Tại cuộc họp trực tuyến giữa VPF và 27 CLB (14 đội V.League, 13 đội hạng Nhất), đại diện các đội Hải Phòng, SLNA và Phố Hiến đã yêu cầu VPF cải tổ bộ máy lãnh đạo. Trước đó, tân chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Văn Trần Hoàn đã chỉ trích rất kịch liệt quyết định tạm dừng V.League của VPF.
Mới đây, lần lượt Hải Phòng, SLNA và Nam Định đã có công văn gửi VPF, yêu cầu HĐQT VPF triệu tập đại hội bất thường. Văn bản của Hải Phòng, đứng tên công ty cổ phần thể thao Hải Phòng (không phải công ty sông Hồng của ông Văn Trần Hoàn) cho biết cần bầu lại các vị trí trong HĐQT, cáo buộc VPF thiếu minh bạch, lợi ích nhóm, không tôn trọng pháp luật…
Điều lệ VPF có quy định rõ về trường hợp tổ chức đại hội bất thường. Cụ thể, điều 30 quy định: Đại hội cổ đông bất thường được triệu tập theo quyết định của HĐQT trong trường hợp: 1. Xét thấy yêu cầu cần thiết vì lợi ích công ty; 2. Số thành viên HĐQT bị giảm quá 1/3 so với quy định tại điều lệ; và 3. Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông hoặc Ban kiểm soát trong trường hợp HĐQT vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người quản lý, hoặc HĐQT ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.
Ở đây sẽ nếu chiếu theo điều 3, sẽ rất khó quy kết HĐQT vi phạm nghiêm trọng như cáo buộc trong văn bản của Hải Phòng. Quyết định tạm dừng V.League và các giải chuyên nghiệp quốc gia của VPF được HĐQT thông qua đúng thẩm quyền, và được chính BCH VFF phê chuẩn. BCH VFF là nơi có thẩm quyền cao nhất quyết định về giải đấu. Ý kiến của các CLB chỉ mang tính chất tham khảo.
Cuộc chơi trong tay ai?
VFF chính là cổ đông lớn nhất ở VPF với tỉ lệ cổ phần nắm giữ 35,6%. Trong số thành viên HĐQT VPF hiện nay, VFF có 4 đại diện gồm ông Trần Anh Tú - Uỷ viên Thường trực, ông Nguyễn Minh Ngọc - Phó TTK VFF kiêm TGĐ VPF, bà Đinh Thị Thu Trang - Phó TTK, chưa kể hiện nay ông Nguyễn Quốc Hội - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thể thao T&T, đại diện CLB làm Phó chủ tịch VPF đồng thời cũng có “chân” trong Thường trực VFF (không chính thức).
Với tỉ lệ cổ phần trên, VFF có thể kiểm soát những quyết sách lớn, tác động tới sự phát triển, các vấn đề quan trọng của VPF. Thực tế khi VPF ra đời, đã có những ý kiến về vấn đề xung đột lợi ích khi các ông chủ đội bóng lại nắm giữ ghế lãnh đạo. Người đặt ra vấn đề này là bầu Đệ (Thanh Hoá).
Ý kiến của ông Đệ không phải không có cơ sở khi bầu Đức, bầu Thắng hay trước đó là bầu Kiên nắm VPF, các đội bóng có quyền băn khoăn liệu đội của các ông bầu trên được hưởng lợi hay không? Hoặc đơn cử trọng tài, những người trong BTC có dám "xử đẹp" với đội bóng của các ông bầu hay không? Chuyện này có thể lặp lại nếu tới đây đại diện các đội bóng của Hải Phòng, SLNA, Nam Định…chiếm các vị trí quan trọng trong VPF.
Bản thân VFF đã bắt đầu phát hiện ra những vấn đề này và vì vậy, sau khi bầu Kiên rời ghế, VFF đã tăng cường kiểm soát VPF hơn. Việc đưa người của mình vào các vị trí ở VPF là một cách để VFF kiểm soát tình hình.
Ý đồ "cải tổ" VPF của một số đại diện đội bóng thời điểm hiện tại cũng khó đủ sức thuyết phục. Phó chủ tịch VFF Lê Văn Thành trong cuộc họp đã đưa ra ý kiến khá công bằng, là VPF trong các năm qua có đóng góp nhất định, bầu Tú vào làm VPF khi bóng đá khó khăn, bầu Đức và bầu Thắng đều rút, không ai muốn gánh vác. Nếu so với bầu Tú thì rõ ràng các ông Văn Trần Hoàn, Trương Sỹ Bá hay Vũ Tiến Thành đóng góp cho bóng đá Việt Nam gần như chưa có gì.
Ông Hoàn nổi tiếng với biệt danh Hoàn "pháo”", là dân kinh doanh, CĐV ở Hải Phòng. Ông Trương Sỹ Bá là người mới hoàn toàn, vừa nhận SLNA từ ngân hàng Bắc Á. Khả dĩ am hiểu bóng đá nhất là ông Vũ Tiến Thành. Tuy nhiên, ông Thành do vụ tiêu cực ở CLB Ngân hàng Đông Á-Thép Pomina đã nghỉ bóng đá khá lâu và hiện mới trở lại.
Ở khía cạnh này, ý kiến của Phó chủ tịch Lê Văn Thành rằng đại diện Hải Phòng, SLNA và Phố Hiến mới vào làm bóng đá, đánh giá công lao VPF không đầy đủ là có cơ sở. Chỉ "xui rủi" cho ông Thành khi ông bênh vực đúng người bầu Đức lâu nay phản đối. Và có lẽ do không được tường thuật đúng tinh thần cuộc họp, bầu Đức đã lớn tiếng "chê" người kế nhiệm.
Ai làm cũng khó
Dich COVID-19 đang đẩy các đội bóng vào hoàn cảnh khó khăn, một thực trạng chung của xã hội. Đây cũng là một trong những lý do các đội bóng muốn VPF dừng cuộc chơi, đặc biệt những đội đang ở cuối bảng xếp hạng. Nếu tiếp tục thi đấu, Hải Phòng, Sài Gòn FC, SLNA là những đội có nguy cơ rớt hạng lớn nhất, xét theo điểm số và thứ bậc.
Quyết định huỷ V.League, nói như tiền vệ Hải Huy, đỡ cho CLB nhưng lại khiến cầu thủ khổ hơn. CLB đã lấy quyết định của VFF để đàm phán thanh lý hợp đồng, giảm chế độ cầu thủ.
Một thực trạng khác phơi bày ra, là nhiều đội bóng lâu nay sống dựa vào nguồn ngân sách hoặc bầu sữa các ông bầu đã lâm vào cảnh nợ nần. Quảng Ninh mới đây tuyên bố dừng hoạt động 1 năm, cùng khoản nợ 60-70 tỷ đồng các cầu thủ. Hải Phòng, đội nhận tiền ngân sách lớn nhất trong 14 đội bóng, lên đến 50 tỉ mùa giải năm nay, cũng cắt giảm 70% lương cầu thủ, bắt đầu từ tháng 8. Nhiều đội bóng khác thực hiện cắt giảm lương, chế độ cầu thủ.
Một chuyên gia bóng đá lâu năm nhận định sau 20 năm lên chuyên nghiệp, hầu hết các đội bóng vẫn phải dựa vào ngân sách, một phần hoặc toàn bộ. Nếu bị cắt bầu sữa, CLB sẽ “chết yểu”. Với thực trạng như vậy, bất kỳ người nào làm bóng đá cũng khó khăn.
Chính vì vậy nếu không có sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm và đóng góp ý kiến với tính xây dựng, thay vào đó chỉ nhắm tới đấu đá, “lật ghế” nhau, bóng đá Việt Nam sẽ khó phát triển.
Bình Luận