Khắc nghiệt là vậy, nhưng bóng đá vẫn có những câu chuyện cổ tích về sự khác biệt mà ở đó, quy luật thời gian đôi khi không đúng, hoặc chưa đúng.
Năm 2006, tôi có dịp ghé thăm Đà Nẵng. HLV Trần Vũ khi ấy đưa tôi đi một vòng quanh đại bản doanh của CLB với tất cả sự tự hào. Gần đến 12 giờ trưa, bất giác tôi thấy một bóng người vẫn đang mải miết chạy ở sân tập. Đem thắc mắc ấy hỏi HLV Trần Vũ thì tôi nhận được câu trả lời, đó là thủ môn Võ Văn Hạnh. Ông Vũ bảo: “Hạnh kỳ lạ lắm. Ngày nào cậu ấy cũng ở lại sân tập thêm. Đội bóng tập cũng ra sân tập. Cả đội ai cũng nể”.
Và đến tận bây giờ, nếu cần đưa ra ví dụ về một tấm gương rèn luyện và kết thúc sự nghiệp muộn thì người ta vẫn nhắc đến Võ Văn Hạnh. Anh chỉ treo găng sau mùa giải 2010 và khi ấy đã 36 tuổi.
Bóng đá khắc nghiệt và những cầu thủ lớn tuổi luôn chịu áp lực bởi quy luật thời gian. Ở Việt Nam, bước sang 30 các cầu thủ đã bị coi là lớn tuổi và dần tính đến chuyện giải nghệ, tìm công việc khác. Đó là điều tất yếu khi tầm vóc, thể trạng của các cầu thủ Việt Nam không tốt. Thế nhưng, vẫn có những trường hợp đặc biệt, những người vì tình yêu, vì đam mê, vì quyết tâm đã biến mình thành “người muôn năm cũ” trong guồng quay chuyên nghiệp.
Có lần, thủ môn Đinh Xuân Việt của DNH Nam Định nhắn tin hỏi tôi: “Anh ơi, em nên giải nghệ làm HLV hay tiếp tục thi đấu”? Tôi hỏi lại Đinh Xuân Việt: “Em còn say nghề không?”. Xuân Việt bảo: “Đó là tình yêu của em”. Và thế là thủ thành này tiếp tục đắm chìm với tình yêu sân cỏ khi đã ở tuổi 37.
Xuân Việt 37 tuổi nhưng luôn nhận mới… 14. Ngoài đời là đàn anh, đàn chú của nhiều đồng đội, nhưng cách anh thể hiện trên sân như thể mới đôi mươi. Có lẽ, điều mang đến khác biệt cho những thủ môn và giúp họ níu giữ thanh xuân trên sân cỏ chính là khát vọng, tinh thần chiến đấu và tình yêu nghề nghiệp. Rằng, bóng đá luôn có chỗ cho những ai coi nó là hơi thở, nước uống, cơm ăn.
XEM THÊM
Hướng đến V.League 1 - LS 2020: Căng thẳng trên ghế huấn luyện
Hướng tới giải hạng Nhất QG - LS 2020: Khốc liệt đua thăng hạng
Bình Luận