10/14 đội của V.League 2021 đã đạt đủ các tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp. Các CLB này cũng đã được Ban cấp phép LĐBĐ Việt Nam phê duyệt. Với những CLB thi đấu ở AFC Champions League và AFC Cup mùa tới như Viettel, Hà Nội FC và Sài Gòn FC, đây chính là điều kiện cần thiết để họ được tham dự giải đấu. Còn nhớ ở mùa trước, Hà Nội FC đã không được phép dự vòng sơ loại AFC Champions League (suất này sau đó được dành cho TP.HCM), dù là đội vô địch cả Cúp Quốc gia lẫn V.League chỉ vì thiếu một trong số những tiêu chí trong việc cấp phép CLB chuyên nghiệp. Cụ thể, Hà Nội FC đã không đáp ứng được tiêu chí đào tạo trẻ, khi đội U15 không tham dự giải U15 Quốc gia.
Tuy nhiên, vẫn còn tới 4 CLB ở V.League không đáp ứng được tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp. Các CLB đó bao gồm: Hải Phòng, DNH Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Sông Lam Nghệ An. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, Hải Phòng, DNH Nam Định và SLNA không đạt được tiêu chuẩn cấp phép. Dẫu vậy các CLB kể trên vẫn được đặc cách tham dự V.League 2021.
Trao đổi vấn đề này, đại diện của VPF chia sẻ để có thể giải quyết triệt để vấn đề này ngay lập tức rất khó. Tuy nhiên, quan điểm từ VFF và VPF vẫn sẽ là siết chặt, xây dựng quy chế để các CLB phải tuân thủ. Có thể trong vài ba năm tới, các CLB không đạt đủ tiêu chí bóng đá chuyên nghiệp sẽ không được tham gia V.League nói riêng và các giải bóng đá chuyên nghiệp nói chung. Ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT VPF nói: “Việc tham gia giải của các CLB là tự nguyện, không ai ép buộc phải chơi cả. Nhưng khi đã vào cuộc chơi là phải tuân theo luật của cuộc chơi. Với cơ chế hiện tại, chúng tôi sẽ dần điều chỉnh để các CLB buộc phải thay đổi theo thời gian tới. Chúng ta cũng thấy một điểm tích cực là số lượng CLB không đạt đủ tiêu chí cũng đã giảm dần theo từng năm”.
Ngoài ra, một vấn đề được ông Trần Anh Tú – Chủ tịch HĐQT VPF và ông Nguyễn Minh Ngọc – Tổng giám đốc VPF nhắc đến là sự tích cực trong thi đấu của các CLB. Ông Nguyễn Minh Ngọc nhấn mạnh: “Ở mùa giải năm ngoái, một số trận đấu có liên quan đến các CLB vốn đã hết mục tiêu ở mùa giải không có được tính cạnh tranh cao. VPF đang tính đến quỹ thưởng cho các CLB ở các trận đấu hay thứ hạng chung cuộc để tăng thêm sức hút cho giải đấu”.
Bổ sung ý kiến này, ông Trần Anh Tú có đề cập đến việc chấm điểm phong cách để căn cứ từ đó sẽ có mức tiền thưởng cho từng CLB hợp lý hơn. “Số tiền mà VPF dành cho các CLB chưa nhiều, nhưng chúng tôi muốn làm cái gì đó để các CLB cố gắng hơn. Giống như con gà tức nhau tiếng gáy. Sự chênh lệch trong tiền thưởng từ VPF có thể tạo nên tính cạnh tranh tích cực và động lực ở các CLB”.
Trong 3 năm (2018 đến 2020), số tiền mà VFF hỗ trợ cho các CLB hạng Nhất và V.League là tương đồng nhau. Ví dụ như năm 2018, 10 CLB hạng Nhất nhận 300 triệu đồng/đội còn 14 CLB V.League nhận 600 triệu đồng/đội. Năm 2019 và 2020, 12 CLB hạng Nhất nhận 400 triệu đồng/đội và 14 CLB V.League nhận 800 triệu đồng/đội từ VPF.
Bình Luận