Cách đây hơn 10 năm, đã có ông bầu đứng ra phân tích cho các Mạnh Thường Quân thấy được sự hiệu quả khi tài trợ cho bóng đá. Lúc đó người ta tính rằng nếu doanh nghiệp phát một đoạn quảng cáo có thời lượng 30 giây trên truyền hình sẽ tiêu tốn khoảng trên dưới 50 triệu đồng, nhưng nếu tài trợ khoảng 10 tỷ đồng cho 1 đội bóng thì suốt cả mùa giải sẽ được xuất hiện rất thường xuyên trên ngực áo hoặc gắn tên cùng CLB trong thời gian 90 phút trận đấu.
Tính ra 1 CLB đá khoảng 30 trận đấu/mùa giải và có 1/2 số trận được truyền hình trực tiếp trên tivi thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với cách đặt lịch quảng cáo đơn thuần trên truyền hình. Tất nhiên, để thuyết phục được Mạnh Thường Quân thì đội bóng đó phải nổi tiếng, có ngôi sao trong đội hình để thu hút được sự chú ý của NHM thì lúc đó việc quảng cáo thương hiệu mới đem lại hiệu quả.
Đấy chỉ là 1 trong số rất nhiều câu chuyện được những người làm bóng đá nội đưa ra mỗi khi “trà dư tửu hậu” khi bàn đến việc kiếm tài trợ cho bóng đá. Còn những năm gần đây, sau khi U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích tại VCK U23 châu Á 2018 thì sức hút mà bóng đá nội mang lại vô cùng lớn. Đó cũng là một trong những lý do các Mạnh Thường Quân tìm đến tài trợ cho các CLB nhiều hơn.
Trước mùa giải này, đã có nhiều lo lắng về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ “bóp” túi tiền của các CLB nhưng thực tế, nhiều đội bóng đã rất chủ động trong việc bắt tay với các Mạnh Thường Quân để xây dựng nền tảng tài chính tốt cho mình. Có thể kể ra đây những trường hợp như Đông Á Thanh Hoá, Hà Nội, HL Hà Tĩnh, HAGL, TP.HCM, Sài Gòn FC... Ở buổi lễ xuất quân chiều ngày 6/1 vừa qua, Đông Á Thanh Hóa đã biểu dương rất nhiều Mạnh Thường Quân và thậm chí mời từng đơn vị tài trợ lên nhận kỷ niệm chương vì đã đồng hành với đội bóng. Theo tìm hiểu, Đông Á Thanh Hoá sẽ có trên dưới 10 nhà tài trợ chính và phụ. Trong khi đó, sáng qua, cũng tại buổi lễ xuất quân, Hà Nội đã ra mắt áo đấu của nhà tài trợ mới cùng với đó là ký kết với hàng loạt nhãn hàng mới trên cương vị Mạnh Thường Quân.
Đặc biệt, tân binh Bình Định đã gây sốc khi được Mạnh Thường Quân rót cho không dưới 100 tỷ đồng để mua sắm lực lượng cũng như xây dựng quy chế lương, thưởng ở mùa giải 2021. Đây là con số đáng mơ ước với 1 đội bóng tân binh và đương nhiên HLV Nguyễn Đức Thắng sẽ rất an tâm chuẩn bị cho mùa giải 2021. 100 tỷ đồng là con số rất ấn tượng và kể cả những đội bóng nổi tiếng “đại gia” khác ở V.League cũng phải nể phục về sự chịu chơi của Bình Định.
Tới đây, khi mùa giải cận kề hơn, hàng loạt đội bóng sẽ làm lễ xuất quân và ở đó, danh tính các Mạnh Thường Quân sẽ được vinh danh. Và chắc chắn, mỗi CLB sẽ rất hân hoan khi được các đơn vị tài trợ đồng hành.
Ở V.League, Viettel, B.BD, TP.HCM... nổi tiếng là những đội bóng mạnh vì bạo, bạo vì tiền. Họ đã có nền tảng tài chính tốt cộng với những chiến lược marketing hiệu quả nên dòng tiền tài trợ cho các đội bóng nói trên vẫn rất dồi dào. Đấy cũng là chất xúc tác để họ tự tin “đi chợ” mua sắm cầu thủ chất lượng. Và khi đấy, chất lượng trận đấu tăng lên, sự quan tâm của NHM lớn hơn nên sự hiệu quả về mặt quảng bá thương hiệu sẽ rất lớn.
Những thương vụ khủng làm nên “gã nhà giàu” TP.HCM
Kể từ khi thăng hạng V.League 2017, TP.HCM liên tục tạo nên những phi vụ chuyển nhượng đình đám từ băng ghế huấn luyện cho đến cầu thủ. Nếu trên ghế HLV, TP.HCM liên tục đưa về các HLV ngoại như Alain Fiard (2017), Toshiya Miura (2018), Chung Hae Soung (2019, 2020) và Alexandre Polking (2021) thì trên phương diện cầu thủ, TP.HCM liên tục tạo nên những thương vụ “bom tấn” hết từ mùa này qua mùa khác, đặc biệt là trong 2 năm trở lại đây. Có thể kể đến như Ngô Hoàng Thịnh, Trần Phi Sơn, Bùi Tiến Dũng...
Đình đám nhất và cũng khẳng định thương hiệu trên thị trường chuyển nhượng nhất của TP.HCM phải kể đến việc đưa Công Phượng từ Bỉ trong màu áo Sint Truidense về Việt Nam thi đấu. Một năm sau đó, TP.HCM lại tiếp tục gây tiếng vang lớn khi thuyết phục được Lee Nguyễn từ Mỹ trở lại Việt Nam. Đương nhiên, mức lương mà TP.HCM dành cho Công Phượng ở mùa giải trước hay Lee Nguyễn năm nay là không hề nhỏ!
Bình Luận