Chi 30 tỷ cho Hoàng Đức là đắt hay rẻ?

Tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức sẽ khoác áo đội bóng mới Phù Đổng Ninh Bình ngay trong tháng 10 với số tiền lót tay lên đến gần 30 tỷ đồng. Dưới góc nhìn của 1 chuyên gia marketing, ông Hoàng Hà - cựu Giám đốc bán hàng & Marketing hãng xe mô-tô lớn của Nhật Bản phân tích thương vụ Hoàng Đức.

Chi 30 tỷ cho Hoàng Đức là đắt hay rẻ?

Cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Từng là giám đốc marketing cho 1 hãng xe mô-tô rất nổi tiếng đến từ Nhật Bản, ông nắm khá rõ hoạt động tài trợ bóng đá Việt Nam trong một quãng thời gian dài. Sức hút của bóng đá trẻ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung trong hoạt động marketting như thế nào, thưa ông? 

Bóng đá là môn thể thao vua dù là bóng đá nội hay quốc tế thì đương nhiên có sức hút lớn với dư luận. Việc tài trợ cho bóng đá là 1 phần trong các hoạt động marketing. Quãng thời gian đó, tôi thu nạp được nhiều kiến thức về bóng đá cũng như các cầu thủ Việt Nam.

Ông có hay tin về việc tiền vệ Hoàng Đức chia tay Thể Công Viettel để về khoác áo Phù Đổng Ninh Bình với số tiền lót tay lớn không? 

Tôi cảm thấy mừng vì giá trị cầu thủ Việt Nam nói chung và Hoàng Đức nói riêng ngày càng lên cao. Tất nhiên, với khoản tiền lớn mà Hoàng Đức nhận được qua thương vụ này sẽ giúp cho cậu ấy trang trải cuộc sống, tích lũy cho tương lai. Tôi không muốn nói về góc độ chuyên môn bởi đó ngoài phạm trù của tôi. Ở đây, tôi thấy việc cậu ấy chấp nhận tạm thời chia tay V.League để về đá hạng Nhất là điều bình thường. Mà tôi nghĩ Hoàng Đức biết lộ trình đội bóng mới của mình sẽ sớm lên V.League nên cậu ta mới nhận lời ký hợp đồng. Cầu thủ cũng là con người và hơn nữa, đây là thời điểm để Hoàng Đức cần có chỗ dựa tài chính để tích lũy sau này có giải nghệ thì còn có số vốn tạo lập cuộc sống. Việc Hoàng Đức nhận được số tiền lót tay lớn sẽ tạo nên hiệu ứng, thậm chí là động lực để các cầu thủ trẻ khác nhìn vào rồi phấn đấu.

Chi 30 tỷ cho Hoàng Đức là đắt hay rẻ? 

30 tỷ đồng cho Hoàng Đức là đắt hay rẻ, thưa ông? 

Tôi nghĩ rằng người đã chi số tiền lên đến 30 tỷ đồng để mua được Hoàng Đức không hề đơn giản. Đó là thương vụ lớn. Người mua đã tính toán kỹ chứ không phải là chuyện bốc đồng, mua theo cảm hứng hay ném tiền qua cửa sổ. Hiện nay, số lượng cầu thủ vừa tài năng, nổi tiếng lại có diện mạo tốt như Hoàng Đức ở bóng đá Việt Nam khá ít. Qua từng năm, bóng đá Việt Nam lại xuất hiện những ông bầu mới. Người sau thường chi đậm hơn người trước. Do nhu cầu của thị trường lên cao nên giá trị cầu thủ cũng tăng.  Tôi lấy ví dụ, tại sao 2 năm gần đây giá chung cư có pháp lý rõ ràng ở nội thành Hà Nội lại tăng phi mã? Phần vì nguồn hàng ngày càng ít đi trong khi nhu cầu của khách hàng lớn nên giá trị tăng. Nếu ở Việt Nam có 10-20 cầu thủ ngang bằng Hoàng Đức thì chưa chắc cậu ấy nhận được 30 tỷ đồng lót tay. Nói thế để thấy rằng khi nguồn hàng khan hiếm thì sự “hiếm có” đó sẽ tăng giá là lẽ tự nhiên.

​​​

Chi 30 tỷ cho Hoàng Đức là đắt hay rẻ?

Theo ông, đội bóng mới sở hữu Hoàng Đức sẽ nhận được gì khi chi 30 tỷ đồng?

Chưa biết đội bóng đó có thi đấu thành công, giành được chức vô địch hay không nhưng trước mắt họ sẽ nhận được điều giá trị. Đầu tiên là sự quan tâm của khán giả. Có Hoàng Đức thi đấu trên sân, khán giả sẽ đến sân nhiều hơn. Truyền thông cũng quan tâm lớn hơn, anh em phóng viên sẽ thường xuyên đến tác nghiệp các trận đấu có Hoàng Đức thi đấu. Và khi đó, thương hiệu, giá trị hình ảnh của CLB sở hữu Hoàng Đức được nhắc đến nhiều trên các phương tiện đại chúng tăng độ phủ của nhà tài trợ.

Trước khi về đầu quân cho đội bóng hạng Nhất, Hoàng Đức đã đồng ý làm đại sứ hình ảnh cho 1 ngân hàng. Và người đứng đầu ngân hàng đó lại là ông bầu của đội bóng mà Hoàng Đức sẽ về đầu quân. Theo ông mọi thứ có liên quan đến nhau?

Tôi nghĩ là có bởi khi ký hợp đồng, có lẽ các bên sẽ có những điều khoản ràng buộc mà nói 1 cách dễ hiểu đó là về đội bóng mới ngoài việc đá bóng thì Hoàng Đức có thể sẽ tham gia các hoạt động marketing, quảng bá cho ngân hàng đó.

Ông từng làm giám đốc marketing và hiện nay đang làm cố vấn cao cấp cho 1 tập đoàn lớn của Việt Nam. Trước đây, khi lựa chọn nhân vật nổi tiếng cho 1 chiến dịch marketing, ông thường đưa ra những tiêu chí gì?

Nhân vật đó chắc chắn phải nổi tiếng, có độ nhận diện cao thì mới có thể lan tỏa được hình ảnh thương hiệu công ty. Ngoài ra, nhân vật đó không phức tạp về đời sống, rủi ro gây ra hiệu ứng ngược càng ít càng tốt, được lòng công chúng, dư luận. Với Hoàng Đức thì tôi nghĩ đây là nhân vật sẽ được nhiều nhãn hàng quan tâm bởi cậu ấy đáp ứng được nhiều tiêu chí khi trở thành đại sứ thương hiệu.

Hoàng Đức chơi tiền vệ - vị trí ít rủi ro mắc lỗi, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu hơn so với vị trí thủ môn hay tiền đạo. Theo ông, đó là lợi thế với 1 nhân vật như Hoàng Đức có thể đắt khách ở góc độ marketing?

Đúng vậy. Như tôi đã nói, bóng đá có sức lan tỏa cao, quan tâm lớn của dư luận. Tài trợ cho bóng đá là cách làm marketing đem lại hiệu quả cao với các nhãn hàng. Hoàng Đức có tài năng, sự nổi tiếng, nhân cách và diện mạo cậu ấy rất ổn cho hoạt động marketing.

Lâu nay, 1 số thủ môn hoặc tiền đạo có thể trở thành người hùng trong mắt hàng triệu người chỉ sau 1 trận đấu. Nhưng đến trận sau mắc lỗi dẫn đến bàn thua hoặc bỏ lỡ cơ hội ngon ăn để ghi bàn thì lập tức nhận nhiều "gạch đá" từ dư luận. Đó cũng là rủi ro cho hoạt động marketing.

 

Chi 30 tỷ cho Hoàng Đức là đắt hay rẻ?

 Nhưng nhiều người sẽ nghĩ rằng 30 tỷ vẫn là quá lớn với một cầu thủ, nhất là khi so với mặt bằng chung, thưa anh? 

Trước khi trả lời câu hỏi trên tôi xin chia sẻ thông tin thế này. Theo tôi được biết, thông thường ngân sách marketing/năm của 1 ngân hàng thương mại cổ phần sẽ chiếm khoảng 1% đến 2 % tổng doanh thu/năm ngân hàng đó. Tỉ lệ chi phí marketing so với doanh thu không cố định và có thể thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của ngân hàng và các yếu tố chiến lược khác. Ngân hàng đang giai đoạn mở rộng có thể sẽ phải chi tiêu cao hơn có thể lên đến vài trăm tỷ đồng.

Thế nên, nếu Hoàng Đức nhận được tổng cộng 30 tỷ đồng khi vừa đá bóng và tham gia các hoạt động marketing trên cương vị đại sứ hình ảnh thì hoàn toàn không đắt. Một nhãn hàng thuê kol hạng A lĩnh vực giải trí để làm đại sứ hình ảnh đã phải mất vài tỷ đồng/năm rồi cơ mà.  Hơn nữa, gần đây để tổ chức 1 giải marathon đang nở rộ của các ngân hàng cũng đã phải chi vài chục tỷ đồng. 1 so sánh nhỏ như vậy để thấy rằng con số Hoàng Đức nhận được ở mức không đắt.

Chi 30 tỷ cho Hoàng Đức là đắt hay rẻ?

Hoàng Đức phù hợp với khán giả trẻ, trung niên. Dương như đó cũng là tập khách hàng đầy tiềm năng của các ngân hàng trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ?

Tôi nghĩ trong thời điểm các ngân hàng đang chuyển đổi số mạnh như hiện nay thì những khách hàng 25-55 tuổi là trọng tâm. Mà độ tuổi này thường rất đam mê bóng đá, và đương nhiên dễ dàng nhận ra Hoàng Đức. Đó là lợi thế khi làm marketing liên quan đến Hoàng Đức. Các sản phẩm của ngân hàng gắn với Hoàng Đức sẽ có độ phủ, nhận diện cao. Tất nhiên, sẽ khó đo đếm Hoàng Đức sẽ mang lại bao nhiêu tỷ đồng doanh thu cho ngân hàng nhưng giá trị của cậu ấy vẫn chuyển đổi thành tiền, góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.

Các ngôi sao lĩnh vực giải trí trong nước hay các cầu thủ nổi tiếng thế giới thường chú trọng xây dựng các nền tảng social như xây fanpage, kênh youtube, tik tok cá nhân để khai thác thương mại. Nhưng Hoàng Đức dường như chưa tập trung lắm và có số lượng người theo dõi các trang cá nhân chưa lớn. Đó là bất lợi khi cậu ấy tham gia hoạt động marketing?

Tôi nghĩ cầu thủ đá bóng tầm 30-32 tuổi là qua thời điểm đỉnh cao phong độ và lúc đó sức hút sẽ giảm. Thế nên, khi đang đỉnh cao sự nghiệp thì cầu thủ cũng cần có ekip đứng sau để xây dựng các nền tảng như bạn nói ở trên, bởi đó sẽ là nơi tiêu thụ các sản phẩm marketing cho nhãn hàng. Các kênh cá nhân sẽ là tài sản theo cầu thủ suốt đời và có thể khai thác mọi lúc kể cả sau này anh không đá bóng nữa mà chuyển sang lĩnh vực khác thì vẫn có giá trị quy đổi. Các hoạt động marketing ngày càng có sự chuyển dịch, phù hợp với xu thế và digital sẽ là chìa khóa cho kol cũng như các nhãn hàng tìm đến nhau. Tất nhiên, các sản phẩm marketing của ngân hàng cũng nằm trong xu thế đó.

Phong độ cầu thủ tác động như thế nào để hiệu quả marketing, thưa ông?

1 trận bóng đá diễn ra trong 90 phút và trung bình 1 năm, cầu thủ đá khoảng trên dưới 30 trận. Đó là chưa kể, nếu cầu thủ tỏa sáng ở các trận cầu đinh thuộc các giải lớn sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động marketing mà cầu thủ đó đang làm đại sứ thương hiệu. Thế nên, khi phong độ cầu thủ duy trì ở mức cao sẽ thúc đẩy hiệu quả marketing. Các sản phẩm đi kèm cầu thủ đó sẽ nhận được quan tâm, nhận diện lớn từ dư luận. Tôi rất mong và chúc Hoàng Đức sẽ duy trì phong độ tốt khi về môi trường mới.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi rất thú vị này!

 

-

 

    Bình Luận