu tư mạnh về hình ảnh 
Sự hiện diện của nhà tài trợ chính Nutifood mang đến luồng gió mới với biểu tượng và thước phim giới thiệu mùa giải V.League 2018 đầy chuyên nghiệp. Song song với đó, các CLB cũng ngày càng chú trọng hơn đến việc xây dựng hình ảnh của mình như thay đổi logo, tổ chức giao lưu với các CĐV…

Áo đấu chuyên nghiệp hơn
So với hai mùa trước, số đội hợp tác với các hãng thể thao về trang phục thi đấu tăng lên đáng kể. V.League 2018 có tổng cộng 11/14 CLB liên kết với 8 thương hiệu thể thao khác nhau như Joma, KeepDri, Jogarbola, Mizuno, Mitre, Kami… Tính chuyên nghiệp trên phương diện áo đấu sẽ giúp các CLB thu hút hơn sự quan tâm của NHM. 

Phát triển về truyền thông 
V.League 2018 là mùa đầu tiên toàn bộ 14 đội bóng có fanpage chính thức trên mạng xã hội Facebook. Đáng chú ý hơn, dữ liệu của 14 đội bóng cũng sẽ có mặt trên chuyên trang chuyển nhượng hàng đầu thế giới Transfermarkt, giúp tên tuổi các cầu thủ Việt Nam đến gần hơn tới khán giả nhà cũng như vươn ra tầm thế giới. 

Những đội tuyển thu nhỏ
ĐKVĐ Quảng Nam FC sẽ không dễ bảo vệ ngôi vương khi xung quanh là những đối thủ đầu tư kỹ càng. CLB TP.HCM thay máu mạnh mẽ, HAGL và Hà Nội FC chia nhau tạo nên những phiên bản đội U23 Việt Nam và FLC Thanh Hoá với dàn sao khủng, đều sẵn sàng bước vào cuộc cạnh tranh ngôi vô địch.
    Bình Luận