Kể từ khi U23 Việt Nam gây chấn động bóng đá châu Á bằng vị trí á quân tại VCK U23 châu Á 2018, sức hút bóng đá nội ngày càng lớn và đi kèm với đó là rất nhiều hoạt động thương mại được đẩy mạnh. Sự quan tâm của NHM cũng như các nhãn hàng lớn đã giúp nhiều cầu thủ có thêm nguồn thu nhập từ hoạt động quảng cáo. Nhiều thương hiệu lớn đã lựa chọn cầu thủ làm đại diện hình ảnh trong chiến dịch Marketing và đương nhiên “tiền phí” cho hoạt động quảng cáo này không hề nhỏ.
Trước đây đã có công ty đứng ra khai thác hình ảnh cầu thủ, báo giá cho từng hạng mục với các nhãn hàng, nhưng sau đó phải dẹp bỏ bởi quy định chặt chẽ từ các CLB. Theo đó, cầu thủ khi trở về CLB sẽ thuộc quyền sở hữu của chính đội bóng đó và tất cả chiến dịch quảng cáo của cầu thủ phải thông qua CLB.
Hiện có rất nhiều CLB sở hữu các ngôi sao lớn của bóng đá Việt Nam như Hà Nội FC, HAGL, TP.HCM và suốt hơn 3 năm qua, nhiều hợp đồng quảng cáo với cầu thủ được thực hiện thông qua CLB. Đây được xem là cách làm chuyên nghiệp, bởi các CLB đã bỏ ra rất nhiều tiền để đào tạo, ký hợp đồng chuyên nghiệp nên đương nhiên họ được phép khai thác thương quyền từ chính cầu thủ của mình.
Trên các phương tiện truyền thông cũng như các nền tảng mạng xã hội, NHM không còn quá bất ngờ khi bắt gặp các ngôi sao của bóng đá Việt Nam xuất hiện. Đi đầu trong xu thế đó là Hà Nội FC nhờ sở hữu nhiều ngôi sao như Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Quyết, Thành Chung, Thành Lương... HAGL cũng không hề kém cạnh khi có trong tay những “cỗ máy in tiền” trên mặt trận quảng cáo, tiếp thị như Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh và đặc biệt là Công Phượng.
Theo quy trình, khi các nhãn hàng muốn “thuê” cầu thủ quảng cáo cho thương hiệu của họ sẽ liên hệ, làm việc với các đội bóng chủ quản. Họ sẽ tính toán, thống nhất về giá thành cho mỗi đợt quảng cáo và thường thì CLB được hưởng tỷ lệ 30% trên tổng số tiền mà nhãn hàng đưa cho cầu thủ.
Sức hút của bóng đá mang lại ngày càng lớn và với các nhãn hàng, việc “thuê” cầu thủ quảng cáo sẽ đem lại hiệu quả lớn về chiến dịch marketing nên “giá tiền” cho mỗi thương vụ càng cao. Ví dụ điển hình, một cầu thủ ngôi sao làm đại sứ hình ảnh cho một nhãn hàng trong thời gian 1 năm sẽ có giá không dưới 1 tỷ đồng và khi đó CLB sẽ được nhận 300 triệu đồng.
Dù dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế xã hội, nhưng giá trị của cầu thủ Việt Nam không hề xuống, nhất là khi lúc này bóng đá Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, có sức ảnh hưởng lớn với nhiều tầng lớp xã hội.
“Miếng bánh” từ hoạt động thương mại quảng cáo cầu thủ ngày càng lớn nên nhiều đội bóng đã phải lên kế hoạch, triển khai phòng khai thác thương quyền cầu thủ, CLB để vừa đi tìm khách hàng vừa trực tiếp đàm phán, thống nhất các điều khoản hợp đồng. Tính chuyên nghiệp trong cách làm của các CLB ngày càng được coi trọng và bước đầu đã có nguồn thu lớn từ hoạt động thương mại cầu thủ.
Bản quyền truyền hình V.League: Khi VPF cùng các CLB chung chí hướng
Bản quyền truyền hình: Miếng bánh dát kim cương
Bình Luận