Sau hai làn sóng dịch, điều mà chúng ta có được chính là những kinh nghiệm quý báu trong ứng phó với khủng hoảng. Cả hệ thống chính trị đến từng người dân đã quen với trạng thái bình thường mới. Chung sống một cách an toàn nhất có thể với dịch đó là lựa chọn không thể khác. Chống dịch nhưng không để các hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội ngưng trệ. Nói cách khác, chúng ta vẫn phải sống, phải bước tiếp trong bối cảnh mối nguy cơ đại dịch vẫn thường trực. Chắc chắn một điều, trong thời gian ngắn hạn, Covid-19 sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh với toàn thể nhân loại. Với một đường biên giới trải dài, dân số đông và sự hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối diện với nguy cơ Covid-19 lây lan ra cộng đồng.
Chung sống với dịch là lựa chọn không thể khác. Và tất nhiên, bóng đá Việt Nam cũng phải vận hành theo quy luật đó. Chúng ta không thể hy vọng vào một môi trường hoàn toàn triệt tiêu Covid-19. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách nghiêm túc nhất, ứng phó với khủng hoảng bằng những giải pháp phù hợp là lựa chọn bắt buộc với cả nền bóng đá. Vậy nên, ngay từ thời điểm này và cả quãng thời gian tới đây, các nhà quản lý, các đội bóng cần phải ứng phó một cách linh hoạt với nguy cơ mà đại dịch mang tới. Nói đâu xa, ngay sau khi dịch Covid-19 lan ra cộng đồng tại TP.HCM, VFF đã có những phản ứng khẩn cấp nhằm giúp giải nữ VĐQG-Cúp Thái Sơn Bắc về đích đúng hạn.
Từ việc tổ chức không khán giả đến lên kế hoạch đưa giải đấu đến một địa điểm khác đã được tính đến nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho mọi thành viên tham gia. Hơn lúc nào hết, bóng đá Việt Nam phải xác định tinh thần chung sống với dịch. Những kế hoạch về chuyên môn phải tính đến những thách thức mà dịch bệnh có thể mang đến. Có thể điều đó sẽ mang đến những khó khăn cho toàn bộ hệ thống nhưng vì một tinh thần đến đích an toàn, chúng ta buộc phải chấp nhận thực tế.
Bình Luận